Những ý kiến tâm huyết tại Tọa đàm 'Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ'

LTS: Hôm qua (31-3), Báo Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm 'Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ'. Đã có gần 40 tham luận gửi về Ban tổ chức và có 10 ý kiến phát biểu trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... trong và ngoài quân đội. Các tham luận thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, đồng thời phân tích, làm sâu sắc hơn những phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân trao tặng; gợi mở nhiều vấn đề mới, thời sự, nhằm sớm đưa Nghị quyết số 847-NQ/TW của Quân ủy Trung ương đi vào cuộc sống; góp phần tô thắm hình ảnh người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến tâm huyết, tiêu biểu tại tọa đàm.

Đồng chí VŨ KHOAN, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ:

Phát huy giá trị Bộ đội Cụ Hồ

Trên thế giới không có một dân tộc nào giống dân tộc ta, kể từ ngày có chính quyền cách mạng đến nay phải tiến hành tới ba cuộc chiến tranh vệ quốc vì những mục tiêu cao quý là độc lập cho Tổ quốc, thống nhất cho giang sơn, hạnh phúc cho dân tộc. Trong đó, Quân đội ta có những đóng góp to lớn và đặc biệt quan trọng.

Làm thế nào mà một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đánh thắng các thế lực ngoại xâm có tiềm lực vật chất hùng hậu gấp bội như vậy? Nguyên do có nhiều, song một trong những nhân tố làm nên kỳ tích có một không hai ấy là sự ẩn chứa những giá trị văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, được kết tụ và thể hiện trong nhân cách mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Trước hết, đó là tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí sắt đá, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Là sự cần cù, chịu thương chịu khó kết hợp với trí thông minh và tài năng sáng tạo trong thời chiến cũng như thời bình. Là tình đồng đội keo sơn và sự gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ quân đội với đồng bào. Là đức tính sẵn sàng chia bùi sẻ ngọt với các dân tộc đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Là tính nhân văn và lòng vị tha đối với kẻ thù. Những giá trị cao quý ấy đã giúp cho Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, giành chiến thắng huy hoàng như Bác Hồ đã tiên đoán kể từ khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời.

Ngày nay đất nước đã có hòa bình, hội nhập quốc tế sâu rộng; cùng với đó đi kèm theo nhiều sự cám dỗ hơn vạn lần so với những năm 50 của thế kỷ trước. Trong hoàn cảnh ấy, một số cán bộ, kể cả ở cấp cao, đã trượt chân nhào xuống vực sâu, để lại nỗi nhục đối với bản thân, sự buồn tủi đối với gia đình, sự nuối tiếc đối với nhiều người, làm ảnh hưởng tới danh xưng Bộ đội Cụ Hồ.

Nhận rõ mối hiểm họa này đối với chế độ, Đảng, Nhà nước và quân đội đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực; tiến hành nhiều giải pháp đấu tranh rất quyết liệt; cùng với đó là quyết tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách để những người có chức, có quyền không cần, không muốn, không thể, không dám tham nhũng.

Tuy nhiên, dù cơ chế, chính sách và luật pháp có hoàn chỉnh đến đâu chăng nữa cũng không thay thế được sự rèn luyện và sự tỉnh ngộ của mỗi người về giá trị cuộc sống. Thuốc đặc trị hiệu nghiệm nhất chính là ý chí của từng cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống của Bác Hồ một cách tự giác và thường xuyên, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức có ảnh hưởng nhất định tới vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của đất nước. Tình hình mới đặt ra những yêu cầu mới trong phương cách bảo vệ và phát huy những giá trị vĩnh cửu mà các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đã vun đắp nên.

