Những vụ mất tích bí ẩn của phụ nữ Peru

Trong những tháng gần đây, đã có gần 1.000 phụ nữ Peru mất tích bí ẩn. Các nhà hoạt động nữ quyền lo sợ họ không còn khả năng sống sót.

Mỗi ngày có 8 phụ nữ mất tích

Cuối tháng 7/2020, các cơ quan chức trách Peru đưa ra một thông báo hết sức đáng ngại: Hơn 900 phụ nữ và trẻ em gái đã mất tích tại quốc gia này kể từ khi lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19 (từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 6) được thi hành. Bà Eliana Revollar, Giám đốc Văn phòng Quyền phụ nữ tại Phòng Thanh tra quốc gia (thuộc Văn phòng Giám sát quốc gia Peru), cho biết: "Tổng cộng có 915 người, gồm 606 bé gái và 309 phụ nữ, đã được báo cáo mất tích ở Peru trong quá trình phong tỏa chống dịch Covid-19 từ 16/3 đến 30/6. Họ đã biến mất không rõ lý do. Nhiều khả năng, họ đã không còn sống", bà Eliana Revollar nói.

Hình ảnh những phụ nữ bị bạo hành

Hình ảnh những phụ nữ bị bạo hành

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, mỗi ngày tại Peru trung bình có khoảng 5 vụ báo cáo phụ nữ mất tích. Đến khi lệnh phong tỏa được ban hành, con số đã tăng lên 8 người. Với những vụ mất tích như vậy, hiện tại Peru đang rơi vào cơn khủng hoảng kép do ảnh hưởng từ Covid-19. Peru có 428.850 ca nhiễm, trong đó có 19.614 trường hợp tử vong. Bà Jacqui Hunt thuộc Equality Now, một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em, cho hay số lượng người mất tích ở mức tăng cao và đáng nghiêm trọng. "Peru là nước có tỷ lệ bạo lực với phái nữ cao nhất trong khu vực Mỹ Latinh. Dịch Covid-19 càng làm xấu đi tình hình đó. Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh do Chính phủ Peru đưa ra chưa giải quyết các lỗ hổng phát sinh, đặc biệt với phụ nữ", bà Jacqui nói.

Còn bà Revollar cho biết, tình hình đang trở nên khó khăn bởi Peru không có hệ thống theo dõi người mất tích. Việc kiểm soát tình hình mất tích khiến các nhà chức trách gặp rất nhiều khó khăn. Hiện bà Revollar đang muốn thúc đẩy thành lập hệ thống theo dõi để giải quyết triệt để câu chuyện này.

Nguy cơ mất tích của phụ nữ Peru luôn hiện hữu

Bà Isabel Ortiz, Ủy viên Văn phòng Thanh tra quốc gia về quyền phụ nữ, một cơ quan độc lập giám sát nhân quyền ở Peru, cho biết, các hồ sơ dữ liệu về người mất tích phải được lưu giữ để theo dõi, bất kể họ được tìm thấy còn sống hay đã chết và họ là nạn nhân của nạn buôn bán tình dục, bạo lực gia đình hay sát hại phụ nữ. Bà Ortiz đang kêu gọi việc thu thập bộ dữ liệu thông tin người mất tích để giải quyết tình trạng số lượng người mất tích đáng báo động hiện nay. Dữ liệu thông tin về người mất tích sẽ cho phép tham khảo chéo thông tin với các vụ phạm tội khác đối với phụ nữ để giúp tìm người mất tích và xác định các nghi phạm tiềm năng.

Bạo lực gia tăng

Đất nước 33 triệu dân từ lâu đã tồn tại vấn nạn bạo lực gia đình một cách kinh khủng. Số lượng phụ nữ Peru bị giết hại và tấn công tình dục đang gia tăng đáng lo ngại. Ngoài ra, quốc gia này cũng đối mặt với nạn buôn người và cưỡng ép mại dâm...

