Những xác ướp bí ẩn khiến giới khoa học 'đau đầu'

Mới đây, tạp chí Listverse của Anh đã cập nhật danh sách những xác ướp với nhiều tình tiết ly kỳ, ma mị.

 Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Warsaw nghiên cứu xác ướp mang thai duy nhất trên thế giới

Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Warsaw nghiên cứu xác ướp mang thai duy nhất trên thế giới

Xác ướp giám mục kèm theo hài nhi

Đây là xác ướp thế kỷ 17, chính xác là năm 1679, một giám mục của Thụy Điển tên là Peder Winstrup đã được chôn cất tại Nhà thờ Lund, trụ sở của giám mục Lund và nhà thờ chính của Giáo phận Lund. Giám mục Peder Winstrup là một trong những nhà lãnh đạo giáo hội có ảnh hưởng nhất ở châu Âu thời bấy giờ. Thi thể ông được chôn cất năm 1679 và được bảo quản trong điều kiện tốt bất thường, gần như một xác ướp.

Năm 2013, các nhà nghiên cứu quyết định tìm hiểu kỹ hơn về vị giám mục này. Bằng công nghệ quét xác ướp, các nhà khoa học phát hiện một bào thai chưa phát triển đầy đủ kẹp giấu giữa hai chân của vị giám mục này. Chính xác là xác một bé trai và bị chết lưu. Trong một thời gian dài, câu hỏi được đặt ra, tại sao đứa trẻ sơ sinh lại được chôn cùng với vị giám mục này?

Đầu năm 2021, các xét nghiệm ADN cho thấy, hai người có chung 25% gene. Sau khi xem lại hồ sơ gia đình Winstrup cho thấy, cậu bé không phải là cháu trai, anh họ hay anh trai cùng cha khác mẹ. Vị giám mục có một người con trai và trong khi không có dấu vết của những đứa con của người con trai đó, nên đứa cháu được cho là lựa chọn duy nhất liên quan đến hồ sơ gia phả của gia đình Winstrup và đây cũng là lý do cả hai được chôn chung trong một quan tài.

Chân dung giám mục Peder Winstrup được phục dựng để phục vụ nghiên cứu

Xác ướp mang thai duy nhất trên thế giới

Vào thế kỷ 19, Đại học Warsaw (UoW) Ba Lan đã tiếp nhận một xác ướp Ai Cập. Theo dòng chữ trên quan tài thì đây là xác ướp của linh mục Hor-Djehuty. Người bán cổ vật thường làm lộn xộn theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Vì lợi nhuận, họ thường lấy bất kỳ xác ướp nào và đặt vào bên trong quan tài để đưa đi bán. Các cuộc truy quét và điều tra gần đây đã lật tẩy trò gian lận này.

Theo đó, vào năm 2016, những gì còn lại của linh mục Hor-Djehuty đã được chụp X-quang và phân tích. Kết quả, thi thể không phải của vị linh mục mà là một người phụ nữ vô danh đang mang thai. Và vì một số lý do không thể giải thích được, đứa trẻ sơ sinh đã không được lấy ra trong quá trình ướp xác.

Theo Marzena Ozarek-Szilke, nhà nhân chủng và khảo cổ học ở khoa Khảo cổ của trường UoW, trong quá trình chụp cắt lớp, bà và các cộng sự đã tìm ra một số manh mối thú vị. Cơ thể là phụ nữ vì không có dấu hiệu của dương vật, có "cấu trúc bộ xương mỏng manh", mái tóc dài, xoăn và bộ ngực được ướp vào xác. Đương sự được cho là đã chết ở độ tuổi từ 20 đến 30 còn thai nhi đang ở tuần thai 26 đến 30. Một trong những câu hỏi lớn mà các nhà khoa học đặt ra là tại sao bào thai vẫn nguyên vị trí mà không bị loại bỏ. Dù lý do gì đi chăng nữa, đây vẫn là xác ướp mang thai duy nhất trên thế giới tính đến nay.

Xác ướp công chúa Ba Tư

Trung tuần tháng 10/2000, cảnh sát Pakistan đã bắt được một nhóm người đang cố gắng bán xác ướp với giá 20 triệu USD. Hiện vật được tịch thu được gửi đến Bảo tàng Quốc gia ở Karachi và ngay sau đó một cuộc họp báo được tổ chức, thông báo thi thể của một công chúa Ba Tư đã chết vào khoảng 600 năm TCN. Phát hiện hiếm đến mức Iran và Pakistan đã tranh nhau quyền sở hữu. Chữ viết trên tấm áo ngực, trong đó tiết lộ tên và gia đình của người chết nhưng chữ viết lại sai ngữ pháp. Tên của công chúa là một lá cờ đỏ, còn được gọi là Rhodugune, thiên về tiếng Hy Lạp nhiều hơn là tiếng Ba Tư.

Tấm thảm lau sậy bên dưới thi thể cũng chỉ mới 50 năm tuổi, các chuyên gia lo ngại, đây là một xác ướp cổ đại ngẫu nhiên khác đã được trang trí bằng đồ giả hoàng gia để bán giá cao. Sự thật còn kỳ lạ hơn, người phụ nữ không hề cổ đại, mà là hiện đại, tầm tuổi 21-25, qua đời vào khoảng năm 1996 vì bị gãy cổ. Một cú đánh từ một vật thể cùn khiến cô bị gãy xương sống...

Mai Nguyễn (dịch)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-xac-uop-bi-an-khien-gioi-khoa-hoc-dau-dau-20210616120610077.htm