Những yếu tố khó ngăn chặn được các đường dây đưa người nhập cư trái phép

Vụ việc 39 người di cư được phát hiện chết trong một container tại Anh, lật tẩy thủ đoạn đưa người di cư trái phép vào châu Âu. Mặc dù nhiều nước đã áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc ngăn chặn được các đường dây đưa người nhập cư trái phép.

Chiếc xe container chở thi thể 39 nạn nhân được di lý đến cơ quan điều tra. (Ảnh: Sky News).

Chiếc xe container chở thi thể 39 nạn nhân được di lý đến cơ quan điều tra. (Ảnh: Sky News).

Băng đảng “đầu rắn” đứng sau vụ 39 người chết

Theo Daily Mail, bà trùm khét tiếng nổi danh với tên gọi “Mẹ của mọi con cá chuối”, là người lập ra nhóm đưa người được cho là đưa 39 người châu Á di cư vào Anh.

Bà trùm “xã hội đen” với biệt danh “Chị Ping” đã qua đời tại nhà tù ở Texas, Mỹ vào năm 2014 khi đang thụ án 35 năm vì tội xây dựng mạng lưới đưa người tinh vi nhất thế giới. Được xem là “Mẹ của các Đầu rắn”, bà trùm người Trung Quốc đã đưa khoảng 200.000 người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Trong phiên xét xử tại New York hồi năm 2005, “chị Ping” được mô tả như “quỷ dữ hiện hình”, kiếm bộn tiền bằng việc đưa các thế hệ người Trung Quốc đi khắp nơi trên thế giới với mức giá 20.000 bảng (25.600 USD) cho mỗi trường hợp kể từ đầu thập niên 1980.

Khoản nợ mà mỗi “khách hàng” Trung Quốc phải trả cho đường dây đưa người của “chị Ping” sẽ được thanh toán dần bằng tiền lương từ những công việc tay chân sau khi họ được đưa thành công tới các nước phương Tây. Số tiền này cũng có thể do chính người thân của họ ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), nơi được xem là “cái nôi của nạn buôn người”, bị ép buộc phải trả bằng cách vay mượn từ chính “chị Ping”.

Cảnh sát rốt cuộc cũng lùng ra dấu vết của “chị Ping” tại khu China Town ở New York và bỏ tù người phụ nữ này vì tội buôn người. Mặc dù bà trùm đã bị bắt và bỏ mạng trong tù, song băng nhóm “Đầu Rắn” của “chị Ping” vẫn hoạt động rất mạnh. Tuy vậy, hiện vẫn chưa biết ai là thủ lĩnh mới của băng nhóm này.

Bà Trịnh Thúy Bình, còn gọi là "chị Bình", từng điều hành một trong những nhóm buôn người lớn nhất từ Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Khi không còn “chị Ping”, băng nhóm buôn người vẫn tiếp tục vận hành. Cách thức hoạt động là sử dụng các ứng dụng trên mạng xã hội, trong đó có MoMo và WeChat, với mức cam kết cho chuyến vượt biên là “100% an toàn”. Nhóm này cũng đưa ra những khẩu hiệu quảng cáo rất hấp dẫn trên các ứng dụng như “Qua cửa khẩu cực nhanh!” hay “Chỉ trả tiền khi đến nơi!”.

Vụ việc 39 người di cư được phát hiện chết cứng trên một chiếc xe tải chở container đông lạnh hôm 23/10 ở Hạt Essex, Vương Quốc Anh hiện đang gây chấn động dư luận thế giới. Đáng chú ý, đây là sự việc nghiêm trọng thứ ba xảy ra ở nước này trong vòng hai thập niên trở lại đây. Cái chết bi thảm của những người châu Á ở Essex lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn buôn lậu người nhập cư tìm đường vào châu Âu. Lục địa già đã coi loại hình tội phạm này là một mối đe dọa đến an ninh và ổn định của toàn bộ khu vực.

