Những vụ lùm xùm 'tốn giấy mực' của giáo dục năm 2016

Cựu bộ trưởng bị kiện, “điều” giáo viên đi tiếp khách, phụ huynh vào trường đánh giáo viên, cho trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo bác sỹ… Đó là hàng loạt những vụ lùm xùm tốn không ít “giấy mực” của ngành giáo dục năm 2016.

Cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bị kiện

Từ ngày 7 đến 10.10.2016, TAND Hà Nội mở phiên tòa hành chính phân xử việc ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận do ông Luận ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của mình. Tuy nhiên, ông Phạm Vũ Luận đã xin vắng mặt tại phiên xử và ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng.

Cựu Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận

Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, do ông Quế bị tố cáo “đạo văn” luận án tiến sĩ năm 2002 của tiến sĩ Mai Thanh Quế, Thanh tra Bộ Giáo dục vào cuộc xác minh. Theo kết luận của tổ công tác, căn cứ bản luận án lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, ông Xuân Quế đã sao chép khoảng 30%. Theo giải trình của ông Xuân Quế , luận án tiến sĩ mang tên mình đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia không phải là bản đưa ra bảo vệ chính thức tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước vào ngày 26.3.2003 vì không có chữ ký của ông tại phần “lời cam đoan”. Ông nghi ngờ bị đánh tráo hoặc nhầm bản khác do ông nhờ người cháu đi nộp hộ. Vì vậy, ông Quế cho rằng bản này không thể dùng để làm cơ sở so sánh.

Ngày 17.7.2013, Hội đồng xác minh luận án tiến sĩ được thành lập và 7 thành viên (100%) khẳng định luận án của ông Xuân Quế có sao chép một phần từ luận án của ông Thanh Quế. Ngày 11.10.2013, Cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Xuân Quế. Không đồng tình, ông Xuân Quế khởi kiện, cho rằng quyết định này trái pháp luật.

21 giáo viên bị điều đi làm lễ tân, tiếp khách

Tháng 8.2016, để chuẩn bị cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh tổ chức vào tháng 8, UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có văn bản phân công nhiệm vụ cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ lễ tân. Theo đó, 21 nữ giáo viên công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn được điều động. Một số giáo viên phản ánh, không chỉ làm lễ tân, sau liên hoan họ còn phải tham gia tiệc rượu, hát hò rất phiền hà. Không đi thì bị cấp trên mất lòng, mà đi thì bị dị nghị, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân.

Ngay sau khi sự việc lùm xùm xảy ra, ông Lê Bá Thiềm - Trưởng phòng GD ĐT thị xã Hồng Lĩnh giải thích với báo chí: “Việc đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng còn trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra, ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”. Phát ngôn này của ông Thiềm đã làm dư luận “dậy sóng” cho rằng người đứng đầu ngành giáo dục địa phương này đã coi thường phẩm chất và danh dự của giáo viên.

Trước sự việc này, ngày 14.11, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, làm rõ thông tin và tổ chức rút kinh nghiệm.

Bác sỹ “Kinh Công”

Tháng 6.2016, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thông báo tuyển sinh 400 chỉ tiêu hệ ĐH chính quy ngành Y khoa và Dược học với mức điểm nhận hồ sơ là 20 điểm.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Việc trường này được phép đào tạo bác sỹ đã khiến dư luận phản ứng gay gắt. Nhiều người cho rằng, so với mức điểm đầu vào “chót vót” của các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược… thì mức điểm thấp “lè tè” của trường Kinh doanh và Công nghệ sẽ khiến cho chất lượng đào tạo y, bác sỹ không được đảm bảo.

Hơn nữa, trước đó, hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược.

Trả lời về thắc mắc này, ông Vũ Văn Hóa - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, Bộ GD ĐT đã có quyết định 5738 ngày 19.11.2015 về việc cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo trình độ đại học cho ngành Y đa khoa và Dược học. Sau đợt thanh tra liên ngành cuối tháng 12.2015, trường đã bổ sung các yêu cầu về số lượng cán bộ, thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm… và báo cáo thường xuyên lên Bộ Giáo dục. Vì thế, tại công văn số 68 ngày 24.2.2016, Bộ Giáo dục cho chỉ tiêu trường đào tạo Y đa khoa và Dược học là 400.

Chưa nước nào đào tạo tiến sĩ “rẻ” như ở Việt Nam?

