Những việc làm bất thường của nhà đầu tư

Thực hiện chương trình trồng mới từ 25.000 đến 30.000ha cao su từ nay đến năm 2015, UBND tỉnh Bình Phước đã cho một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuê đất để thực hiện dự án. Đây là chủ trương lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhưng do việc thực hiện chính sách thu hồi đền bù, hỗ trợ thiếu minh bạch, mạnh ai nấy làm, đã đẩy nhiều hộ dân đến chỗ trắng tay, nợ nần và nghèo đói, gây ra những thắc mắc khiếu kiện trong dân, đi ngược lại mục tiêu tốt đẹp ban đầu của chương trình.

Chuyện ghi được ở xã Đồng Nai Đồng Nai là xã đặc biệt khó khăn, của huyện Bù Đăng. Hiện toàn xã có 959 hộ với 4.224 khẩu, trong đó người dân tộc Stiêng, M’nông và Châu Mạ chiếm hơn 65%. Bình quân diện tích đất canh tác ở Đồng Nai đạt hơn 3ha/hộ, bà con chủ yếu trồng mỳ (sắn), điều, gần đây phát triển thêm cây cao su và cà phê. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã và đang đạt những kết quả đáng mừng, tính đến cuối năm 2008, toàn xã chỉ còn 50 hộ nghèo. Thế nhưng, từ thời điểm các công ty Cổ phần đầu tư (CPĐT) Quỳnh Vy và An Phước (cùng có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), được UBND tỉnh Bình Phước cho thuê hơn 600ha đất rừng sản xuất tại các tiểu khu 197 và 202, trong đó có hơn 300ha chồng lấn lên diện tích đất người dân địa phương đã sản xuất ổn định. Việc thu hồi đất, hỗ trợ đền bù của các doanh nghiệp trên không dân chủ, thiếu công bằng, làm theo kiểu “lấy được”. Nhiều hộ không thuộc diện phải giải tỏa, thu hồi theo Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 12-5-2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước “Về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp”, nhưng vẫn bị cưỡng chế chặt bỏ cây trồng để thu đất gây thiệt hại lớn, tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân. Điều tra theo đơn thư phản ánh của người dân, trong các ngày 22 và 23-7-2009, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có mặt tại các thôn 4, thôn 6, thôn 7 và thôn 10 xã Đồng Nai, chúng tôi ghi nhận được việc giải tỏa, thu hồi đất thực hiện dự án trồng cao su của các công ty CPĐT Quỳnh Vy và An Phước là không thỏa đáng. Cụ thể, gia đình anh Điểu Đôn cùng 13 hộ dân ở thôn 4, được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Nai hợp đồng giao khoán 35ha rừng nghèo kiệt tại tiểu khu 202 từ ngày 2-11-2006, để trồng rừng, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi. Chúng tôi đọc được trong Tờ trình “Quy hoạch đất trồng rừng, cây công nghiệp và chăn nuôi” giao cho ông Điểu Đôn và 13 hộ, có xác nhận của Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Nai - Hoàng Văn Hào và Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng - Nguyễn Văn Cư ký chấp thuận. Như vậy, 35ha đất trồng rừng, trồng cây công nghiệp của ông Điểu Đôn cùng 13 hộ ở thôn 4 là đất hợp pháp, nhưng vào các ngày 10 và 11-3-2009, vẫn bị cưỡng chế thu hồi để giao cho Công ty CPĐT Quỳnh Vy. Toàn bộ diện tích cao su, điều, mỳ mà các hộ dân này đã trồng lâu nay, bị chặt bỏ trong khi