Những vấn đề nghiên cứu và xây dựng hoạt động giáo dục cho HSSV

Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) là một môn khoa học (sẽ là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới), do vậy việc nghiên cứu khái niệm, xác định đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp luận và ý nghĩa môn học có vai trò quyết định đến sự phát triển của khoa học GDQPAN.

Ảnh: Hội thao GDQP-AN học sinh các trường THPT lần thứ I năm 2017 tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Việt Hà

Ảnh: Hội thao GDQP-AN học sinh các trường THPT lần thứ I năm 2017 tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Việt Hà

Môn học GDQPAN và những hoạt động giáo dục - Trải nghiệm

GDQPAN là quá trình sư phạm tổng thể, có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch, phối hợp thống nhất giữa nhà giáo dục (giảng viên, giáo viên) tới đối tượng giáo dục (HSSV) nhằm giúp HSSV nắm vững những tư tưởng, quan điểm về chiến tranh cách mạng của Đảng; xây dựng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; phát triển các kỹ năng quân sự cần thiết để sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Với tiếp cận là quá trình sư phạm tổng thể, GDQPAN bao gồm 2 quá trình bộ phận cấu thành, đó là: Quá trình dạy học và quá trình giáo dục trải nghiệm quân sự, an ninh. Hai quá trình đó có mối liên hệ biện chứng, tác động hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục đã xác định.

Thiếu tướng.TS. Phạm Đức Tú - Vụ trưởng Vụ GDQP-AN, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Việt Hà

Dạy học là quá trình có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch; phối hợp thống nhất giữa hoạt động của người dạy (giảng viên, giáo viên) và hoạt động của người học (HSSV); với chức năng trội nhằm trang bị hệ thống kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng, phát triển tư duy sáng tạo, hình thành năng lực quân sự cho HSSV.

Giáo dục trải nghiệm quân sự, an ninh là quá trình có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch; phối hợp thống nhất giữa hoạt động của nhà giáo dục (giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý SV) và đối tượng giáo dục (HSSV); với chức năng trội nhằm hình thành tư tưởng, quan điểm về chiến tranh cách mạng của Đảng, xây dựng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin vào chiến thắng, vào đồng chí đồng đội, sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quá trình dạy học và quá trình giáo dục trải nghiệm quân sự, an ninh đều chứa được cấu thành từ các yếu tố trong mối quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau gồm: Mục tiêu, yêu cầu; nội dung, chương trình; hình thức, phương pháp; phương tiện kỹ thuật dạy học; nhà giáo, và HSSV và kết quả giáo dục.

Học sinh thi đội hình đội ngũ tại Hội thao GDQP-AN học sinh THPT toàn quốc lần thứ II năm 2017. Ảnh: Việt Hà

Trong đó nhà giáo, nhà quản lý giáo dục và HSSV là hai chủ thể tác động qua lại với nhau biến quá trình GDQPAN vốn là yêu cầu khách quan bên ngoài chuyển thành kết quả giáo dục trong nhân cách HSSV và ngược lại HSSV là chủ thể tiếp nhận tích cực biến quá trình giáo dục thành “tự giáo dục”, thành sản phẩm “trong chính HSSV”.

Tuy nhiên, giữa dạy học và giáo dục trải nghiệm quân sự, an ninh có những đặc điểm khác nhau. Sự khác nhau được thể hiện ở mục tiêu nội dung, phương pháp hình thức, kết quả, hoạt động của chủ thể giáo dục, hoạt động của đối tượng giáo dục và chức năng trội của mỗi quá trình.

Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu

Cũng như các bộ môn khoa học khác, GDQPAN cũng có đối tượng nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu của GDQPAN là nghiên cứu quá trình hình thành, vận động phát triển, những quy luật (tính quy luật) trong hoạt động GDQPAN cho HSSV; nghiên cứu mối quan hệ hữu cơ tác động lẫn nhau giữa các yếu tố của quá trình tổng thể GDQPAN và quan hệ giữa các thành tố của các quá trình bộ phận: quá trình dạy học, quá trình trải nghiệm QS, AN.

Học sinh thi thực hành nội dung băng bó cứu thương tại Hội thao GDQP-AN học sinh THPT toàn quốc lần thứ II năm 2017. Ảnh: Việt Hà

Mặt khác, GDQPAN còn nghiên cứu mối quan hệ tác động của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại v.v.. đối với quá trình GDQPAN cho HSSV.

Môn học GDQPAN bao gồm các nhiệm vụ chủ yếu sau: Nghiên cứu quá trình hình thành, vận động, phát triển GDQPAN; Nghiên cứu những luận cứ khoa học trong quản lý giáo dục về các chủ trương, đường lối, chính sách về GDQPAN; Nghiên cứu việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá môn GDQPAN.

Nghiên cứu những vấn đề về đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các nguồn lực đầu tư, kinh phí cho GDQPAN; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong GDQPAN; Nghiên cứu những vấn đề về hình thành nhân cách người chiến sỹ trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm GDQPAN.

Nghiên cứu những vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; Nghiên cứu về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDQPAN; Nghiên cứu về sự chống phá của các thế lực thù địch đối với HSSV.

Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu môn học

Phương pháp luận: Nghiên cứu GDQPAN dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật, biện chứng lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm về giáo dục, về quốc phòng, quân sự, an ninh của Đảng, tiếp cận hoạt động dạy học, hoạt động hình thành nhân cách người chiến sỹ của HSSV trong GDQPAN.

Phương pháp nghiên cứu GDQPAN thường sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau: Quan sát, tọa đàm, phỏng vấn, nghiên cứu tài liệu, điều tra bằng phiếu hỏi, nghiên cứu sản phẩm hoạt động; Phương pháp thực nghiệm sư phạm; Phương pháp tổng kết kinh nghiệm sư phạm.

Học sinh thực hành thi kỹ thuật vận động trên chiến trường. Ảnh: Việt Hà

GDQPAN liên quan đến nhiều ngành khoa học khác, song cơ bản liên quan trực tiếp tới các ngành như: Triết học Mác – Lê nin; Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; Hồ Chí minh học; Khoa học quân sự; Khoa học an ninh; Khoa học kỹ thuật quân sự; Giáo dục học quân sự; Tâm lý học quân sự; Tâm lý học lứa tuổi.

Yêu cầu về kiến thức đối với HSSV

GDQPAN là môn học lồng ghép đối với học sinh tiểu học, THCS; môn học chính khóa đối với HSSV các trường THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học giúp HSSV nắm được những kiến thức lý luận về đường lối, tư tưởng, quan điểm về quốc phòng, quân sự, an ninh trong chuẩn bị và tiến hành chiến tranh cách mạng của Đảng, xây dựng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có kỹ năng quân sự cần thiết để sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, không lơ là, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Trên cơ sở những kiến thức, kỹ năng ban đầu đã đạt được giúp HSSV có lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy lòng yêu nước, sống có ý thức, có kỷ luật, có nền nếp, chấp hành nghiêm pháp luật, ý thức trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, xây dựng tình đoàn kết gắn bó trong tập thể.

Để học tốt môn học, đòi hỏi HSSV cần nắm vững quan điểm, tư tưởng của Đảng, tích cực học tập, tự học, tự rèn, vượt qua khó khăn, biết ghép mình vào tập thể mới đạt được kết quả cao.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nhung-van-de-nghien-cuu-va-xay-dung-hoat-dong-giao-duc-cho-hssv-4017431-v.html