Những vùng trời khác nhau của Cơ trưởng Đinh Văn Niêm

Năm 2014, Đại tá Không quân- Cơ trưởng Đinh Văn Niêm (1937-2014) đã một mình thực hiện chuyến bay một chiều, về viễn xứ, không hẹn ngày trở lại như trăm ngàn chuyến bay chiến đấu, vận chuyển, đưa khách, huấn luyện mà ông đã thực hiện an toàn trong 40 năm mặc áo lính.

Tròn 60 năm trước, chúng tôi đã từng là bạn cùng học ở ngôi trường Cấp 3 nổi tiếng ở miền Trung, mang tên Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Nhưng chặng đường trước và sau đó lại khác nhau rất nhiều. 16 tuổi, anh đã đi Thanh niên xung phong, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi tham gia xây dựng nhiều nơi, sau hòa bình, mãi 1958, mới về lại quê (xã Nghi Vạn- Nghi Lộc- Nghệ An), vào học Huỳnh Thúc Kháng sau tôi một năm. Dạo đó, trường vừa dời ở Bạch Ngọc- Đô Lương về , phòng học toàn tranh tre, nứa lá, nằm cạnh đường Lê Mao. Học sinh, không chỉ của cả tỉnh, mà còn con em các tỉnh Bình Trị Thiên đã ra học từ thời chống Pháp, và sau này là con em Miền Nam theo cha mẹ đi tập kết, hay vượt tuyến. Dạo đó, dẫu trường chưa ra trường, lớp còn bàn xiêu, ghế vẹo, nhưng Thầy ra Thầy, mà Trò cũng ra Trò. Nhiều thầy giáo dạy Văn được nhiều người biết đến: Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Bính, các thầy Ninh Viết Giao, Hoàng Thiệu Khang, Tôn Gia Các, Đinh Xuân Hiền…

Năm 1961, Đinh Văn Niêm đang là Hiệu đoàn trưởng học sinh, là một trong 28 học sinh của Trường được tuyển vào Trường văn hóa Quân đội. Vóc dáng cao lớn, “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, anh được chọn về Trường Sĩ quan Không quân Cát Bi. Sau một thời gian đi học ở Trung Quốc rồi Liên Xô, anh được biên chế về đơn vị máy bay vận tải Quân sự và chiến đấu ở Trung đoàn 919 là đơn vị đầu tiên của Không quân VN. Khi tham gia viết Lịch sử chiến đấu của Không quân VN, Đinh Văn Niêm đã kể lại nhiều trận chiến đấu mà anh có tham gia. Mấy trận đánh đầu tiên tháng 6 và 7 năm 1966, ở biển Thanh Hóa, đơn vị máy bay cường kích của anh đã đánh chìm và bị thương mấy tàu biệt kích, khiến bọn chúng chùn bước trong kế hoạch quấy rối biển miền Bắc. Đầu năm 1968, chuẩn bị cho Tổng tấn công Mậu Thân, đơn vị anh được giao nhiệm vụ tấn công phá hủy căn cứ ra đa Pa Thí, chỉ huy cho không quân Mỹ tiến hành các đợt ném bom Miền Bắc và theo dõi, kiểm soát hoạt động của không quân ta đặt trên bình địa núi đá vôi cao 1.786m trên đất Lào. Nhiều lần bộ binh, đặc công ta tấn công đều không thành. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, các anh đã mất nhiều ngày nghiên cứu thực địa, điều kiện khí tượng, quy luật hoạt động của địch, dự kiến các phương án tác chiến và đường bay đi về.

Trận đánh trưa 12/1/1968 đó, Phân đội của anh đã ném bom, bắn tên lửa, thả đạn cối, đánh tan tác căn cử chỉ huy, diệt hàng trăm tên Mỹ, làm cho căn cứ bị tê liệt hoàn toàn. Nhưng hai trong bốn chiếc máy bay đã không trở về. Phải nhiều năm về sau, các anh mới đi tìm được dấu tích hai máy bay bị hỏa lực địch bắn rơi. Là máy bay cường kích chuyên đối đất, đối hải, lại còn tham gia vận tải, nên anh đã tham gia nhiều phi vụ bảo vệ cho các chuyến tàu không số ở những đoạn biển phía bắc, vận chuyến lương thực, đạn dược cho bộ đội, đặc biệt trong Tổng tấn công Mậu thân ở Huế.

Trong những lần chuyện trò, qua anh mà chúng tôi biết về cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý của đồng đội anh ở các đơn vị máy bay tiêm kích, những hành động anh hùng, những lo lắng, băn khoăn đến mất ăn,mất ngủ của những ngày căng thẳng chưa tìm ra cách đánh địch. Những ngày trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Lý do tại sao có những chiến sĩ lập chiến công mà phải mấy chục năm sau mới được công nhận Anh hùng, như Vũ Xuân Thiều, người lao hẳn máy bay vào B52 của địch. Những năm hòa bình, đơn vị anh làm nhiệm vụ vận tải. Trong vị trí Cơ trưởng dẫn đường, anh đã tới hầu hết các sân bay trên cả nước. Là người có trí nhớ tốt, và cách nói chuyện có duyên, anh kể nhiều chuyện vui và giai thoại về việc đưa các lãnh đạo cao cấp đi công tác. Có lần máy bay trục trặc, phải lần thứ tư mới cất cánh đưa được Đoàn Nhà thơ Tố Hữu và gia đình cùng đoàn đại biểu Quốc Hội Khánh Hòa từ Hà Nội vào Nha Trang, để chế độ lái tự động, Cơ trưởng Đinh Văn Niêm còn làm được bài thơ như tạ lỗi với khách để tặng nhà thơ lớn. Và Tố Hữu đã có bài tặng lại Tổ bay. Anh cũng là Cơ trưởng chuyến bay đưa Di hài nhà Vua yêu nước Duy Tân từ TP Hồ Chí Minh về sân bay Đà Nẵng mùa hè 1987.

