Những vòng đời ca Huế trên sông Hương

Tôi có người quen tên Thúy Hồng thường hát trên thuyền, Tết vừa rồi về Huế vội liên lạc hỏi xem hát ở thuyền nào để đi xem thì nghe Hồng bảo: 'Dạo này ít sô lắm, lâu lâu mới có thuyền gọi'. Dạo bộ dọc con sông thấy thuyền nằm gối bãi như còn ngủ say, không thấy cảnh nhộn nhịp dọc ngang thuyền rực rỡ xuôi ngược như những năm xưa.

Các ca sĩ trẻ đang dần làm chủ các con thuyền ca Huế hôm nay. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Các ca sĩ trẻ đang dần làm chủ các con thuyền ca Huế hôm nay. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Sông văn hóa

Chúng tôi gốc Huế nhưng xa quê mấy mươi năm cũng ít có dịp được về. Những năm 1990, khi tôi tốt nghiệp đại học và đi làm báo, tôi thường tranh thủ về thăm cố hương. Khi ấy, trên dòng sông Hương, trước đại nội rất vắng vẻ. Dòng sông là nơi sinh sống của dân vạn đò nghèo xác xơ và trẻ con nhiều đứa không biết chữ. Nghề nghiệp mưu sinh trên sông chỉ là đánh bắt cá và khai thác cát sỏi, chở khách, chở hàng.

Ai cũng biết Văn Cao viết bài “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” những năm 1940. Sự nghiệp văn chương, âm nhạc của Văn Cao có thể nói được khơi nguồn từ sông Hương với những bài như “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”… Năm 1986, trong một lá thư gửi cho Tạp chí Sông Hương ở Huế Văn Cao tâm sự: “Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy”.

“Em cạn lời thôi anh dứt nhạc/ Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh/ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh” (Một đêm đàn lạnh trên sông Huế).

Vào những năm 1990 ấy tôi đã rất nhạc nhiên khi thấy trên sông chỉ toàn là những con thuyền tả tơi chở đầy cát sỏi. Khi đó, ở các điểm du lịch rất vắng khách, nhất là khách nước ngoài lại càng ít ỏi.

Sau này, hỏi về lai lịch những con thuyền nhạc như trong bài thơ của Văn Cao thì tôi được anh Vĩnh Tuấn, một nghệ sĩ kỳ cựu ở Huế bạn vong niên với nhạc sĩ Trần Văn Khê kể rằng: “Anh em văn nghệ đến Huế thường được nghệ sĩ ở Huế mời đi nghe hát trên con thuyền nhỏ, lang thang trên sông, làm thơ viết nhạc. Chia tay nhau thì thuyền và người đi mỗi ngả, khi xưa đàn hát trên sông không phải một cái nghề mà chỉ là ngẫu hứng”.

Nét ưu tư của người nghệ sĩ già trên sông.

Nhà báo Minh Tự, phóng viên báo Tuổi Trẻ ở Huế, một người thường viết bài về đời sống văn nghệ cố đô cho các tạp chí nghiên cứu nói: “Xưa kia ca Huế thường được hát ở trong phủ, trong nhà, bên bờ sông. Những năm 2000, để phục vụ du khách thì tỉnh mới tổ chức các thuyền ca Huế trên sông Hương. Ca Huế chính thức xuống sông từ thời kỳ ấy”.

20 năm … vẫn vậy?

Theo nhà báo Quốc Việt (TTXVN thường trú tại Huế) thì lực lượng ca Huế trên sông Hương có 128 thuyền rồng, trong đó có 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn. Tỉnh quy định mỗi chương trình ca Huế theo quy định phải dài ít nhất 60 phút trở lên, phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo. Chương trình phải có tối thiểu 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế đã cấp thẻ hành nghề hoạt động ca Huế trên địa bàn tỉnh cho 457 ca sỹ, nhạc công. Mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 10.000 suất diễn ca Huế, phục vụ cho hơn 250.000 lượt khách đi nghe ca Huế trên sông Hương.

Hầu như các dịp Festival Huế, người viết bài này đều có dịp về Huế và mỗi lần như thế thường ghé những thuyền ca Huế trên sông. Đúng như nhà báo Minh Tự đã nhận xét: “Ca Huế sông Hương đang trải qua một vòng đời mới, khi các nghệ sĩ gạo cội đã nghỉ và lớp trẻ đang dần thay thế cô chú của mình. Chất lượng ca Huế bây giờ có thể không bằng ngày trước vì các em các cháu vẫn còn non tay nghề”.

