Những vần thơ 'lửa' nơi ngục tù Côn Đảo

Bình minh những ngày tháng 7 ở Côn Đảo thật đẹp, Cầu tàu 911, khu Chuồng bò, Hầm xay lúa, những nhà tù năm xưa vẫn còn đó, thật khó tin là cũng bầu trời này, mặt đất này, hơn 40 năm về trước chỉ có tù nhân và những kẻ coi tù với bao khổ đau, thù hận.

Quá khứ đã khép lại, cánh cửa nhà tù cũng khép lại. Côn Đảo hôm nay đã không còn là "Địa ngục trần gian" mà trở thành một điểm du lịch tâm linh, một trong những Di tích lịch sử quốc gia mà bất kỳ ai cũng muốn đến để tìm hiểu, tận mắt chứng kiến những mất mát, đau thương nhưng rất đỗi tự hào, cùng nhau nhìn về quá khứ để thấy diện mạo của cha ông mình thủa trước, đây là bài học "Uống nước nhớ nguồn", bài học vượt qua muôn vàn thử thách, bài học về phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.

Nghĩa trang Hàng Dương luôn nở đầy những nhành hoa tím, những rặng dương vi vu trong gió như đang hát những khúc ca về những người cộng sản trung kiên. Trong 103 năm (1862-1975), có khoảng 20 nghìn tù nhân là những chiến sĩ cộng sản đã hy sinh tại Côn Đảo.

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của nhiều Anh hùng - Liệt sĩ.

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của nhiều Anh hùng - Liệt sĩ.

Cho tới nay, Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo mới tìm kiếm và quy tập được khoảng 1.900 hài cốt, trong số đó có 709 mộ có tên tuổi, quê quán, còn lại là mãi mãi vô danh. Đã có những câu thơ về Côn đảo, về Nghĩa trang Hàng Dương:

Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ…
Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận
Hết lớp này, lớp khác dập lên trên
Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên
Không bia mộ và không tên, không tuổi…

Trong những người nằm đây có nhiều tấm gương hy sinh lẫm liệt như Cao Văn Ngọc, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh … Còn có cả những đảng viên, cán bộ trung kiên của Đảng như cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Anh hùng lực lượng vũ trang Lưu Chí Hiếu… nhưng nổi lên trên tất cả vẫn là hình ảnh Võ Thị Sáu, người liệt nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ. Vì vậy, chẳng có gì là quá khi ai đó nói rằng, Côn Đảo chính là "Bàn thờ thiêng của Tổ quốc".

Sau khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên Việt Nam, ngày 1-2-1862, Thống đốc Nam Kỳ Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân. Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp, Trại Bagne 1, Bagne 2, Bagne chính, Bagne phụ cùng 20 hầm đá biệt giam, chuồng cọp, hầm xay lúa, khu đập đá…

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ tiếp quản lại Côn Đảo từ tay thực dân Pháp và Bagne 1, Bagne 2, Bagne chính, Bagne phụ đã được đổi tên thành Trại cải huấn Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Thọ. Tiếp đó, Chính quyền Sài Gòn xây thêm 4 trại mới theo kiểu chuồng cọp bằng bê tông cốt thép, mái brôximăng, đó là các trại 5, trại 6, trại 7, trại 8 và sau này là các trại cải huấn Phú Phong, Phú An, Phú Bình và Phú Hưng. Còn 2 trại khác chúng đang xây dở thì Hiệp định Paris được ký kết và dư luận báo chí, Quốc hội Mỹ phản đối nên chính quyền ngụy phải bỏ dở kế hoạch thi công.

Ngoài những trại giam chính còn có những trại khổ sai khác là Trại giam Hòn Cau, Cỏ Ống, Bến Đầm, Lò Vôi, Chuồng Bò, Lò Gạch, Trại Sở Muối là nơi có hàng vạn chiến sĩ yêu nước bị giam cầm, tra tấn, trong đó có những tên tuổi lừng lẫy như: Các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, các đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng …

Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất, khắc nghiệt nhất với nhiều nhục hình, đói khát, bệnh tật, chính vì thế nó được ví như "Địa ngục trần gian". Thế nhưng Côn Đảo đã được những người tù cộng sản biến thành trường học và "Địa ngục trần gian" trở thành vườn ươm của các thế hệ cách mạng Việt Nam.

Những gì còn sót lại nơi đây là bằng chứng sinh động về tâm hồn thanh cao của người cộng sản. Trong nỗi đau tột cùng về thể xác và tinh thần, giữa chốn ngục tù tăm tối, những chiến sỹ cách mạng ấy vẫn làm thơ, viết báo, vẫn tổ chức học lý luận, biểu diễn văn nghệ; chị em phụ nữ vẫn may vá thêu thùa...

Những năm tháng sống trong lao tù ấy, những chiến sĩ Cộng sản đã thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của mình bằng những vần thơ mang ngọn lửa của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng bất khuất. Những vần thơ được viết bằng máu, hay tỉ mẩn dùng móng tay cậy từng tí vữa để khắc lên tường ở khắp những xà lim, chuồng cọp, buồng giam.

