Những 'vết nứt vô hình' trong doanh nghiệp

Khi chúng ta ở cấp càng cao trong doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT, CEO hay các thành viên trong Ban giám đốc, mức độ nguy hiểm nếu sai lầm sẽ càng lớn, ảnh hưởng đến toàn thể doanh nghiệp.

Mỗi cá nhân chúng ta ai cũng từng sai, rất nhiều lần phải trả giá nhưng ít khi chúng ta nhìn nhận được lỗi của chính mình trước khi phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, công sức và tiền bạc. Ở những cấp cao nhất trong doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT, CEO, các thành viên trong Ban giám đốc, liệu chúng ta có xây dựng được hệ thống, văn hóa doanh nghiệp giúp mình bớt sai khi không rõ được mình hay sai như thế nào?

Rõ ràng, khi chúng ta ở cấp càng cao, mức độ nguy hiểm nếu sai sẽ càng lớn, ảnh hưởng đến toàn thể doanh nghiệp.

Ảo tưởng sức mạnh của các cấp cao nhất trong doanh nghiệp, tập đoàn

Thế kỷ mới, với những thay đổi hoàn toàn khác so với 10-20 năm trước, liệu các nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp có đủ kỹ năng cần thiết để giúp doanh nghiệp tung cánh bay lên? Việc đánh giá tình huống và lựa chọn người thực thi tại từng vị trí là vô cùng quan trọng.

Ông Trần Xuân Hải, CEO Công ty Missionizer

Những nghiên cứu gần đây về tâm lý con người chỉ ra chúng ta thường xuyên mắc rất nhiều lỗi, chỉ phân tích về các dạng thiên kiến định kiến của con người - những hầm chông vô hình đợi chúng ta rơi vào và trả giá - các nhà khoa học đã tìm ra được tới hơn 170+ loại khác nhau.

Hãy hình dung bạn đi ra đường mà có tới 170 loại bẫy chờ bạn bước vào trên mỗi bước đi. Càng đi nhanh, càng thành công, chúng ta càng bị áp lực phải ra quyết định nhanh trong khi đó môi trường kinh doanh thay đổi chóng mặt và tin tức ngập trời không biết cần phải phân tích theo hướng nào. Thực tế, chúng ta yếu hơn rất nhiều so với điều chúng ta nghĩ về mình.

Ở cấp tập đoàn, hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt ở Việt Nam, phần lớn đều được phát triển từ những cá nhân rất giỏi, rất quyết đoán. Nhưng chính những điều đã đem lại thành công cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong quá khứ lại có thể là gánh nặng làm chúng ta không thể phát triển lớn trong hiện tại và tương lai, thậm chí gây hại. Hãy nhìn Nokia, Yahoo, General Motors, Kodak đều đã từng trên đỉnh thống trị thế giới, đều đã rơi xuống vực thẳm từ nơi cao nhất.

Hai mươi năm trước, hai nhà khoa học Dunning và Kruger giao cho mọi người nhiều bài tập khác nhau để giải quyết như các bài toán logic, phân tích các câu hỏi ngữ pháp hoặc đánh giá những câu chuyện đùa, sau đó họ yêu cầu từng người tự đánh giá thành tích của mình so với cả nhóm.

Mục đích của nghiên cứu là phân tích về đánh giá của từng cá nhân về thành tích của mình so với nhóm (cảm giác bên trong) so với thành tích thật (điểm thực mà họ nhận được). Sau khi chấm điểm thực, họ chia những người tham gia thành 4 nhóm khác nhau, dựa trên thành tích thực của họ từ cao xuống thấp.

Khi xem lại điểm các nhóm đạt được, ngạc nhiên thay, cả 4 nhóm, bao gồm nhóm thực hiện tệ nhất, đều chấm mình cao hơn mức trung bình. Một ví dụ khác về cái bẫy của não này là 88% người Mỹ đều cho rằng mình lái xe giỏi hơn mức trung bình. Khi chúng ta càng tệ, chúng ta càng dễ mắc lỗi - do trình độ kém, và càng ảo tưởng là chúng ta giỏi giang trong việc xử lý bài toán đó, nên càng không biết mình cần phải sửa gì.

Tôi thường gọi "căn bệnh" này là “Ảo tưởng sức mạnh”. Ai trong chúng ta cũng bị Ảo tưởng sức mạnh hay 170 bẫy kia cả. Đó là cách não của chúng ta xử lý thông tin, ra quyết định, đây chính là những vết nứt vô hình của hệ thống. Chúng ta không biết chúng ta yếu, chúng ta không biết chúng ta sai, cho đến khi trả giá.

Giải pháp làm giảm “Ảo tưởng sức mạnh”

Giải pháp thực ra rất dễ hiểu, không quá khó thực hiện.

