Những Vlog rưng rưng góc bếp quê nhà

Không ồn ào, xô bồ như các vlog nhảm nhí, giật gân trên YouTube, vlog về ẩm thực pha lẫn cuộc sống chốn thôn quê ra đời âm thầm mà bền bỉ. Mộc mạc chân chất, đong đầy cảm xúc, quảng bá nét đẹp văn hóa quê hương Việt Nam đến bạn bè quốc tế... là mỹ từ mà những người theo dõi các kênh vlog này nhận xét.

Mới đây, kênh vlog “Ẩm thực mẹ làm” trở thành một trong những đại diện của Việt Nam tham dự YouTube FanFest 2020. YouTube FanFest là một lễ hội âm nhạc toàn cầu quy tụ nhiều ngôi sao giải trí có sức ảnh hưởng trên YouTube đến từ nhiều quốc gia. Năm nay, chương trình tôn vinh đóng góp của cộng đồng các nhà sáng tạo và nghệ sĩ châu Á.

Đối với Đồng Văn Hùng, chủ nhân kênh “Ẩm thực mẹ làm”, đó quả thật là một vinh dự lớn lao. Bởi với anh, vlog này đơn giản là nơi để anh lưu giữ những khoảnh khắc của người mẹ kính yêu ở làng quê Bắc Bộ, những món ăn cây nhà lá vườn đong đầy ký ức tuổi thơ do chính tay mẹ làm... Nhưng với những ai theo dõi kênh của Hùng từ lâu, họ coi đó là phần thưởng xứng đáng sau nhiều năm anh kiên trì xây dựng một vlog chất lượng như thế.

Hình ảnh người mẹ nấu những món ăn dân dã bên chái bếp đơn sơ là điểm thu hút của kênh “Ẩm thực mẹ làm”.

Hình ảnh người mẹ nấu những món ăn dân dã bên chái bếp đơn sơ là điểm thu hút của kênh “Ẩm thực mẹ làm”.

“Ẩm thực mẹ làm” ra đời tháng 2-2019 khi Hùng là fan ruột của “nàng tiên Tứ Xuyên” Lý Tử Thất. Cảm hứng từ những món ăn hấp dẫn và vùng quê như xứ sở thần tiên của YouTuber nổi tiếng người Trung Quốc này, Hùng tự hỏi sao mình không xây dựng kênh riêng đậm bản sắc Việt Nam để ghi lại kỷ niệm về mẹ, giới thiệu những món ăn dân dã, nét văn hóa và cảnh đẹp yên bình nơi mình sinh ra.

Nếu Lý Tử Thất quyết định từ bỏ thành phố về vùng núi hẻo lánh vì chỉ còn mình bà nội, thì Hùng cũng quyết định rời Hà Nội khi ở Thái Nguyên chỉ còn mình mẹ anh. Hùng đi làm xa nhà, một mình mẹ lủi thủi, quần quật sớm hôm. Bạn của mẹ là ruộng đồng, vườn tược, là chú chó, con mèo, đàn gà... Hùng thương mẹ nên khi những clip đầu tiên được cộng đồng mạng ủng hộ, anh đã khăn gói về quê để được sống gần mẹ, ăn những bữa cơm mẹ nấu, hàng ngày ghi lại những thước phim thân thuộc mà xúc động.

Những vlog của Hùng không dùng lời dẫn chuyện mà để những âm thanh sinh hoạt đời thường, âm thanh của đồng quê và tiếng cười nói của mẹ dẫn dắt. Khung cảnh và con người Việt Nam toát nên chất riêng của kênh “Ẩm thực mẹ làm”.

Xem những vlog nhẹ nhàng, tự nhiên đó, khán giả như trở về tuổi thơ năm nào, nhớ sao là nhớ những món ăn thanh đạm một thời nghèo khó bên cha mẹ, mà sao ngon đến lạ. Đó là món canh riêu cua đồng, rau muống luộc, cà dầm tương, nộm rau sắn, ốc hấp lá chanh, cá rô nấu sấu, nhót chấm muối ớt… Nhớ cả những ngày cùng mẹ cha ra đồng bắt cá, cấy mạ, hái rau… Khi người ta quay cuồng trong nhịp sống hiện đại, sợ hãi với đủ thứ thực phẩm bẩn ở thành phố, thì góc vườn của mẹ với đủ thứ rau cỏ, cây trái khiến bao người ao ước.

"Với những hình ảnh và góc quay bình dị, tôi muốn hướng tới sự bình yên, không ồn ào tấp nập của cuộc sống thành thị. Cùng với ngôi nhà đơn sơ mộc mạc ở quê, tôi hi vọng những món ăn mẹ nấu sẽ phần nào sưởi ấm trái tim của những người con xa nhà, xa quê hương. Trên hết, đó là hình ảnh người mẹ tần tảo nơi thôn quê" - Hùng tâm sự.

Cũng mang âm hưởng tương tự là hai kênh vlog ẩm thực “Bếp trên đỉnh đồi” và “Khói lam chiều”. Nếu “Bếp trên đỉnh đồi” là cuộc sống thanh tịnh của một cô gái trẻ ở vùng núi Tây Bắc thì “Khói lam chiều” lại giới thiệu những món ăn đặc sắc của miền Tây Nam Bộ.

Chủ nhân “Bếp trên đỉnh đồi” là cô gái 9x Tâm An. Làm thiết kế ở Hà Nội sau nhiều năm, cô bỏ lại tất cả để về vùng núi Sa Pa làm homestay theo lời rủ rê của một người bạn. Cô tự trồng vườn rau nhỏ xinh ngay cạnh homestay, học cách nhuộm quần áo, tự làm tương đậu, nuôi giấm và chế nước rửa bát bằng rau quả trong rừng.