--------------------------------------

PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương:

Kết hợp xây và chống để giữ gìn "viên ngọc quý"

Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương xác định 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. 5 đặc trưng nằm trong mối quan hệ thống nhất và thể hiện toàn diện từ đặc trưng phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp phong cách công tác; hành vi ứng xử văn hóa... được xây dựng, bồi đắp, từng bước hoàn thiện qua các chặng đường cách mạng vẻ vang của dân tộc ta, Đảng ta, nhân dân ta và Quân đội ta. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã tạc vào lịch sử dân tộc và thế giới một dáng đứng kiêu hùng “Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.../ Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Dáng đứng Việt Nam-Lê Anh Xuân).

Đất nước hiện nay không còn giặc ngoại xâm, nhưng trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và văn hóa ngoại lai đã và đang hình thành giặc “nội xâm”, đó là các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã và đang diễn ra ở các cấp độ khác nhau. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được đặt ra đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là phải đẩy lùi và phải chiến thắng “giặc nội xâm”.

Để làm được điều đó, toàn quân cần phải đẩy mạnh thực hiện giữa xây và chống. Xây là vun đắp, gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp đã được kết nên từ lịch sử, truyền thống; chống là giữ vững lập trường tư tưởng, bản chất giai cấp, không để những mặt tiêu cực trái chiều của nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân mọc mầm làm cho "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nảy nở, sinh sôi. Mặt trận chống tuy không có tiếng súng, nhưng không kém phần dai dẳng, cam go. Thời gian qua, có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội vi phạm pháp luật và đã bị xét xử nghiêm minh là một hồi chuông cảnh tỉnh mọi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Vì vậy cần tập trung chấn chỉnh lại về chính trị, tư tưởng, về công tác Đảng, văn hóa, quân sự trong quân đội. Đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cần tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện để là điểm tựa tinh thần, là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ noi theo.

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là “viên ngọc quý” của sự kế thừa, kết tinh những giá trị đạo đức truyền thống cao đẹp của dân tộc. Muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang thì phải có "binh hùng, tướng mạnh" và muốn "binh hùng, tướng mạnh" thì hằng ngày phải giữ gìn, “mài giũa” cho “viên ngọc” phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng tỏa sáng.

----------------------------------------

Đại tá, GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương:

Xin đừng quên những cống hiến, hy sinh của người chiến sĩ

Trong tư liệu và trí nhớ của tôi, có đến hàng mấy trăm nhà thơ với hàng nghìn bài thơ, trường ca... về Bộ đội Cụ Hồ, kể từ năm 1945 đến nay. Đó là chưa kể hàng nghìn người yêu thơ, là bố, là mẹ, là vợ, là người yêu... đã và đang làm thơ từ tấm lòng, tình yêu với Bộ đội Cụ Hồ. Từ ngàn xưa, thơ ca ta đã khẳng định, phát hiện và yêu thương, trân trọng người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ gần 80 năm qua có nguồn cội sâu xa từ lịch sử-văn hóa dân tộc.

Làm việc nhiều năm với Chính Hữu-nhà thơ, tôi luôn nhớ đến câu thơ của anh khi là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến: “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...”.

Lãng mạn và đẹp quá khi tuổi đôi mươi trở thành người chiến sĩ cách mạng với chân trời lý tưởng, dù có phải hy sinh, như Quang Dũng thể hiện trong “Tây Tiến” với giọng thơ trầm hùng và khí phách: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Cùng với cuộc chiến đấu, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ không chỉ dừng lại cảm xúc lãng mạn anh hùng như thuở ban đầu. Hàng trăm bài thơ đã phát hiện trong kiểu mẫu nhân cách mới này sự hòa hợp, quyện chặt giữa cái thực và cái lý tưởng, cái giản dị trong cái đẹp, cái anh hùng, cái bình thường chứa đựng sự cao thượng và anh dũng.