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga đưa ra tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” diễn ra ngày 10.11. Theo đó, ông Ga thừa nhận chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ta chưa đồng đều. Theo ông Ga, kinh phí đầu tư cho việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam rất rẻ mạt, cụ thể, mức tiền chi cho việc đào tạo 1 năm cho 1 tiến sĩ chỉ là 15 triệu đồng.

Một đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ gây tranh cãi

Trước đó, nhiều vụ lùm xùm liên quan đến chất lượng đào tạo tiến sĩ đã được dư luận phản ánh.

Tháng 1.2016, dư luận đã được phen “sốc” với “lò đào tạo tiến sĩ” tại Học viện Khoa học Xã hội. Cụ thể, theo tính toán của một chuyên gia giáo dục, chỉ trong năm 2015 từ 1.1 đến 31.12 Học viện này đã cho “ra lò” 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 thì cứ 1 ngày 3 giờ 55 sẽ có một tiến sĩ được phong hàm tại đây. Mỗi năm, Học viện này cũng có chỉ tiêu đào tạo TS rất cao: 350 người/ năm.

Đặc biệt, các đề tài trong luận án TS được bảo vệ tại đây cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi về tính…vô thưởng vô phạt và chưa xứng tầm với luận tiến sĩ. Ví dụ: "đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt",...

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD ĐT phải chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ. Ngày 13.6, Bộ Giáo dục và đào tạo có công văn gửi các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ về việc tiến hành rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng.

Phụ huynh xông vào trường tát giáo viên

Vụ việc đã gây nhiều tranh cãi diễn ra tại trường Tiểu học-THCS Đức Trí, Đà Nẵng. Theo đó, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 12.10, chị C. (là phụ huynh của em H.G, học sinh đang theo học tại đây đã xông vào trường đánh cô A – một giáo viên của trường vì cho rằng cô A đánh con mình rách má. Tuy nhiên, sau đó phụ huynh này phát hiện mình tát nhầm giáo viên. Cô O mới là người liên quan đến vụ việc.

Chỉ vì một vết xước trên mặt con, phụ huynh đã xông vào trường tát cô giáo

Theo giải thích của cô O, học sinh bị xước mặt là do vào buổi trưa em này không chịu ngủ mà liên tục nói chuyện với bạn. Cô O nhắc nhở không được đã dùng tay đánh vào vai cháu H.G, nhưng do móng tay cô dài nên xược qua má làm học sinh bị xước má. Ban giám hiệu nhà trường cùng cô O sau đó đã đến xin lỗi phụ huynh này nhưng phục huynh vẫn kiên quyết tung ảnh, clip liên quan đến cô O lên mạng và gửi đơn kiến nghị lên Phòng GD ĐT quận Hải Châu và Sở GD ĐT Đà Nẵng những ngày sau đó.

Sự việc sau đó đã gây lên tranh cãi gay gắt trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là giữa các diễn đàn phụ huynh và giáo viên. Các bậc cha mẹ thì cho rằng cô giáo đập vai mà …xước má là hoàn toàn vô lý, chắc chắn cô phải đánh học sinh rất đau. Trong khi đó giáo viên thì chỉ trích, hành động của phụ huynh là không hợp lý, thiếu tôn sư trọng đạo.

Học sinh giỏi quốc gia “cầu cứu” Bộ GD ĐT vì bị trượt ĐH

Đó là trường hợp của em Đặng Thị Huyền, người dân tộc Hoa (thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, H.Quản Bạ, Hà Giang) là học sinh của Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp 2 - 3 Yên Minh, Hà Giang đạt 27,5 điểm nhưng vẫn “trượt” ĐH. Huyền còn đạt giải 3 môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dành cho học sinh lớp 12.

Nữ sinh dân tộc Đặng Thị Huyền và bố

Tháng 11. 2016, khi được mời lên Hà Nội dự lễ tuyên dương Học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu Huyền mới biết mình trượt ĐH vì không nắm rõ thông tin về điểm mới trong xét tuyển năm 2016. Huyền đã viết tâm thư cầu cứu và nhờ phóng viên báo Dân Việt gửi tới Bộ GD ĐT. Sau đó, Bộ GD ĐT đã có công văn đề nghị ĐH Luật Hà Nội xét trúng tuyển cho em Huyền. Do sinh viên đã học gần hết học kỳ I nên trường ĐH Luật quyết định bảo lưu kết quả cho thí sinh Đặng Thị Huyền, em sẽ nhập học trường ĐH Luật Hà Nội vào năm 2017.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nhung-vu-lum-xum-ton-giay-muc-cua-giao-duc-nam-2016-733074.html