đó, doanh nghiệp không đền bù, mà chỉ áp dụng mức hỗ trợ bình quân 15 triệu đồng/ha (!). Chỉ tính riêng gia đình anh Điểu Đôn, từ năm 2007 đến nay nhận khoán 6,2ha rừng và đất rừng, đã phải vay mượn 450 triệu đồng, tính đến tháng 7-2009, cả vốn và lãi lên đến hơn 600 triệu đồng, để trồng 3.407 cây cao su. Ngoài ra, để được nhận hợp đồng diện tích đất trên, năm 2006 anh Điểu Đôn còn nộp cho thôn trưởng Điểu Krang 75 triệu đồng. Nếu tính với giá thời điểm hiện nay, hơn 6ha cây cao su 3 năm tuổi của gia đình anh Điểu Đôn phải là hơn 1,8 tỉ đồng. Sau khi bị cưỡng chế chặt bỏ rẫy cao su, không còn đất sản xuất, cuộc sống 2 vợ chồng anh Điểu Đôn cùng 6 con lâm vào tình cảnh khó khăn, phải đi vay nóng, 1 triệu đồng trả lãi 8 nghìn đồng/ngày để sinh hoạt. Vợ chồng anh Điểu Đôn lo lắng không biết rồi đây lấy gì nuôi 6 đứa con ăn học và trả khoản nợ đã vay đầu tư vào rẫy cao su? Theo phản ánh của anh Điểu Đôn và qua xác minh trên thực tế, chúng tôi nhận thấy tại tiểu khu 202, liền kề với rẫy cao su của anh Điểu Đôn, cùng nguồn gốc đất, nhưng rẫy cao su một số hộ là cán bộ huyện Bù Đăng và cán bộ xã Đồng Nai rộng cả chục ha lại “nằm ngoài vùng giải tỏa”(!). Tương tự, cả thôn 4 có 52 hộ bị thu hồi 75,34ha đất bà con đang sản xuất ổn định tại tiểu khu 202 để giao cho Công ty Quỳnh Vy. Có những hộ vào thời điểm bị cưỡng chế rẫy điều, rẫy mỳ đang cho thu hoạch vẫn bị chặt hạ, gây thiệt hại lớn, làm cho cuộc sống lâm vào tình cảnh khốn đốn. Gia đình chị Thị Brơnh có 1ha điều và 1,2ha mỳ bị cưỡng chế đúng vào thời điểm rẫy mỳ cho thu hoạch mà chị chưa kịp thu. Không chấp nhận khoản tiền hỗ trợ ít ỏi, lại mất nguồn thu từ rẫy mỳ hiện tại, vợ chồng Thị Brơnh phải đi làm thuê kiếm sống và nuôi 3 con nhỏ. Các hộ Điểu Khuôn, Điểu Lâm, Điểu Nhâm, Thị Bra, Thị Bin và Điểu Broi cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Điểu Nhâm bức xúc: “Nhà mình có 2,3ha cao su và 2,7ha điều bị cưỡng chế chặt hạ, công ty đưa ra mức hỗ trợ 54 triệu đồng và cấp 1,5ha đất trong vùng định canh. Mình không nhận vì quá thiệt thòi, đây là đất mình sản xuất từ năm 2000, cây điều đã cho thu hoạch mỗi ha một năm được 15 triệu đồng. Nay bị thu, chỉ hỗ trợ và cấp lại chừng ấy đất, gia đình mình có 6 miệng ăn làm sao đủ sống!”. Trường hợp gia đình bà Thị Bin có 3ha điều 10 năm tuổi cũng bị đốn hạ, nhưng lại không có tên trong danh sách hỗ trợ, cũng như danh sách cấp đất tái định canh. Bà xót xa: “Cây điều nhà mình to hơn bắp chân, nhiều trái lắm, mỗi năm 3ha mình thu 50 triệu đồng. Vậy mà bị họ cưa đốn và ủi san mất đúng lúc điều đang cho thu hoạch. Bây giờ mình không còn đất, cũng chẳng còn nguồn thu.”