Trong thời chiến và trong thời bình, anh đã thực hiện 12.000 giờ bay an toàn. Một con số không dễ hiểu hết ý nghĩa nếu không biết người lái đã từng vượt qua bao nhiêu cạm bẫy cả về thời tiết, khí tượng, và nguy hiểm hơn là máy bay, lưới lửa mặt đất của đối phương, và do bay thấp để tránh ra đa địch phát hiện, lại gặp lưới lửa tầm thấp vô cùng lợi hại của dân quân, du kích ta. Hơn một lần đi thả bom về, bị súng du kích bắn rơi, nhờ giọng Nghi Lộc cố hữu, mà anh em nhận ra nhau mau chóng.

Những năm cuối, do kinh nghiệm nghề nghiệp và khả năng tổ chức giàu có, lại giỏi khoa nói, anh được điều về làm hiệu trưởng trường dạy phi công. Thành công của những năm này, một lần nữa, làm cho đồng đội, đồng nghiệp yêu mến, kính trọng Đại tá Đinh Văn Niêm. Khi về hưu, anh là người có sáng kiến thiết kế và tổ chức Ban liên lạc Đoàn 3 chiến dịch lịch sử Việt Nam (Những quân nhân tham gia các chiến dịch Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ trên không, và Tổng tấn công 1975), mà anh là Phó Ban liên lạc. Ấn tượng nhất là, trong tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đội hình của đoàn vào viếng và túc trực gồm toàn những người Huân Huy chương đeo kín đầy hai vạt áo trước. Những người lính Cụ Hồ, dưới sự dìu dắt của Người Anh Cả, đã đeo những bằng chứng chiến công được đổi bằng xương máu, mồ hôi, công sức, tâm chí trong hơn nửa thế kỷ, báo cáo và bày tỏ lòng biết ơn với người Tổng Tư lệnh mà họ phải tiễn đưa.

Nhưng, từ ngày về hưu, người học trò Xứ Nghệ này còn làm được những việc mà không chỉ đồng đội mà cả các nhà Khoa học lịch sử cũng có phần khâm phục. Đinh Văn Niêm có niềm đam mê về lịch sử, trước hết là lịch sử dòng họ. Một loạt bài nghiên cứu bắt đầu từ dòng họ Đinh của mình được công bố: Các nhà khoa bảng họ Đinh; Đinh Lễ với cuộc khởi nghĩa chống quân Minh (1418-1428), Đinh Văn Chấp (1882-1953), Đinh Văn Nam- Hòa thượng Thích Minh Châu (1917-2013), Đinh Văn Uyển- người thầy học của Phan Bội Châu… Nhưng phát hiện đáng chú ý nhất trong nghiên cứu về những người họ Đinh này là xác định tác giả của hai bài Đế hệ thi và Phiên hệ thi mà xưa nay được coi là của Vua Minh Mạng, thực ra là của Đông các Đại học sĩ Đinh Hồng Phiên (1764-1833), người được Vua Minh Mệnh giao soạn định thể thức cáo văn, sắc văn, tu soạn Liệt Thánh thực lục và soạn bài Đế hệ thi để làm cơ sở cho việc truyền các đời vua, có đến 20 đời. Nhưng mới hết câu thứ nhất (Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh), thì vương triều nhà Nguyễn đã kết thúc. Đinh Văn Niêm đã đăng đàn thuyết phục các đại diện Nguyễn Phước Tộc để họ chấp nhận sự thật lịch sử này.

Tham gia các hoạt động nghiên cứu lịch sử, anh đã có nhiều bài viết mở rộng ra ngoài gia phả là lịch sử dòng họ: những vấn đề liên quan đến Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu…, các dòng họ Ngô, Nguyễn, các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn, và cả văn hóa Huế (quê vợ). Công trình bất ngờ mà cũng đặc sắc nhất của Ðinh Văn Niêm là tập sưu khảo đã được tái bản sau khi in: Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Trên cơ sở tư liệu của các vị tiền bối, Đinh Văn Niêm đã hệ thống, rồi sắp đặt một cấu trúc xen kẽ số liệu thống kê và những chuyện kể làm cho công trình khoa học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn có sức hấp dẫn, đễ đọc.

Buổi tổi 28/11/2014, đang ở quê, chuẩn bị hoàn thiện Nhà thờ họ, một ao ước cả đời trận mạc, Đinh Văn Niêm vui vẻ xem trận bóng đá quốc tế của đội tuyển VN. Vốn là một fan hâm mộ bóng đá, khi đội ta đưa bóng vào lưới đội bạn, anh hò reo cổ vũ. Cơn hưng phấn bột phát làm trái tim ở tuổi 77 không chịu đựng nổi. Anh đã nhẹ nhàng thăng sang một vùng trời khác. Bạn bè và người thân chỉ biết gửi theo anh cuốn thơ văn Đinh Văn Niêm- Những mảng đời (2015).

Ngô Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/tinh-hoa-viet/nhung-vung-troi-khac-nhau-cua-co-truong-dinh-van-niem-387327