Những việc Quốc hội có thể làm ngay

'Có nước nào làm luật kiểu chúng ta không?', câu hỏi đầy cảm thán của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu lên tại Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018 thể hiện những lo lắng mới cho một điều đã cũ: chất lượng làm luật vẫn không đáp ứng được yêu cầu.

Những hạn chế đã diễn ra nhiều năm qua: chậm tiến độ (tình trạng luật trình lên, rồi rút, rồi kéo dài qua 2-3 kỳ họp); chất lượng chuẩn bị không đạt yêu cầu (đề xuất ban đầu là sửa một phần, đến khi xây dựng dự án luật lại sửa toàn diện, như Luật Đặc xá, Luật Thi hành án dân sự); việc đánh giá tác động và việc lấy ý kiến người dân, các nhóm đối tượng bị tác động vẫn mang nặng tính hình thức, dẫn đến khi bước vào giai đoạn thông qua thì dự thảo luật vẫn gây tranh cãi (Bộ luật Hình sự 2015, luật về “đặc khu”).

Ông Nguyễn Hòa Bình đề cập đến gốc rễ của vấn đề - một Quốc hội thiếu chuyên nghiệp. Nhưng vấn đề gốc đó liên quan đến triết lý và tổ chức, cấu trúc nhân sự của Quốc hội - những điều mà chưa chắc nhiệm kỳ tiếp theo đã có thể thay đổi căn bản. Vì vậy, trong ngắn hạn, Quốc hội cần giải quyết hai vấn đề chính sau, có thể can thiệp được nhanh hơn bằng giải pháp kỹ thuật.

Chống cát cứ quyền lực và tư duy bộ ngành nào cũng cần làm riêng luật cho lĩnh vực, vấn đề mà mình quản lý

Quốc hội đang bị quá tải trong chương trình làm luật.

Quốc hội đang bị quá tải trong chương trình làm luật. Theo ông Bình, từ nay đến cuối nhiệm kỳ (2021) còn ít nhất 43 dự án luật phải làm mới, sửa đổi, theo đề xuất của Chính phủ, chưa kể những dự án có thể phát sinh theo yêu cầu thể chế hóa đường lối cải cách do Đảng yêu cầu. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng năng lực Quốc hội mỗi năm chỉ có thể xử lý 10-12 luật. Nhưng đặt vấn đề một cách khoa học, từ góc độ kỹ thuật pháp lý: liệu có phải trong 43 dự án luật đưa vào chương trình, cái nào cũng cần phải ra riêng một luật?

Bản thân Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã có câu trả lời xác đáng thông qua ví dụ về một loạt “dự án luật” trong lĩnh vực pháp luật hình sự: dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Luật Truy nã tội phạm, Luật Phòng chống tội phạm có tổ chức... “Nếu như mỗi chế định trong tố tụng hình sự có một đạo luật thì sẽ có câu chuyện đặt ra là chúng ta làm luật đến bao giờ?”, ông Bình đặt câu hỏi và đưa ra yêu cầu chính xác: truy nã cũng là một hoạt động trong tiến trình tố tụng, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng. Từ phân tích của ông Bình, một giải pháp kỹ thuật hợp lý đã được gợi mở cho Quốc hội: về mặt kỹ thuật, chỉ cần một Bộ luật Tố tụng hình sự và nếu luật này tốt thì hoàn toàn đủ khả năng giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên mà không cần thêm dự án luật mới.

Xu hướng cát cứ quyền lực, thêm dự án luật để tăng thêm quyền quản lý cho bộ, ngành mình đã và đang diễn ra phổ biến. Và từ khía cạnh giám sát lập pháp, nếu Quốc hội có đủ năng lực kỹ thuật và quyết liệt thực thi chức năng hiến định được trao, hoàn toàn có thể bác bỏ nhiều đề xuất làm luật vô căn cứ. Chỉ cần làm tốt khâu pháp điển hóa (hệ thống hóa các văn bản đã có sẵn); rà soát một cách chặt chẽ hệ thống pháp luật hiện hành, các ủy ban của Quốc hội có thể phát hiện rất nhiều vấn đề chính sách vốn đã có quy phạm điều chỉnh trong các văn bản hiện hành chứ hoàn toàn không cần ra luật riêng.

Tham gia thực chất của đối tượng bị tác động vào tiến trình làm luật: công khai dự thảo

Đánh giá tác động và hỏi ý kiến đối tượng bị tác động, dù được chi tiết hóa bằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2015), thì trên thực tế, khâu thực thi vẫn mang nặng tính hình thức. Cũng không cần yêu cầu gì to tát, minh bạch tất cả dự thảo luật để báo chí có thể tiếp cận, các tổ chức xã hội có thể tham gia, và gián tiếp qua đó truyền tải ý kiến người dân là việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn mà Quốc hội nên làm. Dự thảo luật trong tiến trình xây dựng sẽ luôn được cập nhật, bổ sung nhưng hiện nay, hầu như các cơ quan soạn thảo chỉ công bố bản đầu tiên và bản cuối cùng. Với những bản còn lại ở giữa tiến trình này, để có được, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức xã hội phải rất vất vả xin - cho. Đối với các tổ chức có nguồn lực mà còn thế, dân muốn góp ý chẳng dễ có dự thảo cập nhật để góp ý.

Nguyễn Quang Đồng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275828/nhung-viec-quoc-hoi-co-the-lam-ngay-.html