Những yếu tố giúp Việt Nam phát triển thành công 5G

Theo lộ trình, Việt Nam sẽ cung cấp thử nghiệm dịch vụ công nghệ 5G vào năm 2019 và sẽ thương mại hóa năm 2020. Đây là thời điểm được chuyên gia Qualcomm đánh giá là phù hợp. Tuy nhiên, để triển khai 5G thành công, cần phải có sự kết hợp nhiều yếu tố...

Chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện ngày Internet Việt Nam 2018 diễn ra mới đây, ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, lộ trình thử nghiệm 5G vào năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi, tất nhiên cũng sẽ có những yếu tố khác để đảm bảo lộ trình này được thực hiện tốt.

5G là nền tảng thiết yếu của Internet di động

Với xu hướng Internet hiện nay là Internet di động, phần lớn trải nghiệm của người dùng về các dịch vụ, nội dung đều chuyển lên thiết bị di động. Muốn Internet di động phát triển tốt thì hạ tầng viễn thông di động phải tốt. Công nghệ 4G, 5G là nền tảng cực kỳ quan trọng cho thúc đẩy sự phát triển internet tại Việt Nam, đặc biệt ở mảng di động. Riêng 5G sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Các dịch vụ 3G, 4G trước đây chủ yếu là cung cấp dịch vụ cho người dùng qua smartphone.

Trong tương lai, nhu cầu sử dụng 5G vào kết nối vạn vật sẽ rất lớn. Dự báo rằng sau này có khoảng 35 tỷ thiết bị kết nối vào Internet, phải chạy trên nền tảng 5G. Do vậy, theo ông Nam, 5G là một nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của Internet Việt Nam và trên thế giới. Đây là một nền tảng quan trọng để phát triển nền kinh tế số, hệ sinh thái số, công nghệ 4.0.

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc của Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia

Năm 2020 được đánh giá là thời điểm Việt Nam nên thương mại hóa công nghệ 4G khi các điều kiện thuận lợi chín muồi. Ông Nam phân tích, vào thời điểm đó, các thiết bị đầu cuối 5G sẽ nhiều hơn. Nếu như năm 2019 sẽ là năm các thế hệ thiết bị đầu tiên ra đời, thì năm 2020 sẽ là thế hệ thứ hai, khi đó các thiết bị xuất hiện nhiều hơn và giá cũng sẽ phải chăng hơn. Ngoài ra, vào thời điểm đó công nghệ mạng lưới đã sẵn sàng và các chuẩn hóa cũng đã được thông qua.

Những yếu tố giúp 5G phát triển thành công

Theo ông Thiều Phương Nam, đầu tiên là sự quy hoạch băng tầng cho 5G cần được công bố sớm. Hiện nay vẫn chưa có kế hoạch chi tiết về quy hoạch băng tần cho 5G để các nhà mạng có thể tiến hành chuẩn bị. Thứ hai là về công nghệ mạng lưới. Đây là bài toán về chuẩn bị năng lực của đội ngũ kĩ sư nhà mạng, huấn luyện họ về triển khai công nghệ 5G và thiết kế mạng lưới.

"Hiện Qualcomm cũng đang làm việc với các nhà mạng tại Việt Nam để hỗ trợ hai yếu tố nói trên qua việc đào tạo cho các kĩ sư về công nghệ 5G và thiết kế mạng lưới 5G. Về mặt kĩ thuật, lộ trình này là khả thi, nhưng 5G muốn thành công thì phải chuẩn bị nhắm tới các thị trường mới như là về IoT, smart city, ô tô kết nối... Các phân khúc thị trường này cần phải có bước chuẩn bị về chiến lược kinh doanh thì 5G về mặt thương mại mới thành công" - ông Nam cho hay.

Tương tự như thời điểm triển khai 4G, khi 5G xuất hiện, cả 4G và 5G sẽ cùng chạy song song với nhau trong một thời gian. Giai đoạn đầu 5G sẽ được triển khai ở các thành phố lớn cho những người có nhu cầu dùng công nghệ thực tế ảo, những người dùng điện thoại thông minh nhưng nhu cầu rất cao, như để xem video ở chất lượng HD, ô tô thông minh hay ô tô tự lái. Đó là những thị trường mà 4G không đáp ứng được. Đương nhiên kế hoạch triển khai cụ thể sẽ còn tùy vào các nhà mạng.

Với câu hỏi: Có yếu tố gì cản trở các nhà mạng Việt Nam triển khai dịch vụ trên LTE, ví dụ như chi phí?, ông Thiều Phương Nam cho rằng, không có cản trở về mặt chi phí cũng như công nghệ. Công nghệ voice trên LTE chỉ là một tính năng của mạng nên chi phí không lớn nhưng các nhà mạng phải làm việc với các nhà sản xuất điện thoại để các điện thoại tương thích với công nghệ voice trên LTE.

Hiện việc triển khai công nghệ voice trên LTE ở Việt Nam khó hơn các nước như Hàn Quốc hay Mỹ. Ở các quốc gia khác người dân phải mua điện thoại thông qua nhà mạng, có nghĩa là khi nhà mạng bán điện thoại ra thì họ sẽ kiểm tra toàn bộ tính năng và đưa những tính năng cần thiết và tối ưu trên mạng lưới của họ. Vì thế khi khách hàng mua là điện thoại có thể tương thích ngay.

Còn ở Việt Nam hiện nay vẫn là thị trường mở (open market), khách hàng mua điện thoại riêng ở cửa hàng rồi mua sim của nhà mạng gắn vào mà không có ràng buộc gì. Vì thế mà triển khai voice trên LTE sẽ khó hơn vì các nhà mạng phải đi làm việc với rất nhiều nhà sản xuất điện thoại khác nhau và hàng trăm model khác nhau để đảm bảo sự tương thích khi khách hàng muốn bật voice trên điện thoại của các nhà mạng.

Hiền Mai

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/cong-nghe/201812/nhung-yeu-to-giup-viet-nam-phat-trien-thanh-cong-5g-621285/