Những vấn đề 'nóng' cần giải quyết nhanh

Cả ngày hôm qua (30/5) và nửa ngày hôm nay (31/5), Quốc hội tiến hành thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Nhiều vấn đề 'nóng' liên quan đến kinh tế - xã hội đã được các đại biểu tập trung thảo luận.

Giải quyết nhanh và triệt để vấn đề dân sinh

Là đại biểu Quốc hội đoàn An Giang, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Đại học Y Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, nhất là xung đột thương mại Mỹ- Trung đang diễn ra căng thẳng, song nền kinh tế đất nước vẫn đạt những thành tựu hết sức ấn tượng như báo cáo của Chính phủ. Những chỉ số về kinh tế- xã hội khi được công bố thì theo lẽ thường sẽ được xã hội đón nhận.

Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp toàn thể.

Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp toàn thể.

Song nhiều cử tri vẫn hồ nghi, bởi có nguyên nhân niềm tin của người dân bị lung lay nên những cái tốt, tích cực không được tiếp nhận như thông thường. ĐB Hiếu lý giải “Niềm tin người dân bị ảnh hưởng vì thực tế hàng ngày diễn ra xung quanh họ. Chúng ta có thể có nhiều chính sách vĩ mô tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng bức xúc hàng ngày của người dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng. Do đó, những cố gắng bị vài bộ phận nhỏ làm bẩn bức tranh toàn cảnh”.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu dẫn chứng bất cập tại đường tránh Long Xuyên. "Một việc tưởng chừng đạt được hiệu quả nhãn tiền nhưng nếu được giải quyết thỏa đáng sẽ không có việc cách đây vài ngày trạm BOT T2 bị chặn, phản ứng dữ dội. Khởi công đường tránh Long Xuyên và có giải pháp tháo gỡ về trạm BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của cử tri, mong Chính phủ rà soát.

Cuộc sống không bao giờ hoàn thiện, điều hành kinh tế - xã hội cũng vậy, song cũng như ĐB Nguyễn Lân Hiếu, một số ĐB cũng cho rằng, bên cạnh các chỉ số tăng trưởng về kinh tế, giá như các chỉ số về “xã hội” liên quan đến những vấn đề dân sinh mà người dân quan tâm, thậm chí bức xúc thì bức tranh kinh tế- xã hội sẽ hoàn thiện hơn.

Yếu kém giáo dục phải được khắc phục

Phiên thảo luận diễn ra trong bối cảnh bê bối thi cử ở một số địa phương như Sơn La, Hà Giang đang làm nóng nghị trường, cạnh đó học sinh đã bắt đầu kỳ nghỉ hè, các em học sinh khối PTCS đang chuẩn bị thi lên PTTH, nên vấn đề giáo dục tại phiên thảo luận càng nóng hơn. Nêu bức xúc của cử tri về gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ GDĐT xử lý nghiêm việc gian lận thi cử.

Đồng thời, cần chỉ ra thiếu sót trong kỳ thi và chỉ rõ trách nhiệm cụ thể vì không thể nói lỗi hoàn toàn thuộc địa phương khi gian lận xảy ra ở nhiều tỉnh. Vì ĐB cho rằng, nếu phúc tra trên cả nước, tôi tin còn nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Liên quan đến công tác giáo dục- đào tạo, ĐB Hiếu cho rằng, trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi), chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục, nhưng trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục đơn giản là nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường.

Còn BĐ Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thẳng thắn cho rằng ngành Giáo dục vẫn được coi là một khoảng tối trong xã hội hiện nay. Theo ĐB Cương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GDĐT chỉ loay hoay với những vấn đề mà dường như ít đem lại kết quả cho mục tiêu phát triển giáo dục đã đề ra.

Cụ thể, nhiều sáng kiến về cải cách, tuy nhiên, trong khi chưa đạt được thành tựu gì rõ ràng mà sai phạm vẫn tiếp tục nảy sinh. Tiếp xúc với cử tri, nhiều cử tri phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích, cho thấy người dân không yên tâm và mất niềm tin trong giáo dục. “Thử hỏi giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu, khi mà vẫn còn tình trạng tiêu cực trong xã hội vẫn còn nặng nề, vẫn còn tình trạng thị trường chứng chỉ văn bằng giả rất sôi động”- ĐB Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn.

Về những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, BĐ Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, ngành giáo dục- đào tạo vẫn chưa thấy hết những hệ quả tệ hại mà những sai phạm, gian lận của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 gây ra. Sự việc đó khiến dư luận vô cùng bức xúc, xã hội mất niềm tin. Theo ĐB Cương, là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng nên nhưng Bộ GDĐT không kiểm soát được, ngay cả khi xảy ra sai phạm Bộ cũng không phát hiện được mà do nhóm thầy giáo ở Hà Nội phát hiện và tố giác, khi đó Bộ mới vào cuộc.

Không nâng cao chất lượng đào tạo nghề khó cạnh tranh

Trên góc độ lao động, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho hay, về phát triển doanh nghiệp (bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, động lực quan trọng để tăng trưởng), số liệu cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ, nhưng “tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động”.

Bên cạnh đó, năm 2018, có 165 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động thì có tới 90 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động; “cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường”. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98,3% số doanh nghiệp cả nước. Trong tổng số doanh nghiệp kê khai thì chỉ có 40% doanh nghiệp có lãi…

Liên quan đến chất lượng lao động, theo ĐB Hoàng Quang Hàm, năng suất lao động tăng qua các năm, nhưng chất lượng lao động còn bất cập. Hết năm 2018 nền kinh tế có khoảng 54 triệu lao động, nhưng có 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lên. Điều này cho thấy, chất lượng lao động đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng, nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu cần có giải pháp đột phá.

Tự chủ y tế đừng để người dân thêm gánh nặng

Quan tâm đến việc thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) nêu rõ, hiện nay hệ thống bệnh viện công đang đảm nhận khoảng 90% số lượng khám chữa bệnh cho các tầng lớp nhân dân. Đây là lực lượng chủ yếu của ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng là thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội nên rất được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư.

Thực tế, Bộ Y tế là một trong những bộ tiên phong đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp với mục tiêu đổi mới tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước giảm dần bao cấp tới ngân sách nhà nước, nhưng vẫn bảo đảm nhiệm vụ thực hiện các chính sách về an sinh, xã hội. Các địa phương cũng ban hành chương trình hành động, xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thành chuyển các bệnh viện dần sang tự chủ về tài chính.

Theo ĐB Vũ Thị Nguyệt, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cùng với việc thực hiện thông tuyến về khám chữa bệnh đã thay đổi nhận thức của nhiều đơn vị, từng bước phát huy tính năng động của từng đơn vị, không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước mà chủ động bằng nhiều biện pháp khác nhau như đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tuy nhiên theo ĐB Nguyệt, quá trình thực hiện vẫn nảy sinh, bất cập từ chính sách cho tới thực tế. Cụ thể, Chính phủ và bộ ngành Trung ương vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng bộ để thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế. Gần đây nhất là ngày 19/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế.

Tuy nhiên, đối với các bệnh viện còn lại chưa có văn bản hướng dẫn nào. Điều này dẫn đến các đơn vị y tế còn lúng túng, chưa thống nhất được cách hiểu, cách làm, mỗi đơn vị làm một kiểu dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-van-de-nong-can-giai-quyet-nhanh-91913.html