Ngày tôi nhập ngũ, mẹ đã gần 70 tuổi. Hai chị gái tôi phải xốc nách mẹ tiễn tôi lên đường. Mẹ không khóc, đôi mắt tràn ngập yêu thương, lo lắng mà kiên nghị đến không ngờ. Từ ấy, hai câu thơ của Nguyễn Khắc Phục nằm lòng trong trí nhớ của tôi: “Sao bóng mẹ yên lòng con đến thế/ Dù bên kia sông, pháo giặc chớp đầu nòng”. Vì mẹ-quê hương-nhân dân mà người lính đã ngàn ngày hành quân không mỏi, làm nên những chiến công lẫy lừng.

Có đến hàng trăm hoặc nhiều hơn thế nữa những bài thơ tình người lính, tình yêu người lính. Đó là gia tài tinh thần vô giá, bất diệt của người lính khi ra trận.

Đất nước đã đi qua chiến tranh. Nhưng người lính vẫn phải căng mình đứng gác, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc. Song, có ai đó đã lãng quên!

Những năm qua, tôi đến nhiều vùng chiến trường xưa. Đứng ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã sống, chiến đấu và hy sinh, tôi nghe vọng trong tâm mình hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi anh lặng đi trước căn hầm trú ẩn của chị Trâm: “Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt/ Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ”. Một cảm giác day dứt, xót xa.

Tới dự lễ kỷ niệm 81 ngày đêm bộ đội ta chiến đấu, hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị, đứng trên bờ sông Thạch Hãn, hai câu thơ dặn dò nhẹ nhàng mà thiết tha vang vọng trong tâm trí tôi: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Những lời nhắn nhủ day dứt, thiết tha với chúng ta-những người đang sống và cả thế hệ mai sau: Xin đừng bao giờ quên những cống hiến, hy sinh vô bờ của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.

-------------------------------------

Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Ban hành Nghị quyết 847 là đúng đắn, cần kíp

Tôi đánh giá cao tính nhạy bén, kịp thời của Báo Quân đội nhân dân trong việc tổ chức Tọa đàm “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”; qua đó phát huy thế mạnh của báo trong việc tuyên truyền Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương đến cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân.

Khi được tiếp cận, tìm hiểu một cách kỹ càng, tôi thấy việc ban hành Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, là đúng đắn, cần kíp. Sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương rất kịp thời trong hoàn cảnh mới, nhất là sự tác động mặt trái của kinh tế thị trường đối với LLVT nói chung và quân đội nói riêng. Nghị quyết thể hiện rõ tính lý luận, khoa học, thực tiễn, những yêu cầu cấp thiết, giải pháp cơ bản nhằm củng cố sức mạnh cho quân đội phát triển lâu dài.

Tôi tán đồng với những vấn đề mà nghị quyết nêu ra và chia sẻ những suy nghĩ về phấn đấu tô thắm phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Trước tiên, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, tạo dựng niềm tin vào Đảng, vào chế độ phải gắn chặt với việc giáo dục, rèn luyện kỷ luật của quân đội, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ. Xây dựng niềm tin với hiểu biết sâu sắc về kỷ luật, pháp luật chính là công tác giáo dục của chúng ta hướng đến và xây dựng nên một nhân cách ngày càng hoàn thiện hơn của mỗi quân nhân.

Thứ hai, nêu gương sáng, gương tốt của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ có cơ cấu trong cấp ủy, sĩ quan trung, cao cấp là một việc làm đặc biệt cần thiết và cấp thiết trong hoàn cảnh mới hiện nay. Từ trước đến nay, chúng ta thường nghe câu nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” hay “Cán bộ nào phong trào đó”. Việc nêu gương sáng của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa và tác động rất lớn đến đơn vị, đến cấp dưới, chiến sĩ.

Thứ ba, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa “xây” và “chống”. Song song với việc xây dựng phải kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực mà biện pháp chủ yếu là giáo dục, nâng cao nhận thức để cán bộ, chiến sĩ toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội, trọng danh dự, biết phân biệt đúng-sai.

Tóm lại, để tiếp tục phát huy truyền thống quân đội, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong hoàn cảnh mới đòi hỏi toàn quân phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh và kỷ luật của quân đội, thực hiện tốt các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, trong đó có Nghị quyết 847.

