Những việc cần làm ngay để bảo vệ hoa màu trước mối đe dọa từ bão

Trước nguy cơ áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, Cục Trồng trọt đã ra văn bản khuyến cáo một số địa phương để bảo vệ hoa màu.

 Tại tỉnh Hải Dương, nhiều diện tích lúa đang ở thời kỳ chắc xanh. Ảnh: Minh Phúc.

Tại tỉnh Hải Dương, nhiều diện tích lúa đang ở thời kỳ chắc xanh. Ảnh: Minh Phúc.

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/9/2020 ở khu vực miền Trung Philippines có áp thấp nhiệt đới đang hoạt động.

Dự báo trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 07 giờ ngày 17/9, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11. Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu vụ hè thu, vụ mùa 2020, cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc và đảm bảo có các phương án hạn chế tối đa tình trạng ngập úng gây thiệt hại cho sản xuất trồng trọt, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc khẩn trương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các công việc.

Một là, chủ động thực hiện tiêu nước đệm, giải tỏa ách tắc lòng sông, các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương tiện như máy bơm điện, máy bơm dầu… để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu, cây ăn quả, ưu tiên bơm thoát nước nhanh cho những diện tích có nguy cơ ngập nặng, các diện tích cây ăn quả, lúa, cây rau màu đến thời kỳ thu hoạch.

Cánh đồng thôn An Lại, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Phúc.

Đặc biệt, đối với diện tích lúa đã chín cần huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa hè thu và lúa mùa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh ảnh hưởng thiệt hại tới năng suất, chất lượng do mưa lớn gây ra.

Với diện tích lúa giai đoạn làm đòng cần giữ nước trên mặt ruộng từ 3-5cm, theo dõi và có biện pháp pháp phòng trừ bệnh bạc lá, rầy nâu, khô vằn và sâu cuốn lá.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, đối với những diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh nhưng bị đổ ngã do mưa gió, hướng dẫn dựng lúa lên, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước mặt ruộng để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa, đồng thời chuẩn bị ruộng gieo trồng cây vụ đông, lưu ý phòng trừ bệnh khô vằn gây hại.

Đối với cây ăn quả, văn bản chỉ đạo của Cục Trồng trọt nêu rõ, một số biện pháp thực hiện trước mưa bão: Cắt tỉa để cây được thông thoáng (cành vượt, cành đan chéo nhau); cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã; đối với cây đang mang quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ.

Với rau màu, cần khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch; tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại nếu bị thiệt hại do mưa lớn gây ra; chỉ tiến hành gieo trồng khi thời tiết tạnh ráo.

Minh Phúc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-viec-can-lam-ngay-de-bao-ve-hoa-mau-truoc-moi-de-doa-tu-bao-d273140.html