Những vở kịch vẹn nguyên giá trị (*): Quyền lực làm tha hóa nhân cách

Lưu Quang Vũ đã dùng sự đánh mất nhân dạng để nói lên sự đánh mất nhân tính, mượn tích truyện dân gian để viết nên một vở kịch về sự tha hóa của con người có quyền lực trong 'Ông vua hóa hổ'

Có một hạt ngọc trong kho tàng tuồng cổ Việt Nam: "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, kể chuyện nàng Nguyệt Cô vốn là hồ ly tu luyện ngàn năm mà thành người nhưng vì chữ tình mà lại trở về thân cáo. Trăm năm sau ở Việt Nam, một nhà viết kịch trẻ Lưu Quang Vũ cho ra đời một vở kịch chèo mà nay đã trở thành tác phẩm sân khấu kinh điển: "Ông vua hóa hổ".

Hành trình quyền lực làm tha hóa con người

Nếu Nguyễn Diêu, thầy dạy của hậu tổ hát bội Đào Tấn, mượn hình ảnh ẩn dụ cáo hóa thành người để nói lên khát vọng nhân bản khao khát yêu thương và được yêu thương của một linh hồn không vẹn hình người thì Lưu Quang Vũ đã mượn tích truyện dân gian để viết nên một vở kịch về sự tha hóa của quyền lực, hay nói rõ hơn là hành trình quyền lực làm tha hóa con người.

Cảnh trong vở “Ông vua hóa hổ” trên sân khấu Đoàn chèo Hải Phòng

Từ Đạo Hạnh, người anh hùng áo vải dấy quân khởi nghĩa để cứu giúp dân lành thoát khỏi cảnh bạo tàn, đồng hành với chàng là người đồng chí Nguyễn Minh Không nhân từ. Ngày nọ, 2 người bị quân địch vây khốn trong rừng. Cùng đường, Đạo Hạnh bắt mẹ nuôi của tướng địch làm con tin, dọa nếu không lui binh sẽ giết bà. Minh Không bất tuân, thả bà đi vì lòng nhân không muốn giết người vô tội. Trong khi cả hai không còn đường lui thì con bạch hổ thành tinh đội lốt người xuất hiện, nói rằng nếu uống vũng nước ma quỷ trước mặt thì sẽ có sức mạnh vô song, không ai địch được nhưng đổi lại, đến lúc nào đó sẽ hóa thành hổ. Đạo Hạnh không chần chừ uống ngay, nhờ thế mà trăm trận trăm thắng, còn phần Minh Không quá chán ghét cảnh binh đao nên quyết định vào rừng ở ẩn trở thành một tu sĩ.

Đạo Hạnh sau khi lên làm vua điều hành đất nước bằng bạo quyền, tuy nghiêm minh mà không có tình thương. Rồi lời nguyền ập đến, cái ngày lời nguyền ứng nghiệm cận kề, Đạo Hạnh hóa thành hổ, bị tể tướng Hoàng Địch vốn là con bạch hổ năm xưa bày quân vây bắt, chiếm ngôi hoàng đế. Trong cơn tuyệt vọng, hoàng hậu không biết tìm ai khác ngoài chàng trai nhân hậu Nguyễn Minh Không năm nào…

Bằng "Ông vua hóa hổ", Lưu Quang Vũ đã phác thảo cho khán giả cái vòng tròn khép kín vẽ ra con đường đi của quyền lực. Đạo Hạnh vốn là một anh hùng xuất thân từ quần chúng cần lao, không chịu nổi bạo quyền mà phất cờ khởi nghĩa nhưng khi ngồi trên ngôi báu thì chính anh ta lại điều hành đất nước bằng bạo lực. Suy cho cùng, lựa chọn uống vũng nước ma quái để sau đó trở thành hổ chẳng qua là lựa chọn theo chính căn tính của anh ta, một người thích bạo lực và làm tất cả để chiến thắng, anh ta lấy mục đích để biện minh cho hành động, chỉ nhắm tới kết quả chung cuộc còn quá trình có sai quấy thế nào cũng mặc. Anh ta say mê sức mạnh, điều hành mọi thứ bằng sức chứ không bằng lương tri dù biết trước hậu quả, cho nên anh ta đã sẵn có bản năng một con vật bên trong chỉ đợi mang thêm lốt vật.

Trả giá bằng máu

Lưu Quang Vũ đã dùng sự đánh mất nhân dạng để nói lên sự đánh mất nhân tính, rằng khi những lời lẽ xuất phát từ tấm lòng thiện lương quá lâu không được thốt ra thì nó chỉ còn là những tiếng gầm gừ của con vật. "Ông vua hóa hổ" không chỉ là câu chuyện của người hóa vật mà còn là câu chuyện của yêu quỷ hóa thành người. Con bạch hổ thành tinh kia chỉ còn một chút nữa là trở thành vua, thống trị nhân dân, thống trị con người. Điều đáng nói là Đạo Hạnh đã tin dùng con vật thành tinh kia bấy lâu và để nó vươn mình lên tới chức tể tướng. Một lãnh đạo tham lam quyền lực thì chỉ thu hút quanh mình những kẻ phi nhân, những kẻ ấy lúc nào cũng chăm chăm nhắm đến ngôi báu.

Muốn Đạo Hạnh trở lại làm người, Minh Không phải dùng máu người thân yêu nhất của Đạo Hạnh, đó là người vợ vô tội. Thương dân lành cơ cực với niềm tin sẽ cứu được vua - người chồng thân yêu - giúp giang sơn bền vững, muôn dân được yên vui, người vợ đã dặm trường thân gái một mình vào nơi núi thẳm, rừng sâu đưa được người bạn năm xưa là Nguyễn Minh Không về cứu người trên ngôi cao trong thân xác hùm beo đã không còn nói được tiếng người. Chỉ có tình thương và máu của người thân yêu mới cứu được Từ Đạo Hạnh nên người vợ hiền đã nguyện hy sinh thân mình để Đạo Hạnh được trở lại làm người.

Mượn tích dân gian nhưng những vấn đề vở kịch "Ông vua hóa hổ" đặt ra lại không bao giờ cũ: Tình yêu, sự thù hận bạo tàn, sự thỏa hiệp trước cái xấu để đạt mục đích cá nhân, chất thú trong từng con người… Chữa cho vua hóa hổ trở lại làm người cũng là chữa căn ác của con người, căn bệnh chủ quan, ỷ lại vào sức mạnh của người khác chứ không tin vào thực lực của mình. Vở kịch cũng khẳng định chỉ có tình yêu, sự hy sinh mới có thể cứu rỗi linh hồn con người khỏi vũng lầy tội ác và sự lầm lạc.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nhung-vo-kich-ven-nguyen-gia-tri-quyen-luc-lam-tha-hoa-nhan-cach-20190103212131553.htm