--------------------------------

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng:

Đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân bằng sức mạnh tập thể

Chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm, một loại “virus” gây hại cho sự nghiệp cách mạng. Bác Hồ dạy rằng, chừng nào còn tồn tại chủ nghĩa cá nhân thì chừng ấy nó còn ngăn trở, kìm hãm người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng; làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Chủ nghĩa xã hội không phủ nhận quyền lợi cá nhân nếu các giá trị đó là chính đáng, thuộc về quyền con người, được hiến pháp, pháp luật và đạo đức xã hội thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.

Vì vậy, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân luôn là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta, theo hướng các giá trị cá nhân phải phục tùng các giá trị lợi ích của tập thể, của quốc gia-dân tộc và ngược lại, phải phát huy sức mạnh của tập thể để hướng cá nhân đến với những giá trị trong sáng, hài hòa.

Do đó, chúng ta chỉ có thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc chỉ khi có sự chung sức, đồng lòng, cùng vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị.

Đối với quân đội, phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp, cơ quan chính trị... để xóa bỏ mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; không để “khe hở”, “mảnh đất trống cho cỏ dại mọc”; thực hiện nghiêm túc pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị và các nguyên tắc sinh hoạt Đảng: “Tập trung dân chủ”, “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, “tự phê bình và phê bình”... là cơ sở vững chắc để tạo ra sức mạnh tập thể, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân.

Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin tích cực, định hướng chính trị, thống nhất nhận thức và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp, tạo môi trường văn hóa quân sự lành mạnh để đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Sự toàn tâm, toàn ý thực hiện thống nhất chủ trương, đường lối của Đảng, ý chí và hành động của toàn quân, là nguồn sức mạnh ý Đảng-lòng dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

---------------------------------

PGS, TS ĐÀO DUY QUÁT, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương):

Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sức lan tỏa sâu rộng

Tôi đã nghiên cứu nhiều bài viết trong chuyên mục “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” đăng trên Báo Quân đội nhân dân trong thời gian gần đây. Ngày 4-6-2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tôi cho rằng, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW (gọi tắt là Nghị quyết 847) là sự cụ thể hóa của Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị, hướng đến xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, nhằm phát huy sức mạnh nội lực, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tôi đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm rằng, cùng với kế thừa, phát huy những giá trị Bộ đội Cụ Hồ được khẳng định theo thời gian, thì chúng ta còn phải có trách nhiệm tô thắm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân vinh danh. Nghị quyết 847 đã chỉ rất rõ 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và nhận diện cụ thể 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trên cơ sở đó, theo tôi, để tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thì nhiệm vụ “xây” là cơ bản, chiến lược lâu dài, “chống” cần được coi là nhiệm vụ cấp bách.

Sự ra đời của Nghị quyết 847 có ý nghĩa sâu sắc và cần thiết trong thời điểm hiện nay. Song việc triển khai đưa nghị quyết này vào hiện thực cuộc sống như thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Theo tôi, một trong những việc đưa nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả nhất chính là khâu giáo dục, quán triệt, truyền bá sâu rộng đến toàn quân, tới từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.

Tôi cho rằng, Báo Quân đội nhân dân đã làm rất tốt việc tuyên truyền về nội dung nghị quyết và tiếp tục phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Công tác tuyên truyền của báo đòi hỏi cụ thể hơn, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình truyền tải các nội dung được xác định trong nghị quyết làm sao cho thấm, ngấm đến từng cán bộ, chiến sĩ; để từ đó, trở thành nhận thức, tình cảm và trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, phát huy truyền thống anh hùng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Cùng với đó, Báo Quân đội nhân dân cần tăng cường nhiều bài viết từ thực tiễn cơ sở, phát hiện những tấm gương người thật, việc thật, đặc biệt là gương về những tập thể cấp ủy, chỉ huy trong tổ chức thực hiện nghị quyết hiệu quả, thực chất; cán bộ chủ trì nêu gương về chống chủ nghĩa cá nhân và phát huy truyền thống anh hùng... Điều này sẽ tạo nên sức lôi cuốn, động viên cán bộ, đảng viên, chiến sĩ noi theo.

