Những vụ bê bối thao túng cổ phiếu rung chuyển thị trường chứng khoán thế giới

Hiện tượng thao túng thị trường đã được ghi nhận ngay từ thế kỷ 17 khi thị trường chứng khoán Amsterdam xuất hiện. Cho đến nay, cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, hành vi thao túng trở nên đa dạng hơn nhiều về phương thức và giá trị tài sản. Gần đây, thế giới đã xảy ra khá nhiều vụ bê bối về thao túng, gian lận cổ phiếu và thủ phạm đã phải trả giá.

Cựu CEO của hãng ImClone Sam Waksal bị tòa án Mỹ tuyên phạt 87 tháng tù vì gian lận cổ phiếu

Cựu CEO của hãng ImClone Sam Waksal bị tòa án Mỹ tuyên phạt 87 tháng tù vì gian lận cổ phiếu

Vụ bê bối rung chuyển ngành tài chính Nhật Bản

Gần đây nhất, một vụ bê bối giao dịch đã làm rung chuyển ngành tài chính Nhật Bản, trong đó hàng loạt nhân viên của Công ty môi giới chứng khoán SMBC Nikko bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Cuối tháng 3-2022, các công tố viên ở Tokyo đã truy tố 5 nhân viên của Tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMFG) do liên quan đến cáo buộc nâng giá cổ phiếu của một số công ty trước khi SMBC Nikko bán ra theo dạng ưu đãi khối. Các cáo buộc được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản. Cơ quan giám sát chứng khoán đã đột kích các văn phòng của SMBC Nikko từ tháng 6 năm ngoái. Ông Toshihiro Sato - Phó Chủ tịch SMBC Nikko cũng bị bắt vì cáo buộc thao túng thị trường.

Theo Japan Times, vụ việc đã làm tổn hại đến uy tín và lợi nhuận của SMBC Nikko, khi các nhà đầu tư tổ chức lớn và các khách hàng khác tạm ngừng kinh doanh với một trong những công ty môi giới lớn nhất Nhật Bản. Nó cũng giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của công ty mẹ là SMFG nhằm giảm sự phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh cho vay truyền thống trong nhiều năm lãi suất thấp. Theo ông Shoki Nagano - một nhà phân tích tại S&P Global Ratings, có thể công ty sẽ bị Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản ra lệnh tạm ngừng một phần hoạt động kinh doanh.

5 người bị truy tố được cho là đã sử dụng giao dịch độc quyền của SMBC Nikko để đặt lệnh mua lớn đối với một số cổ phiếu nhất định trước khi thị trường đóng cửa. Mục đích là nhằm đẩy giá trước khi công ty môi giới bán một lượng lớn cổ phiếu đó ra bên ngoài thị trường mở. Theo các công tố viên, những hành động như vậy dẫn đến thao túng thị trường. Shin Tamura - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết, trường hợp này là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tài chính hiện đại Nhật Bản. Điều đó một phần là do cả những quản lý cấp cao và toàn công ty đã bị liên lụy, một phần là vẫn khó phân biệt liệu họ có vượt qua ranh giới hay không. Vụ việc này sẽ khiến cơ quan quản lý Nhật Bản có một cái nhìn mới mẻ hơn về hành vi thao túng thị trường, từ đó kiểm soát và quản lý rủi ro ngày càng chặt chẽ hơn.

Lãnh đạo SMBC Nikko xin lỗi về vụ bê bối thao túng cổ phiếu và hứa sẽ hợp tác với cơ quan điều tra

Vụ thao túng thị trường chứng khoán lớn nhất Philippines

Cách đây gần 1 năm, tòa án Philippines vào tháng 5-2021 cũng đã đưa ra bản án nghiêm khắc 14 năm tù và mức phạt 1 triệu peso cho đối tượng gây ra bê bối thao túng thị trường chứng khoán lớn nhất Philippines vào năm 1999. Sau 2 thập kỷ, nhà môi giới Johnny Yap của Công ty chứng khoán Solar bị kết án vì các giao dịch thương mại bất hợp pháp liên quan đến cổ phiếu của công ty niêm yết lúc bấy giờ là Best World Resources Corporation (BW). BW là công ty của Dante Tan - bạn thân cựu Tổng thống Joseph Estrada, và được quảng cáo như một phương tiện niêm yết cho các lợi ích kinh doanh khác nhau của ông Estrada, đặc biệt là trong lĩnh vực game và phát triển bất động sản.

Theo tờ Rappler của Philippines, kế hoạch phạm tội này liên quan đến các giao dịch “bán rửa”, trong đó người mua và người bán cùng chung nguồn sở hữu. Hành vi “bán rửa” là bất hợp pháp vì chúng làm cho có vẻ như đang có giao dịch sôi động và lôi kéo các nhà giao dịch mua cổ phiếu trong khi trên thực tế, đó chỉ là một nhà môi giới mua và bán trong những khoảng thời gian gần nhau. Johnny Yap đã khiến cổ phiếu BW có giá 2 peso vào đầu năm 1999 lên mức cao nhất là 107 peso vào tháng 10 cùng năm (tăng 525 lần). Vào thời kỳ đỉnh điểm của “bong bóng” này, giao dịch cổ phiếu BW chiếm tới một nửa tổng doanh thu toàn thị trường. Nhưng trong vòng 1 tuần sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu đã mất 60% giá trị. Đến tháng 2-2000, nó đã giảm xuống 3 peso/cổ phiếu.