. Gia đình ông Điểu Broi, cán bộ lão thành cách mạng, 41 năm tuổi Đảng có 2ha vườn điều ở gần nhà đã cho trái bị chặt hạ để thu hồi đất. Sau đó ông được cấp 1ha đất tái định canh ở xa hơn, nay chưa biết trồng cây gì. Ông Điểu Broi bức xúc: “Trong khi san ủi đất, người ta còn ủi mất mộ của anh trai mình là liệt sĩ Điểu Brơi, du kích xã hy sinh năm 1973, gia đình chôn ở “bầu nước” thuộc tiểu khu 202”. Tính đến ngày 25-7-2009, ngoài 52 hộ thôn 4 bị thu 75,34ha đất, còn có 42 hộ khác ở các thôn 6, thôn 7 và thôn 10 bị thu 37,96ha đất đã trồng cà phê, cao su và điều, trong đó có 10,41ha cà phê và điều trồng từ 2004 trở về trước. Báo cáo ngày 23-6-2009 của UBND xã Đồng Nai do Chủ tịch Lê Văn Ngọc ký gửi UBND huyện Bù Đăng nêu: “Tại tiểu khu 197, vùng quy hoạch trồng 478ha cao su của Công ty CPĐT An Phước có tới 50ha đất sản xuất của người dân đã được UBND tỉnh giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 80ha diện tích đất người dân sản xuất ổn định từ năm 2004 trở về trước, nếu thu hồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế của nhân dân và không được sự đồng tình của dân”. Ngày 23-7, trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Phạm Thị Thắm, cán bộ văn phòng UBND xã Đồng Nai cho biết: “Từ đầu năm đến nay trong xã phát sinh thêm 47 hộ thiếu đất sản xuất và 27 hộ nghèo”. Đây chính là hệ lụy từ việc thu hồi đất của dân theo kiểu “lấy được” để cấp cho doanh nghiệp trồng cao su! Sáng 24-7, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng khẳng định: “Khi các hộ dân bị thu hồi đất cho các công ty CPĐT Quỳnh Vy và CPĐT An Phước trồng cao su, ngoài hỗ trợ tiền cây trồng trên đất, các hộ thiếu đất sẽ được địa phương bố trí đất tái định canh từ 1 đến 1,5ha/hộ, đồng thời các công ty này cam kết sử dụng 70% lao động là người địa phương, trong đó ưu tiên người bị mất đất”. Như vậy, theo lời ông Chủ tịch UBND huyện, vô hình trung, việc thu hồi đất cho doanh nghiệp trồng cao su ở xã Đồng Nai đã đẩy người dân vào tình trạng thiếu đất sản xuất, biến họ từ người chủ mảnh đất thành người làm thuê cho doanh nghiệp ngay chính trên mảnh đất mà họ khai phá hoặc sang nhượng trước đây. Việc thu hồi đất giao cho các công ty cổ phần thực hiện dự án cao su ở xã Đồng Nai trên thực tế đã và đang gây ra thiệt hại cho cả trăm hộ dân. Nhẩm tính với hơn 600ha cao su của các công ty Quỳnh Vy và Đồng Phú, sau khi bàn giao lại cho tỉnh 10% diện tích (tương đương 60ha) còn lại hơn 540ha chuyển sang hình thức thuê đất lâm nghiệp 50 năm, nếu chỉ cần bán với giá 300 triệu đồng/ha cao su trồng mới, thì các doanh nghiệp này đã có trong tay hơn 162 tỉ đồng. Để khắc phục tình trạng trên, và nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, trong chương trình trồng mới cao su tỉnh Bình Phước cần ưu tiên hàng đầu cho đối tượng là người dân địa phương. Không thể vì dự án trồng cao su của doanh nghiệp mà thu đất của dân đang sản xuất bằng mọi giá. Việc cưỡng chế chặt vườn cao su, vườn điều, phá bỏ rẫy mỳ - nguồn thu nhập chính của cả trăm hộ dân để lấy đất giao cho một vài doanh nghiệp cổ phần trồng cao su là nghịch lý, không chỉ gây lãng phí lớn mà còn khiến lòng dân bất bình. Nếu cứ làm theo kiểu đã và đang làm ở xã Đồng Nai, thì chương trình trồng mới cao su của Bình Phước sẽ phản tác dụng, làm người dân nghèo thêm, tài nguyên rừng mau chóng cạn kiệt và chỉ có một số ít người biết “chạy dự án” sẽ giàu lên nhanh chóng. KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/11/11/11/84629/Default.aspx