Những ý kiến tâm huyết

LTS: Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam-Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử' nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (15-2-1961/15-2-2021), nhóm phóng viên Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, ghi lại một số ý kiến tâm huyết, lược trích tham luận của một số đại biểu. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thiếu tướng HOÀNG ĐÌNH CHUNG, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7: Bài học quý về xây dựng bản lĩnh, ý chí cho bộ đội

Quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, quyết định. Việc xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của Quân Giải phóng miền Nam, được đúc kết ngay từ những ngày đầu thành lập đến khi hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài học ấy được thể hiện nổi bật ở việc quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; ở kinh nghiệm nhận định, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, làm cơ sở để củng cố niềm tin, xây dựng quyết tâm chiến đấu và niềm tin chiến thắng cho bộ đội và nhân dân; ở việc giáo dục bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước... để xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mọi nhiệm vụ; làm tốt công tác chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng, cổ động chiến trường, quan tâm chăm lo đời sống bộ đội...

Thiếu tướng Hoàng Đình Chung.

Thiếu tướng Hoàng Đình Chung.

Những kinh nghiệm, biện pháp hiệu quả trong bài học xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được vận dụng, thực hiện tốt trong LLVT Quân khu 7. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; giữ vững bản lĩnh chính trị, mài sắc ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đây là bài học quý giá, khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội cũng là một nhiệm vụ, một nguyên tắc cơ bản hàng đầu để xây dựng LLVT quân khu nói riêng và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ phải thường xuyên quan tâm chăm lo, giáo dục tư tưởng cho bộ đội, tạo sức mạnh đoàn kết, thống nhất, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

ĐÌNH THÀNH (ghi)

Đại tá NGUYỄN VIẾT TÁ, nguyên Tổng biên tập Báo Quân giải phóng: Dấu ấn của hoạt động báo chí, tuyên truyền

Tôi có mặt ở chiến trường B2 và được tham gia vào những ngày đầu thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 2-1961) và hoạt động cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày ấy, tôi được tham gia các hoạt động của các cơ quan đầu não của Bộ chỉ huy miền và sau này là Bộ tư lệnh miền, có nhiều năm đảm nhiệm phụ trách Báo Quân giải phóng cho đến năm 1976.

Đại tá Nguyễn Viết Tá.

Thời điểm sau khi thành lập Quân giải phóng Miền, tình hình cách mạng miền Nam phát triển thuận lợi, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, các lực lượng của Quân giải phóng Miền ngày càng phát triển mạnh mẽ, hình thành những đơn vị chủ lực quy mô lớn và triển khai những chiến dịch lớn, tạo tiếng vang lớn trên chiến trường Nam Bộ. Trong sự phát triển lớn mạnh đó, công tác tuyên truyền, báo chí được xây dựng sát với yêu cầu, thực tiễn của cách mạng, cung cấp thông tin kịp thời, phản ánh khí thế cách mạng, cổ vũ quân và dân ta trên chiến trường. Tháng 11-1963, Báo Quân giải phóng phát hành số đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh sinh động khí thế cách mạng của quân giải phóng, cổ động, động viên quân và dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các bản tin, bài báo không chỉ đưa trên Báo Quân giải phóng mà còn được chuyển cho đài phát thanh và Thông tấn xã Giải phóng để phát và tạo sự lan tỏa rất lớn.

Trong giai đoạn ấy, tôi đã được nhiều đồng chí lãnh đạo của Bộ tư lệnh Miền chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều về công tác chuyên môn. Báo Quân giải phóng cũng góp phần xây dựng lòng yêu nước, nâng cao quyết tâm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân, dân Nam Bộ và cả nước trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày toàn thắng. Bài học thực tiễn về công tác báo chí, tuyên truyền của lực lượng Quân giải phóng Miền đã góp phần to lớn đi đến thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của cả dân tộc ta.

SONG AN (ghi)

Tiến sĩ LÊ QUANG CẦN (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai): Bài học từ lòng dân "Một tấc không đi, một ly không rời"

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập tại khu vực suối Linh, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vào đầu năm 1961 và nhanh chóng trưởng thành, lập nên những chiến thắng vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sứ mệnh và chiến thắng lịch sử to lớn đó có vai trò rất lớn của nhân dân Nam Bộ và cả nước nói chung, của nhân dân ở vùng Chiến khu Đ nói riêng.