Yếu tố có ảnh hưởng

Báo cáo đánh giá của Trung tâm EMSC chỉ ra yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc không ngăn chặn được các đường dây đưa người nhập cư vào châu Âu gồm:

Thứ nhất, giấy tờ giả. Công nghệ làm giấy tờ giả mà các băng đảng sử dụng để tạo ra những giấy tờ chứng minh nhân thân bất hợp pháp rất tinh vi. Đáng chú ý, để làm ra những loại giấy tờ (từ Visa, hộ chiếu, thẻ định danh...) các đối tượng buôn người cần mất rất ít công sức và không đòi hỏi nhiều về thời gian.

Một khi có được giấy tờ giả trong tay, những người nhập cư phi pháp cơ bản đã có điều kiện cần và đủ để tiến vào lãnh thổ của một quốc gia bất kỳ trong khối EU nếu không bị phát hiện ngay từ đầu, một việc làm vô cùng khó khăn đối với các nhân viên hải quan, an ninh cửa khẩu.

Thứ hai, đó chính là việc lạm dụng ưu đãi được di chuyển miễn Visa khi đi du lịch của người dân trên toàn lãnh thổ EU. Người nhập cư đi lậu thường vào châu Âu bằng đường hàng không từ các nước ở khu vực Balkan, dùng hộ chiếu giả để được hưởng chế độ đi lại tự do.

Trong khi đó, nhiều nước Balkan đã ban bố chế độ miễn Visa cho các du khách nước ngoài đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Guinea Bissau, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để hấp dẫn tăng trưởng ngành du lịch. Đến những nước này, khách quốc tế được miễn Visa có thể ở đến 30 ngày, đó cũng chính là lý do vì sau các chuyến hành trình đi lậu đến EU của người nhập cư thường kéo dài cả tháng trời.

Thứ ba, các đường dây buôn người đã tận dụng sự bùng nổ của các loại hình mạng xã hội để tranh thủ quảng cáo về các dịch vụ đưa lậu người đi nước ngoài của mình. Chúng cũng sử dụng nhiều kỹ thuật marketing khéo léo, đánh trúng tâm lý của những người học vấn thấp, thích đổi đời nhanh.

Một trong những chiêu thức khác được các tay buôn người thường sử dụng là chiêu bài “chiết khấu đa cấp”, tức là càng giới thiệu được nhiều người đi thì chi phí sẽ thấp hoặc hoa hồng sẽ cao hơn. Một số băng đảng còn dụ dỗ người muốn ra nước ngoài bằng các dịch vụ “bảo hành trọn gói”, “đến nơi mới thu tiền” , “an toàn tuyệt đối” và “như đi du lịch”...

Thứ tư, tội phạm buôn bán người liên tục thay đổi chiến thuật hoạt động. Chúng có các phương pháp giấu người tinh vi, phức tạp nhưng rất nguy hiểm với mạng sống của “khách hàng”.

Trong các vụ việc lớn nhỏ bị cảnh sát phát hiện, người ta chủ yếu thấy các “khách hàng” của tội phạm được bố trí nằm im ở những nơi rất nguy hiểm, chật hẹp, bẩn thỉu như nấp đằng sau động cơ xe tải, trong thùng container đông lạnh, trong các toa chở hàng trên tàu thủy, tàu hỏa...

Thứ năm, các băng đảng cung cấp dịch vụ buôn lậu người vào châu Âu được tổ chức rất chặt chẽ, liên kết với nhau ở từng nước, từng khu vực. Đáng chú ý, các đường dây này lại liên quan chặt đến các loại tội phạm khác như buôn người làm nô lệ, mại dâm, lao động cưỡng bức...

Thu Trà - Bá Nam - Kim Dung

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nhung-yeu-to-kho-ngan-chan-duoc-cac-duong-day-dua-nguoi-nhap-cu-trai-phep-n16350.html