Một nhóm điều tra đặc biệt do Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Philippines thành lập vào tháng 8-2000 đã phát hiện ra rằng, các giao dịch của Công ty chứng khoán Solar không chỉ là “bán rửa” (vì người môi giới vừa là người mua vừa là người bán trong nhiều giao dịch của BW) mà còn bởi vì các lệnh được thực hiện trong khoảng thời gian rất gần nhau trong tháng 6 và tháng 10-1999. Tòa án đã phán quyết rằng, Johnny Yap với tư cách là nhân viên của Solar Securities, có nghĩa vụ đảm bảo rằng công ty tuân thủ các quy định và yêu cầu pháp lý đối với các giao dịch thương mại của mình. Vụ việc đánh dấu bản án thứ năm theo luật chứng khoán được ban hành ở Philippines từ năm 2000.

Tỷ phú Elon Musk từng mất chức Chủ tịch Telsa vì thông tin sai sự thật với các nhà đầu tư

Những vụ đình đám trên thị trường chứng khoán Mỹ

Ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ với số lượng công ty niêm yết và giá trị giao dịch hàng đầu thế giới, một số doanh nghiệp và tỷ phú nổi tiếng cũng đã bị xử lý nghiêm vì hành vi thao túng cổ phiếu. Một trong những vụ đình đám nhất là giao dịch nội gián liên quan cổ phiếu Công ty sinh dược ImClone. Theo Investopedia, vào tháng 12-2001, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông báo rằng họ sẽ không phê duyệt loại thuốc điều trị ung thư mới có tên là Erbitux của Công ty Dược phẩm ImClone.

Đây được kỳ vọng là một trong những loại thuốc chiến lược của ImClone. Cổ phiếu của công ty giảm mạnh từ khoảng 60USD xuống chỉ còn hơn 10USD trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) phát hiện, trước khi quyết định của FDA được công bố, ông Samuel Waksal - Giám đốc điều hành ImClone đã “phím” cho những người thân tín bán cổ phiếu lúc còn giá cao.

Hậu quả, ông Samuel Waksal đã bị kết án 87 tháng tù giam và bị phạt 4,3 triệu USD sau khi nhận 6 tội danh, bao gồm giao dịch nội gián và gian lận. Trong số những người liên đới, nữ doanh nhân người Mỹ Martha Stewart do đã bán tháo khoảng 4.000 cổ phiếu, kiếm được gần 250.000 USD, cuối cùng cũng phải từ chức Giám đốc điều hành tại Công ty Martha Stewart Living Omnimedia của chính bà. Năm 2004, Martha Stewart và người môi giới của bà cũng bị kết tội giao dịch nội gián. Bà Stewart bị kết án 10 tháng tù giam và nộp phạt 30.000 USD.

Năm 2018, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến một phen náo loạn khi tỷ phú Elon Musk - CEO của Tesla (công ty chuyên sản xuất ôtô điện) bị SEC kiện vì gian lận và thao túng thị trường khi đăng tải “thông tin không đúng sự thật và gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư” trên mạng xã hội Twitter. Ngày 7-8-2018, ông Musk “úp mở” trên Twitter rằng đã “được đảm bảo tài chính” để tư nhân hóa Tesla với giá 420USD/cổ phiếu. Thực tế, tỷ phú 47 tuổi người gốc Nam Phi đã tự loan báo điều này mà không thảo luận với các thành viên trong hội đồng quản trị, nhân viên hay các chuyên gia tư vấn ngoài công ty. SEC khẳng định, tuyên bố của vị CEO này là sai sự thật, gây hoang mang và rối loạn đáng kể trên thị trường đối với cổ phiếu Tesla, dẫn đến gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư.

Diễn biến cho thấy, sau tuyên bố của tỷ phú Musk vào ngày 7-8-2018, giá cổ phiếu của Tesla tăng vọt hơn 9%, nhưng sau đó liên tục lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27-9-2018, giá cổ phiếu của công ty này giảm gần 11% so với thời điểm trước khi ông Musk có phát ngôn gây chấn động. Kế hoạch tư nhân hóa đã được ông Musk thông báo hủy bỏ 3 tuần sau đó. Một số cổ đông của Tesla cũng đâm đơn kiện, cáo buộc ông Musk đưa ra tuyên bố tư nhân hóa công ty nhằm thao túng giá cổ phiếu.

Cuối cùng, sự việc được giải quyết khi tỷ phú Musk cùng Telsa bị phạt số tiền 40 triệu USD và ông Musk buộc phải từ chức Chủ tịch Tesla (chỉ còn giữ chức CEO của Tesla). Cùng với đó là một thỏa thuận yêu cầu bất cứ dòng Tweet nào mà CEO Tesla đăng lên đều phải được phê duyệt trước. Điều này cho thấy, dù Elon Musk là doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chí có lúc “có thể bóp méo hệ thống thị trường tự do” nhưng mọi hành vi bất hợp pháp đều không thoát khỏi việc bị cơ quan pháp luật “sờ gáy”.

Thao túng thị trường là một kiểu lạm dụng, cố ý can thiệp vào hoạt động tự do và công bằng của thị trường, thậm chí sử dụng phương thức giả dối (hoặc gây hiểu lầm liên quan đến giá, thị trường) cho một sản phẩm, cổ phiếu hoặc hàng hóa. Hành vi thao túng thị trường bị cấm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó ở Mỹ, Liên minh châu Âu, hay Australia… đều có luật quy định riêng.

Yến Chi (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-vu-be-boi-thao-tung-co-phieu-rung-chuyen-thi-truong-chung-khoan-the-gioi-post500397.antd