Các món ăn của cô chủ yếu là món chay nhưng rất hấp dẫn. Mỗi lần làm xong một món ăn ngon, cô lại đem mời những đứa trẻ nghèo trong bản bởi chúng mấy khi nếm được của ngon vật lạ. Xem vlog của cô, người ta lắng lại vì sự chia sẻ, bao bọc miếng ăn manh áo với những phận người khó khăn.

Mỹ Duyên đi hái sen trong một clip của “Khói lam chiều”.

“Khói lam chiều” lại mang phong vị hào sảng, hiếu khách của người miền Tây. Kênh do Nữ hoàng Trang sức 2017 Nguyễn Mỹ Duyên xây dựng và kiêm luôn nhân vật chính. Trong các clip của mình, cô luôn diện chiếc áo bà ba, đội nón lá đi mò cua bắt ốc, tát đìa đơm cá, nấu ăn nơi chái bếp lợp tranh…

Là người con của xứ dừa Bến Tre, Mỹ Duyên không đơn giản chỉ giới thiệu những món ăn đậm chất Nam Bộ như cá lóc nướng trui, bún cá Châu Đốc, lẩu mắm, canh cá linh bông điên điển, cá hú kho trái bần…, mà cô còn trưng trổ cho mọi người thấy cảnh đẹp và cuộc sống đời thường của con người xứ chín rồng.

Cô tâm sự: “Đoạt giải ở cuộc thi sắc đẹp nên tôi được nhiều bạn bè gợi ý nên làm vlog về trang điểm, hay giới thiệu mỹ phẩm sẽ kiếm tiền dễ hơn, nhưng tôi không nghĩ đến. Tôi thích vào bếp, thích đi hái sen, bắt cá mùa nước nổi… để giới thiệu nếp sống quen thuộc bao đời của làng quê Nam Bộ”.

Để có được những clip chất lượng, các chủ kênh vlog dồn rất nhiều tâm sức và đầu tư về hình thức lẫn nội dung, chăm chút từng cảnh quay một. Các thực phẩm, vật dụng được sử dụng đều được “xanh hóa” tối đa, hạn chế đồ nhựa. Khép lại mỗi clip, Hùng và Duyên đều gửi gắm những dòng tâm sự thật thà mà rung cảm, đọng lại nhiều ưu tư, xúc động cho người xem.

“Bạn mãi mãi không biết lúc bạn không ở nhà, bữa cơm của bố mẹ bạn đơn giản, đạm bạc như thế nào…”, “Cuộc sống thôn quê tuy nghèo về vật chất, nhưng tình làng nghĩa xóm lại đầy ắp trong từng con người, thể hiện như một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tình quê thấm đẫm hương vị những món ăn dân dã, trong đó có món ốc luộc của mẹ” (kênh “Ẩm thực mẹ làm”). “Mùa về điên điển vàng tươi/ Cá linh vừa đó cho người bữa cơm/ Lóc đồng câu buổi chiều hôm/ Kho tiêu hương vị ngọt thơm thanh nhàn/ Tình người ấm áp chứa chan/ Vươn trong gian khó, vững vàng niềm tin/ Gian lao mà vẫn nghĩa tình/ Mùa về để thấy quê mình yêu hơn” (Khói lam chiều).

Khác với những kênh vlog ẩm thực chỉ đơn thuần dạy nấu ăn, hay thử thách ăn món siêu cay, siêu kinh dị… xuất hiện như nấm sau mưa thì ba kênh vlog ẩm thực trên mang lại nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, giàu tính giáo dục và dấu ấn văn hóa đặc trưng. Vì dùng hình ảnh và âm thanh để thay thế cho lời dẫn dắt nên ba kênh không chỉ thu hút người xem trong nước, mà còn được rất đông khán giả quốc tế chú ý và khen ngợi.

Nhiều người rất thích thú khi được khám phá văn hóa Việt Nam in đậm trong mỗi clip. Họ còn ngỏ ý sẽ đến thăm Việt Nam và thử những món ăn này bởi những khung hình quá chân thật, thu hút, đẹp như thước phim điện ảnh. Số khác lại cảm ơn chủ kênh đã giúp họ nhận ra giá trị của bữa cơm gia đình, của đời sống gần gũi thiên nhiên…

Nhiều người nhận ra sức hút lặng lẽ mà bền bỉ của phong cách vlog này cũng bắt đầu ăn theo, bắt chước. Nếu như những cái tên vlog mới như “Sau góc bếp củi”, “Cơm mẹ nấu”… ít nhiều vẫn được ủng hộ dẫu cảnh quay chưa thật sự cuốn hút thì kênh của bà Tân Vlog lại bị lên án kịch liệt.

Thời gian gần đây, bà Tân không còn những clip dạy nấu ăn “siêu to, siêu khổng lồ” với kiểu hướng dẫn người xem một cách ngộ nghĩnh mà chuyển hẳn sang kiểu khác. Suốt clip, bà không hề nói tiếng nào mà chỉ chăm chăm nấu ăn. Điều này khiến cư dân mạng khó chịu, “ném đá” vì cho rằng kênh bà Tân Vlog học đòi, đạo nhái “Ẩm thực mẹ làm” một cách trắng trợn.

Phan Thị Uyên

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-vlog-rung-rung-goc-bep-que-nha-620337/