Tiến sĩ Lê Quang Cần.

Người dân Chiến khu Đ có nhiều đồng bào dân tộc S'tiêng và Chơ Ro, ở dọc sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Sông Bé (gồm hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước ngày nay) và Đồng Nai, đã một lòng một dạ son sắt ủng hộ cách mạng, che giấu, nuôi dưỡng Bộ đội Cụ Hồ, theo Đảng trong suốt 9 năm chống Pháp; tiếp tục đồng cam, cộng khổ, phục vụ, giúp đỡ, chở che Quân giải phóng Miền trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với sự đóng góp tích cực về của cải, vật chất, sức người, nhân dân Chiến khu Đ đã đồng hành, hỗ trợ Quân giải phóng Miền lập nên những thắng lợi vẻ vang, mở rộng căn cứ địa, địa bàn hoạt động. Mỹ-ngụy lập ấp chiến lược, đàn áp dã man để chia rẽ, phá hoại truyền thống cách mạng “Quân với dân như cá với nước” giữa nhân dân Chiến khu Đ và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng chúng đều thất bại. Các tầng lớp nhân dân vốn gắn bó với cách mạng, trong khó khăn, ác liệt lại càng son sắt, thủy chung. Người dân chiến khu Đ đã nêu cao khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”. Nhân dân chiến khu Đ đã thi đua sản xuất, canh tác, cung cấp lương thực cho Quân giải phóng, bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch lớn...

Vai trò to lớn, tinh thần đoàn kết giúp đỡ của nhân dân Chiến khu Đ đối với Quân Giải phóng miền Nam là rất quan trọng, còn nguyên giá trị lịch sử. Ở đó thể hiện bài học về sức dân, sự tin yêu của nhân dân, về sức mạnh đoàn kết quân dân, là cội nguồn sức mạnh của Bộ đội Cụ Hồ.

HOÀNG VINH (ghi)

Nhà văn TRẦM HƯƠNG, nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: Lan tỏa niềm tự hào to lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau

Tôi có gần 30 năm gắn bó, công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, nơi lưu giữ nhiều hiện vật và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống về nguồn, các chương trình gặp mặt của nữ cựu chiến binh từng tham gia Quân giải phóng Miền. Trong quá trình công tác và viết sách về các tướng lĩnh, tôi vô cùng ấn tượng, cảm phục nữ tướng Nguyễn Thị Định. Đây là một nhân vật rất đặc biệt. Khi bà được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao quyết định Phó tư lệnh Quân giải phóng Miền, bà rất lo lắng, nhưng trước yêu cầu, thách thức vận mệnh của quốc gia, dân tộc, bà đã nhận lời. Suốt những năm sau đó, bà đã thể hiện là một nữ tướng có tài cầm quân thực sự, đưa ra những ý tưởng, cách đánh, xây dựng đội hình chiến đấu vô cùng độc đáo, bám sát đường lối đấu tranh dựa vào sức dân, luôn gần dân, bám sát dân... mà tiêu biểu nhất là đội quân tóc dài, đã trở thành biểu tượng của ý chí, sự hy sinh, sức mạnh, lòng yêu nước kiên trung của phụ nữ Việt Nam. Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phó tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng cầm quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Những tài năng kiệt xuất như bà Nguyễn Thị Định đặt trong giai đoạn lịch sử đã thăng hoa, nhưng sâu thẳm nguồn cội đó chính là truyền thống của phụ nữ Việt Nam "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

Nhà văn Trầm Hương.

Có thể khẳng định, những tinh hoa, tinh lực của cả dân tộc đã được hội tụ ở lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và đã tạo nên sức mạnh của dân tộc làm nên chiến thắng 30-4-1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những năm làm công tác bảo tàng, ngoài việc được tiếp xúc, gần gũi với những nhân chứng lịch sử, tiếp nhận, giữ gìn, bảo quản những hiện vật lịch sử về Quân giải phóng Miền, tôi luôn nỗ lực thấu hiểu, nâng niu và làm lan tỏa các giá trị lịch sử. Tôi đã viết sách, làm phim về những nhân vật lịch sử với sự ngưỡng mộ và tri ân sâu sắc...

BẢO MINH (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-y-kien-tam-huyet-648711