Thứ nhất là Phát triển cá nhân: Chúng ta không biết những điều chúng ta không biết. Vì thế chỉ cần làm rõ các kỹ năng của thế kỷ mới như lãnh đạo bằng thuyết phục, ảnh hưởng thay vì ra lệnh, sáng tạo đổi mới thay vì làm đi làm lại những điều cũ theo cách cũ. Chỉ cần có đọc thêm hoặc đi học một khóa học ngắn về những điều chúng ta cần, chúng ta sẽ bớt ảo tưởng, bớt sai rất nhiều khi đánh giá và ra quyết định.

Do chúng ta có thể sai, có thể ảo tưởng về chính mình, nên chúng ta cần thay đổi thái độ, sẵn sàng đón nhận phê bình xây dựng, kể cả từ cấp thấp nhất trong doanh nghiệp của mình. Họ có thể đúng, ta có thể sai. Hãy đón nhận những phê bình từ người khác như những món quà họ đem lại cho mình. Họ phê bình vì họ yêu quý mình - suy nghĩ đó cần được xây dựng trong tâm trí từng người lãnh đạo.

Thứ hai là xây dựng tinh thần đồng đội: Không chỉ là thái độ của cá nhân, chúng ta cần xây dựng văn hóa mà mọi người có thể nói thẳng cho nhau những gì mình nghĩ về người khác - dĩ nhiên trên mục đích xây dựng giúp đỡ cá nhân đó và phát triển tổ chức vững mạnh hơn.

Điều này khá khó khi phần lớn các cấp lãnh đạo theo văn hóa của Việt Nam và Châu Á hiếm khi chịu lắng nghe lời góp ý của người khác, đặc biệt là cấp dưới. Những doanh nghiệp xây dựng được điều này sẽ cực mạnh và ít khi mắc lỗi.

Cần lưu ý là đội ngũ cũng phải được đào tạo, rèn luyện liên tục về cách quan sát, cách góp ý, thái độ đón nhận phê bình, phương thức giao tiếp hiệu quả và cả tư duy phản biện (critical thinking) để lời góp ý tăng thêm giá trị.

Chúng ta cần đội ngũ chân thành, cùng chung hướng, chung mục đích, tuy có thể khác nhau về các giải pháp, cách làm - xin lưu ý là càng nhiều góc nhìn, cách làm mà chung mục đích thì đội ngũ càng mạnh.

Việc góp ý, đối thoại xuyên phòng ban, xuyên cấp là thiết yếu để xây dựng một doanh nghiệp mạnh. Học từ bạn luôn là điều tốt. Chúng ta cần có đội ngũ thực sự là bạn, thực sự là đồng chí sát cánh.

Thứ ba là tìm Đồng minh: Doanh nghiệp, cá nhân cần có nhiều góc nhìn hơn nữa. Trong tổ chức, chúng ta có thể xây dựng những cố vấn (mentor) cho từng cá nhân trong doanh nghiệp của mình. Ở cấp tập đoàn, chúng ta cần thận trọng chọn lựa những siêu đồng minh, những con người có tư duy rộng, sâu, có thể đem lại nhiều góc nhìn mới lạ để chúng ta có thể liên tục xây dựng mới, sửa cái cũ, chỉnh hệ thống để chúng ta bớt sai.

Thứ tư là Khách hàng: Bạn hãy hình dung toàn bộ hệ thống của doanh nghiệp bạn, chỉ với một đối tượng là khách hàng, để có thể kết nối toàn bộ sức mạnh. Chúng ta có hàng trăm nhóm công việc (tasks), với một tương tác như tạo quảng cáo online (facebook, google) cũng có nhiều nhóm công việc như thiết kế quảng cáo, viết nội dung quảng cáo, lựa chọn sản phẩm đưa lên, lựa chọn kênh tương tác và tạo những tương tác tự động hay có người phụ trách tương tác cụ thể.

Tại từng nhóm công việc, từng cá nhân chúng ta cần phải giải quyết rất nhiều bài toán khác nhau dựa trên sự hiểu biết giới hạn của mình. Chính những lỗi vô hình, những vết nứt vô hình từ từng cá nhân (bao gồm cả những cá nhân cao cấp nhất) đã làm hệ thống của chúng ta kém hiệu quả. Chúng ta làm được vài điều tốt, nhưng vô vàn điều tệ hại kéo toàn bộ hệ thống không thể phát triển và thậm chí có nguy cơ sụp đổ. Làm sao chúng ta thoát được các bẫy vô hình này, lấp được những vết nứt vô hình nằm sẵn trong đầu mỗi cá nhân? hãy hoàn toàn tập trung vào một mục đích cuối cùng, đó là Khách hàng.

Biết đâu, nhờ bớt ảo tưởng, bạn có thể thành công gấp 10 thậm chí 100 lần hiện tại!

- Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề - "CEO Việt: đốt đuốc tìm nhân tài"

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Ông Trần Xuân Hải, CEO Công ty Missionizer

Trần Xuân Hải*

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nhung-vet-nut-vo-hinh-trong-doanh-nghiep-1534562523032.htm