Và một vấn đề nữa tôi muốn đề cập ở đây, là cơ quan báo chí đa phương tiện, Báo Quân đội nhân dân cần phát huy cao nhất thế mạnh của mình trên tất cả các ấn phẩm, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong toàn quân và xã hội.

----------------------------------

Đồng chí HỒ QUANG LỢI, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Nhận diện rào cản để có giải pháp sát đúng

Tôi rất tâm đắc với chủ đề tọa đàm “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”. Thực tế, lâu nay, chúng ta vẫn thường nói tới phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ở góc độ tích cực và thực tiễn cách mạng cũng đã khẳng định: Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý, thiêng liêng-biểu tượng nhân văn cao đẹp của văn hóa quân sự Việt Nam, thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đang gặp phải những khó khăn nhất định.

Trước hết, sự phát triển của mạng xã hội tác động sâu sắc đến nhận thức, ý chí và tình cảm của bộ đội. Mạng xã hội có mặt tích cực, nhưng không ít thông tin xấu độc về quân đội lan tỏa sẽ gây tâm lý hoang mang cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, mặt trái nền kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, so bì, bè phái, lợi ích nhóm đang len lỏi trong đời sống xã hội. Không ít cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nên chưa gương mẫu, tự giác, dẫn đến phai nhạt, phản bội lý tưởng. Hiện nay, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Những vấn đề này, được Nghị quyết 847 đề cập đầy đủ, khoa học.

Thời gian qua, xảy ra không ít vụ việc tiêu cực, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước của một bộ phận cán bộ trong quân đội, khiến người dân và cán bộ, chiến sĩ rất đau lòng. Tình trạng vi phạm dân chủ, thậm chí có biểu hiện quân phiệt vẫn còn ở một số nơi, chưa được ngăn chặn, giải quyết chưa triệt để, đã tác động xấu đến môi trường quân đội và hình ảnh quân đội. Một mối nguy khác là các thế lực thù địch, phần tử phản động đang cố tình bôi nhọ, xuyên tạc, hạ bệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, chia rẽ đoàn kết nội bộ và đoàn kết quân dân; thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, làm phai nhạt, suy thoái mục tiêu lý tưởng, niềm tin vào Đảng của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Với những khó khăn như vậy, để giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trước hết, với tư cách là cơ quan trực tiếp ban hành Nghị quyết 847, Quân ủy Trung ương cần sớm mở một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thực chất; gắn việc học tập Nghị quyết 847 với học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của bộ đội và nhân dân. Cần có biện pháp mạnh mẽ để chống chủ nghĩa cá nhân, chống suy thoái phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bằng cách phải xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong quân đội.

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa xây và chống, đặc biệt chú trọng việc nêu gương của cán bộ các cấp. Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, phong phú. Giáo dục niềm tự hào cho cán bộ, chiến sĩ; tăng cường đấu tranh với các quan điểm sai trái để bảo vệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa quân đội với các ban, bộ, ngành liên quan, vận hành từ Trung ương đến địa phương để lan tỏa giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Nhất là phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa hình ảnh, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vào sách giáo khoa, vào các nhà trường nhằm giáo dục cho học sinh về Bộ đội Cụ Hồ ngay từ khi các em còn ở độ tuổi học đường...

-------------------------------

TS Ngữ văn NGUYỄN THỊ HẬU, giảng viên cao cấp, cán bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam:

Bộ đội Cụ Hồ mãi đẹp trong tâm hồn học trò

Sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người thân là Bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn tự hào và thần tượng anh bộ đội. Mỗi khi các bạn đến nhà, tôi lại hãnh diện chỉ lên tường giới thiệu từng bức ảnh của Bộ đội Cụ Hồ là ông ngoại, bố và các cậu với những huân, huy chương, bằng khen ghi dấu chiến công.