Sự chỉn chu trong ca Huế đôi khi cũng là một thứ “vòng kim cô”. Tuy “vòng đời” đã thay đổi, nhưng cách đây mấy hôm khi đi nghe ca Huế trên sông, tôi vẫn như mọi lần, vẫn chỉ nghe ngần ấy bài bản trình tấu, chỉ có người diễn là khác xưa. Một đêm ca Huế thường có 10 bài được diễn, mở đầu ban nhạc hòa tấu các bài nhạc chào mừng, sau đó sẽ là một số bài lý, một vài bài tân nhạc ca ngợi cảnh đẹp Huế, bài chầu văn… Một anh bạn nghệ sĩ rất mê nhạc Huế đã hỏi tôi: “Phải chăng danh sách bài hát trên sông Hương cũng được quy định? Cả trăm còn thuyền hát, nhưng bài bản thì vẫn chỉ hơn chục bài?”.

Anh Tôn Thất Hiền, một người Huế thường đưa bạn bè người nhà đi xem ca Huế trên sông cũng bảo: “Ca Huế xem một lần thì rất hay, xem lần thứ hai thì kém hay, bởi vì bài bản vẫn vậy. Thuyền xuất bến, vẫn ngần ấy bài thôi, thuyền lại cập bến”. Khi tôi mua vé xem ca Huế, hỏi rằng tối nay có lên đúng con thuyền đã ghi trên số vé thì người bán vé đảm bảo một câu chắc nịch: “Anh cứ yên tâm, lên thuyền nào xem cũng đều là nhạc Huế, đều như nhau hết!”.

Một cô bé từ nhỏ đã theo cha mẹ chạy thuyền trên sông có tâm sự rằng: “Khách đi xem ca Huế thường là khách đến Huế lần đầu, họ háo hức lắm. Những khách đi xem nhiều lần trở thành khách quen của các thuyền thì rất là hiếm đấy. Chúng em cũng không hiểu vì sao?”.

Chỉ vì nghèo?

Một chủ thuyền ca Huế trên sông bảo tôi: “Đời sống ở Huế còn nghèo. Một thuyền rồng đôi bây giờ đầu tư đến cả tỷ bạc, mà dân sông nước chúng tôi đâu có nhiều tiền”. Ý anh là so sánh với những con thuyền du lịch trên sông như ở TPHCM là những con thuyền gỗ lớn hai tầng, chứa mấy trăm khách, vừa biểu diễn nhạc vừa tổ chức ẩm thực. Còn ở Huế, anh bảo: “Hồi trước, thuyền chúng tôi đa số là thuyền khai thác cát sỏi cải tạo thành thuyền ca Huế. Bây giờ đời sống khá lên mới đóng thuyền gỗ chuyên cho du lịch, nhưng sức chuyên chở còn kém lắm”.

Thuyền chúng tôi đi ra giữa sông, lại có chiếc thuyền con chở thêm khách từ bờ ra, bắc cầu thang cho trèo lên để cùng nghe hát. Trên chiếc thuyền đôi chỉ có những cái ghế nhựa, một cái bàn duy nhất đặt giữa thuyền đựng hoa và mấy lon bia. Thuyền hát một lúc, lại thấy một con thuyền nhỏ khác bơi đến, hóa ra là thuyền của một người đi ăn xin. Người ăn mày bảo: “Vợ tôi chết rồi, tôi chẳng biết sinh sống bằng nghề gì nên xin các bác cho 5.000 đồng”. Khách thả hoa đăng xong đã thấy anh ăn mày ngồi dưới đám hoa đăng bàn tay gầy guộc chìa lên.

Các đây vài năm, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có gặp mặt các nhân sĩ gốc Huế tại TPHCM. Trong cuộc gặp ấy, một kiến trúc sư Việt Kiều đã trình bày một mô hình thuyền du lịch trên sông Hương, trong đó có thể lưu trú, biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực nữa. Nhà thơ Lưu Trọng Văn rất ủng hộ ý tưởng này. Bên cạnh những con thuyền ca được cải tạo từ thuyền cát sỏi, biết đâu Huế cũng sẽ lạ mắt hơn bởi những du thuyền tiện nghi và cơ động hơn với những cuộc biểu diễn nghệ thuật với nhiều tác phẩm lớn và những tác phẩm nhã nhạc với vài chục thậm chí hàng trăm nghệ sĩ?

