Những ý nghĩa hội tụ trong ngày Rằm tháng Giêng

Ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới hay còn được gọi là Nguyên tiêu, đây là sự kiện quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, hội tụ rất nhiều ý nghĩa.

Ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu là ngày lễ lớn của người Việt. Vào ngày này, người dân thường sửa soạn lễ cúng tại gia rất trang trọng, các chùa cũng làm lễ cầu quốc thái dân an.

Lễ thả hoa đăng ngày Rằm tháng Giêng - Ảnh tư liệu

Lễ thả hoa đăng ngày Rằm tháng Giêng - Ảnh tư liệu

Rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, tục xưa gọi là Tết Nguyên tiêu. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Đối với cư dân lúa nước, ngày Rằm tháng Giêng – đêm trăng sáng đầu năm là lúc bà con nông dân khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Theo đó, bà con sẽ ra đồng ruộng tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ để bắt đầu mùa vụ cho một năm mới.

Trong hệ thống tết phương Đông xưa, bên cạnh Tết Nguyên đán còn có 3 lễ tết là Thương nguyên, Trung nguyên, Hạ nguyên. Tết Nguyên tiêu chính là Tết Thượng nguyên. Về mặt tâm linh, Tết Thượng nguyên là tết hướng thiên cầu phúc, Tết Trung nguyên (rằm tháng bảy) là địa quan xá tội, Tết Hạ nguyên (rằm tháng mười) là thủy quan giải ách.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã phân tích trong sách "Cơ sở văn hóa Việt Nam" rằng người Việt vốn có quan niệm coi trọng cái ban đầu với quan niệm “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Bởi vậy trong những ngày đầu năm, đầu tháng người dân Việt cúng lễ và kiêng kỵ rất hệ trọng. Trong mỗi tháng tháng có hai tiết sóc vọng (vị trí của mặt trăng giao hội hoặc đối xung với mặt trời – PV) là ngày mồng một và hôm rằm. Ngày mồng Một tháng Giêng là tết Nguyên đán rồi cho nên Rằm tháng Giêng do đó cũng được coi trọng cho xứng đáng.

Bên cạnh đó, ngày Rằm tháng Giêng còn được coi là ngày vía của đức phật A Di Đà, vị giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc, là vị phật gắn với tương lai tốt đẹp, không có khổ đau. Danh hiệu của vị Phật này chính là lời tụng niệm “A Di Đà Phật” của các Phật tử hay những người đi lễ chùa với mong muốn khi vãng sanh được vào cõi Tây phương cực lạc.

Ngày Rằm đầu năm mới vừa là vía Phật A Di Đà vừa trùng hợp với lễ Thượng nguyên và tết Nguyên Tiêu trong dân gian, cộng hưởng thêm không khí vui xuân còn đậm đà, nên trở thành thời điểm cúng lễ được coi trọng. Trong ngày rằm đầu năm mới, người dân sắm sửa lễ cúng Rằm tháng Giêng tại gia rất trọng vọng. Đây cũng là thời điểm các Phật tử lễ bái chư Phật, Bồ-tát, cúng dường Tăng Ni, phóng sanh, làm những việc phước thiện nhằm cầu nguyện cho gia đình, cho cộng đồng tha nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc. Do vậy trong dân gian đã hình thành câu thành ngữ quen thuộc: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”.

Thanh Nhiên

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-y-nghia-hoi-tu-trong-ngay-ram-thang-gieng-528126.html