Lớp mẫu giáo của chúng tôi học trong đình làng cổ kính. Cô giáo có chồng đi bộ đội nên thường bắt nhịp cho cả lớp đọc bài thơ về chú bộ đội. Bạn nào cũng cố thể hiện rõ tình cảm yêu thương, quý mến, niềm tự hào về các chú bộ đội.

Đến khi vào tiểu học, trường của chúng tôi bên hàng cây xanh có giao thông hào xung quanh, tiếng trẻ thơ vang lên mỗi sớm, mỗi chiều. Bọn trẻ củng cố lòng tin và tự hào về chú bộ đội qua nhiều bài thơ hay. Trong mắt trẻ thơ chúng tôi, chú bộ đội ra đi chiến đấu để đem lại cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời vì Tổ quốc, vì nhân dân...

Với thế hệ học trò chúng tôi, hình tượng rất đẹp về Bộ đội Cụ Hồ mãi khắc ghi vào lịch sử cao đẹp của dân tộc. Ở bất cứ thời kỳ nào thì người lính Cụ Hồ vẫn là nòng cốt, giữ trọng trách to lớn, cao cả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ đội Cụ Hồ luôn là niềm tin, động lực để các thế hệ mai sau cố gắng tiếp tục con đường đưa đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh. Nối tiếp tình yêu và sự trân trọng của thế hệ chúng tôi đối với Bộ đội Cụ Hồ, các em học sinh hôm nay cũng biết yêu Tổ quốc, trân quý những năm tháng sống trong hòa bình, tung tăng cắp sách tới trường. Tự hào, biết ơn truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó có những cống hiến to lớn của Bộ đội Cụ Hồ, mỗi thầy cô giáo, học sinh càng thêm phấn đấu để trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, giáo dục.

Trong vai trò nghiên cứu chương trình và sách giáo dục, tôi trăn trở rất nhiều khi những tư liệu, bài viết, tác phẩm văn học về các anh thưa dần trong sách giáo khoa. Làm thế nào để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mãi đẹp trong tâm hồn các em học trò, đó là một trong những điều thôi thúc tôi đến với buổi tọa đàm này. Chúng tôi cập nhật được nhiều bài viết hay, thông tin bổ ích về Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới để tiếp tục đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

------------------------------------

Thượng tá NGUYỄN ĐỨC CƯƠNG, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội:

Gìn giữ văn hóa Bộ đội Cụ Hồ - trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay

Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là sự kết tinh những giá trị văn hóa-chính trị-đạo đức của thời đại, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, do lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bồi đắp, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ không phải là điều gì quá xa vời, trừu tượng mà luôn gắn liền và được biểu hiện thông qua hoạt động cụ thể của mỗi quân nhân.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động từ mặt trái nền kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch, làm xuất hiện một số biểu hiện tiêu cực, như: Giảm sút niềm tin, xa rời mục tiêu, lý tưởng; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác, thiếu gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cục bộ, bè phái, vi phạm pháp luật Nhà nước...

Xuất phát từ thực trạng trên, gìn giữ văn hóa Bộ đội Cụ Hồ vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, trong đó có thế hệ trẻ. Nhằm phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ quân đội trong gìn giữ văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị và những đặc trưng cơ bản của văn hóa Bộ đội Cụ Hồ. Muốn vậy, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền để thanh niên thấm nhuần sâu sắc giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Cần làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ. Trong huấn luyện và công tác cần đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao để cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên cần thấm nhuần và luôn tích cực, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện dao động, giảm sút niềm tin, cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống làm phai nhạt hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/nhung-y-kien-tam-huyet-tai-toa-dam-to-tham-pham-chat-bo-doi-cu-ho-690352