Những vũ khí đầy uy lực Mỹ và đồng minh có thể dùng tấn công Syria

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới phản ứng mạnh mẽ về vụ tấn công hóa học ở Syria, việc Mỹ và đồng minh giáng đòn nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có thể chỉ là vấn đề thời gian.

Mỹ phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ Syria hồi năm ngoái.

Dưới đây là những vũ khí mà Mỹ và đồng minh có thể sử dụng trong đợt tấn công Syria lần này, theo India Times

Mỹ

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công Syria hồi năm ngoái, hải quân Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa hành trình từ các tàu khu trục USS Porter và USS Ross ở phía đông Địa Trung Hải.

Trong thời điểm này, hai tàu Porter và Ross đều đang thực hiện sứ mệnh ở phía bắc Đại Tây Dương, và dĩ nhiên là nằm ngoài tầm phóng tên lửa vào Syria.

Nhưng Mỹ vẫn còn tàu khu trục USS Donald Cook lớp Arleigh Burke. Tàu mới rời cảng Larnaca ở Đảo Síp hồi đầu tuần này và hoàn toàn đủ sức phóng loạt tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải. Ngoài ra, tàu đổ bộ USS New York hoàn toàn có thể đóng vai trò hậu cần. Con tàu này đang trên đường đến Địa Trung Hải.

Hải quân Mỹ có 8 tàu ngầm hạt nhân hiện đang hoạt động toàn cầu. Vị trí của các tàu này vẫn còn là bí ẩn nhưng nhiều khả năng có một chiếc gần Địa Trung Hải và sẵn sàng phóng tên lửa hành trình.

Các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ có thể tấn công Syria bằng tên lửa hành trình

Các tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ sử dụng hồi năm ngoái đã nhắm vào máy bay, kho nhiên liệu, kho hậu cần, kho đạn, hệ thống phòng không và radar của Syria ở căn cứ Shayrat.

Bên cạnh đó, đội tàu sân bay USS Harry S. Truman đã lên đường đến Địa Trung Hải và sẽ giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm lựa chọn nếu quyết định tấn công.

Trong trường hợp Lầu Năm Góc muốn sử dụng chiến đấu cơ hoặc máy bay không người lái, quân đội Mỹ hoàn toàn có đủ năng lực vì các chiến đấu cơ Mỹ cất cánh từ căn cứ ở Trung Đông thường xuyên không kích các mục tiêu của khủng bố IS ở Iraq và Syria kể từ năm 2014.

Pháp

Nếu Pháp tham gia tấn công, nước này có thể dùng các chiến đấu cơ Rafale, cất cánh trực tiếp từ căn cứ ở quê nhà, sử dụng máy bay tiếp nhiên liệu trên không để oanh tạc các mục tiêu Syria.

Đây là lựa chọn quân sự từng được cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande nhắc đến vào tháng 8.2013, sau vụ tấn công hóa học ở Ghouta khiến hơn 1.400 người chết.

Chiến đấu cơ Tornado GR4 của Không quân Hoàng gia Anh.

Nhưng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã không ra lệnh tấn công, buộc đồng minh Pháp phải hủy bỏ kế hoạch.

Anh

Giống Pháp, Mỹ và Anh đã duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Syria trong cuộc chiến chống khủng bố IS.

Tính đến ngày 13.2.2018, Anh đã tiến hành 1.700 đợt không kích nhằm vào các mục tiêu IS ở Iraq và Syria.

Akrotiri là căn cứ không quân lớn của Anh ở Đảo Síp, với các chiến đấu cơ Tornado và Typhoon luôn sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào.

Đăng Nguyễn - India Times

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/nhung-vu-khi-day-uy-luc-my-va-dong-minh-co-the-dung-tan-cong-syria-865308.html