Những vật dụng cần có trong tủ thuốc gia đình

Mỗi gia đình nên trang bị tủ thuốc có vật dụng y khoa cơ bản để dự phòng các tai nạn cần sử dụng.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này thường xuyên tiếp nhận trường hợp cấp cứu do các bệnh lý hoặc tai nạn sinh hoạt. Ngoài biện pháp cấp cứu để hồi sức, các bác sĩ phải xử lý hậu quả khi bệnh nhân sử dụng thuốc quá liều hoặc không được sơ cứu trước tại nhà.

Theo bác sĩ Tiến, việc trang bị các dụng cụ tủ thuốc gia đình phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của mỗi thành viên. Trong đó, 3 nhóm thuốc tối thiểu cần được duy trì là hỗ trợ hô hấp, tiêu hóa và sơ cứu toàn thân như sốt, viêm, da liễu.

 Thuốc tiêu hóa, hô hấp và toàn thân là 3 nhóm không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình. Ảnh: Pinterest.

Thuốc tiêu hóa, hô hấp và toàn thân là 3 nhóm không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình. Ảnh: Pinterest.

Những người thường xuyên làm việc nhà, nấu nướng khó tránh khỏi các tai nạn nhỏ. Do đó, bạn nên trang bị các loại thuốc thoa ngoài da, trị bỏng trong tủ thuốc gia đình. Những thuốc này giúp vết thương giảm sưng, viêm, không bị phồng rộp, liền sẹo.

Các loại thuốc tiêu hóa cũng nên được trang bị sẵn sàng để bù nước và điện giải như Oresol, Smecta, men vi sinh...

Riêng về vấn đề sốt ở trẻ em, phụ huynh nên chuẩn bị sẵn các loại aspirin, paracetamol dạng siro, gói hoặc viên nén. Bác sĩ Tiến cho biết việc sử dụng các loại này phụ thuộc vào thể trạng và cân nặng của trẻ.

“Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị sốt có mức độ từ nhẹ đến nặng. Nhiều trẻ trở nặng hơn hoặc phải xử lý biến chứng do người lớn dùng thuốc quá liều, không đúng thuốc”, bác sĩ Tiến nói.

Với trẻ 5-8 kg, phụ huynh chỉ nên cho uống thuốc hạ sốt dạng gói hoặc siro, loại 80 mg. Trẻ 10-15 kg có thể dùng thuốc có loại 150 mg và 250 mg cho bé đã trên 20 kg.

Trẻ lớn hơn có thể tự uống thuốc thì dùng viên nén. Tùy theo độ tuổi và cân nặng của các thành viên, mỗi gia đình có thể cân nhắc, lựa chọn loại thuốc phù hợp. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo tổng liều hạ sốt sử dụng không quá 60 mg/kg/ngày.

Ngoài các loại thuốc, những dụng cụ sơ cấp cứu phòng tai nạn sinh hoạt như đứt tay, vật sắt nhọn đâm, trượt ngã không thể thiếu. Bạn nên mua sẵn bông gòn, băng gạc, nước muối sát trùng, nẹp, 2 nhiệt kế dùng để đo hậu môn ở trẻ và nhiệt kế truyền thống, máy đo huyết áp nếu gia đình có người tiền sử bệnh này. Ngoài ra, trong mùa dịch, nước sát trùng tay là không thể thiếu trước khi tiến hành các bước sơ cứu.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-vat-dung-can-co-trong-tu-thuoc-gia-dinh-post1133304.html