Cần một chút đổi thay

Tôi gặp trên sông một người nhạc công vốn chơi nhạc từ trong chiến khu, vốn làm cùng đoàn Ca kịch Huế với các bác tôi. Nay về hưu, chú sáng tác và vẫn chơi đàn trên sông. Bằng kinh nghiệm một người từng trải, chú bảo tôi: “Khách nghe một lần rồi thôi, dù khách vẫn đến Huế ngày càng nhiều hơn nhưng khách đến với ca Huế ngày một ít hơn. Đồng tiền mất giá nên so với vài chục năm trước thu nhập giảm đi”.

Cô Kim Liên là Hiệu phó một trường nghệ thuật ở Huế, vẫn thường đi hát trên sông Hương. Bố mẹ của cô là nghệ sĩ ca Huế tập kết, sinh cô ở khu văn công Mai Dịch Hà Nội, rồi năm 1975 về lại Huế. Đã vài chục năm ca Huế trên sông, cô Kim Liên nói: “Chưa bao giờ ít sô như bây giờ. Lắm hôm mưa cũng đội mưa mà đi giữa con đường nước như một dòng sông.Vài tuần mới nghe gọi đi hát một lần!”.Cô Liên nói ca Huế trước đây giúp nhiều nghệ sĩ mua nhà, sắm sửa, nuôi dạy con ăn học. Ngày nay, cát sê mỗi tối 100.000 đồng cộng với tiền khách thưởng chừng dăm chục ngàn mà mỗi tháng chỉ có mấy suất diễn thì ca Huế không còn là nguồn sống của người nghệ sĩ nữa. Cô cũng nói: “Dù sao, ca Huế là một niềm tự hào của người Huế, thu nhập thấp nhưng ngành văn hóa vẫn tiếp tục đào tạo, rà soát lực lượng, bảo đảm chất lượng biểu diễn phục vụ khán giả”.

Nhiều người nói rằng du lịch Huế thất thu bởi du khách về đêm thường di chuyển ra Hà Nội, di chuyển vào Đà Nẵng, Hội An. Ở Huế, về đêm khá buồn. Nhiều quán nhậu, cà phê mọc lên, nhưng cái du khách cần là những những trải nghiệm về văn hóa Huế chứ không phải quán bia. Nguyễn Phúc Bảo Minh, một nhân viên ở Trung tâm bảo tàng di tích có nói với tôi rằng Huế đang nỗ lực tổ chức các hoạt động phục vụ tham quan vào buổi tối, trong đó có cả việc mở cửa Tử Cấm Thành dù khách ban đầu chưa thật nhiều.

Huế đang dùng sông Hương làm nơi lưu giữ khách về đêm bằng phố đi bộ, sân khấu nhà bia, sắp tới là cầu làm bằng gỗ lim, hay chiếu sáng cầu Trường Tiền, bắn súng thần công trên kỳ đài… thậm chí vào những mùa mưa thì ca Huế vẫn đón được khách mỗi đêm. Xuôi sông Hương trên con thuyền nhạc, ngắm đôi bờ sông cũ mới chìm trong màu xanh vô tận cũng là một thú vui hiếm hoi ở Huế trong những đêm mưa. Theo nghệ sĩ Kim Liên: “Âm nhạc Huế rất phong phú, ngoài nhã nhạc được UNESCO vinh danh thì kho tàng âm nhạc Huế cũng rất còn nhiều màu sắc, nhiều loại hình khác nữa. Chẳng hạn kho tàng các điệu lý của Huế rất độc đáo. Nếu ca Huế trên sông được tổ chức tốt về nghệ thuật, phong phú, đa dạng trong biểu diễn cũng sẽ là một động lực để níu giữ khách ở lại với Huế những khi trời đã về đêm”.

2/2018

Nghệ sĩ Đăng Ninh, một người sáng tác nhiều bài ca Huế và là nghệ sĩ gắn bó trọn đời với âm nhạc Huế. Trong quán cà phê ở TPHCM, lòng bác như vẫn để ở Huế quê nhà. Bác tâm sự: “Bác buồn vì ca Huế bị bạc bẽo. Âm nhạc Huế được vinh danh bởi UNESCO, đó là điều đáng mừng, đáng tự hào. Nhưng hỏi ra,có mấy người thuộc đầy đủ dăm bài ca Huế?Ca Huế chỉ tập trung phục vụ du khách thôi, với số bài bản rất hạn chế. Trong khi đó, nhiều làn điệu nhiều bài ca đã thất truyền hoặc ít được lưu truyền”.

Trần Nguyễn Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nhung-vong-doi-ca-hue-tren-song-huong-1249003.tpo