Tuần hành chống bạo lực giới

Bên cạnh đó, các nạn nhân cũng rất khó khăn trong việc đi tìm công lý cho chính mình. Theo thống kê của Liên hợp quốc, ước tính 1/3 số phụ nữ ở Peru có khả năng phải chịu bạo lực thể xác từ chồng trong suốt cuộc đời. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) thống kê, có khoảng 700 phụ nữ bị giết ở Peru từ năm 2009 đến năm 2015. Một nghiên cứu khác của Liên hợp quốc cho thấy, hơn 50% phụ nữ Peru chịu cảnh bạo lực gia đình. Năm 2019, Peru ghi nhận 168 vụ giết hại phụ nữ tại nước này, trong đó 85% vụ việc có liên quan đến chồng hoặc chồng cũ của nạn nhân. Chỉ 1/10 trường hợp được báo cáo mất tích. Ngoài ra, số liệu từ Bộ Phụ nữ Peru cho thấy, có khoảng 30.000 cuộc gọi báo cáo bị bạo hành gia đình. Cũng theo số liệu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, khu vực Mỹ Latinh là nơi có tỷ lệ phụ nữ bị giết hại mỗi năm cao nhất thế giới với lý do chủ yếu là khinh thường giới. Ngoài ra, 20 triệu phụ nữ và bé gái phải hứng chịu bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần mỗi năm.

Tháng 1/2020, vụ án mạng về Solsiret Rodriguez, một nữ sinh viên và là một nhà hoạt động vì quyền lợi phụ nữ, được phá án. Sự việc thu hút sự quan tâm của truyền thông nhưng sự chú ý chỉ đến sau thời điểm tìm ra thi thể cô. "Thay vì trừng phạt tội phạm, văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân khiến việc sử dụng bạo lực với phụ nữ bị bình thường hóa. Trong khi đó, đại dịch không phải là cái cớ để tiếp tục bỏ bê vấn đề. Thay vào đó, Chính phủ cần nỗ lực để chứng minh ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, bạo lực giới vẫn sẽ không được tha thứ", bà Jacqui nói.

Các nhà hoạt động vì phụ nữ cho biết, đa số các vụ việc đều bị cảnh sát Peru làm ngơ, từ chối điều tra kỹ các vụ bạo hành gia đình. Lý do đưa ra là các cô gái chỉ đơn thuần bỏ nhà ra đi. Tệ hơn, một số trường hợp nạn nhân còn bị chế giễu. Bộ Phụ nữ Peru cho hay, Chính phủ nước này đang nỗ lực xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và đã tăng ngân sách tài trợ trong năm nay cho các chương trình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Hình ảnh Solsiret Rodriguez, một nhà hoạt động vì nữ quyền, bị giết hại

Mặc dù nhận thức quyền của phụ nữ được nâng lên trong những năm gần đây và nhiều cuộc biểu tình tại thủ đô Lima diễn ra song sự an toàn tính mạng của phụ nữ và các bé gái vẫn là điều bấp bênh. Bà Rosario Aybar, mẹ của một nạn nhân bị giết hại, lên tiếng: "Chúng tôi có mặt ở đây để đòi hỏi công lý, sự bình đẳng để không còn sự bóc lột phụ nữ nữa, không còn vụ giết hại nào nhằm vào phụ nữ nữa. Chúng tôi đòi công lý cho tất cả phụ nữ!".

Trước đó, tại cuộc thi chung kết Hoa hậu Peru 2018, trong phần tự giới thiệu bản thân, thay vì nói đến chỉ số cơ thể, các người đẹp đã đưa ra số liệu thống kê về bạo lực đối với phụ nữ ở nước họ. Lý do để thí sinh giới thiệu bản thân bằng cách đọc các con số bạo hành là ban tổ chức muốn truyền tải mạnh mẽ thông điệp chấm dứt nạn bạo lực ở Peru. Một tuần trước khi cuộc thi Hoa hậu Peru 2018 diễn ra, hashtag bằng tiếng Tây Ban Nha #PeruPaisdeVioladores (tạm dịch: Peru - quốc gia của những kẻ hiếp dâm) xuất hiện dày đặc trên Twitter với lời tố cáo mạnh mẽ về hành vi tấn công tình dục. Ngoài cách giới thiệu khác thường, ban tổ chức cuộc thi còn chiếu lên màn hình những hình ảnh vụ giết người hay khuôn mặt phụ nữ bị đánh đập, hiển thị phía sau các thí sinh khi họ nói.

Nguồn: CBS, Independent, Guardian

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-vu-mat-tich-bi-an-cua-phu-nu-peru-20200812103653946.htm