Khi giam các chiến sĩ trong các xà lim này, vì sợ họ tìm cách trốn nên bọn quản giáo đã khám xét rất kỹ lưỡng, chúng không để tù nhân giấu mang theo bất kỳ một vật cứng và sắc nhọn nào. Để có những dòng thơ trên, những người tù đã phải dùng móng tay cạy từng tí vữa trên tường ngày này qua tháng khác, chẳng biết mất bao thời gian để khắc được một bài thơ.

"Chúa đảo" rất sợ những dòng lưu bút trên tường tác động tới tinh thần đấu tranh của những người tù chính trị, nên đã thường xuyên kiểm tra rồi cho người dùng hắc ín, dùng vôi quét để xóa đi những dòng chữ đầy khí phách của những người cách mạng. Những vần thơ tô đậm tinh thần kiên trung, bất khuất ấy đã bị hoen mờ...

Côn Đảo - từ “địa ngục trần gian” đến thiên đường du lịch.

Tại Nhà trưng bày hiện vật của Khu di tích - nơi trước kia là dinh thự của các "Chúa đảo" còn lưu lại một bức ảnh ghi lại một câu thơ rất cảm động viết nguệch ngoạc, xiêu vẹo bằng máu "Máu ta quý cả hơn vàng, Tổ quốc cần đến sẵn sàng ta dâng". Còn ở trại Phú Sơn, sót lại trong các xà lim những dòng thơ mặc dù chữ còn, chữ mất nhưng mang đậm tâm hồn Việt Nam, mang ý nguyện bao đời của cha ông:

Tại xà lim số 12:

Máu xương Côn Đảo vô vàn
Đất thiêng Côn Đảo nghĩ thương giống nòi..

Tại xà lim số 5:

Nhắn nhủ cùng ai đến chốn này.
Không nề lao khổ với đắng cay.
Ba tấc roi mây tung máu nóng.
Một phen lao lý đúc gan này...

Tại xà lim số 6:

Đây Côn Sơn hòn đảo kiên cường.
Mấy chục năm rồi nhuộm máu xương.
Kìa hỡi vong linh bạn tù.
Về đây đón Tết, Tết quê hương

... ... ...

Tại Xà lim số 9:

Trời hải đảo sóng gầm muôn hận tủi.
Đất Côn Sơn gió thét giận căm hờn.

Từ trong những khám sâu, hầm kín hồn thơ thoát ra niềm mơ ước cháy bỏng, chứa chan bầu nhiệt huyết chẳng bao giờ nguội lạnh. Những âm điệu đó vang lên, là phương thuốc hiệu nghiệm cho bản thân những người tù khi quyền sống và quyền làm người bị tước đoạt. Đây đã trở thành dòng máu tinh thần được truyền cho khắp các tù nhân khác.

Gần một nửa thế kỷ đã qua đi, những dấu tích lịch sử còn lại quá ít, một phần do thời gian đã xóa đi, một phần do công tác bảo quản, tôn tạo. Bên cạnh đó là sự thiếu ý thức của một số du khách khi đến thăm khu di tích lịch sử, đã tùy tiện vạch tên mình và viết những dòng vô nghĩa đè lên những câu thơ đầy nhiệt huyết của các bậc ông cha.

Cùng với công việc sưu tầm và bảo quản những dòng lưu bút là công tác tìm kiếm tác giả của những vần thơ trên. Mặc dù Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo đã tốn khá nhiều công sức, nhưng vẫn chưa có kết quả. Đã có rất nhiều đoàn cựu cán bộ tù Côn Đảo trở lại thăm đảo, thăm lại nơi đã từng giam giữ, đầy ải mình, thăm lại những người đồng chí, đồng đội đang nằm lại nơi này.

Nhìn lại những gông cùm, xiềng xích, những dụng cụ đã từng tra tấn mình và nhất là khi đọc lại những vần thơ "lửa", những người tù năm xưa đã không thể nén nổi xúc động. Trong xà lim tối tăm, bị cùm kẹp nhưng những vần thơ vẫn luôn tỏa sáng, ánh sáng của tâm hồn lạc quan, bay bổng, ánh sáng cùa niềm tin chiến thắng vào ngày mai.

Những vần thơ lửa đã hun đúc dòng máu nóng cách mạng, thể hiện tinh thần thép để giữ vững khí tiết người cộng sản chân chính, và cũng chính vì vậy mà người cộng sản được nhân dân tin yêu, quý trọng. Nó giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về tình yêu Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội, về lòng kiên trung, bất khuất trước bạo ngược, cường quyền và cái giá của độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Cần có phương thức bảo quản, giữ gìn, tái tạo những vần thơ lửa của một thời hào hùng, đó không chỉ là mong muốn, mà còn là một nhiệm vụ của thế hệ hôm nay.

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-van-tho-lua-noi-nguc-tu-con-dao-503794/