Những vấn đề nảy sinh quanh chuyện bảo hộ lúa mì của Nga

Các nhà phân tích kỳ vọng nông dân Nga sẽ thu hoạch gần 80 triệu tấn lúa mì, một trong những vụ lớn nhất từ trước đến nay.

 Nông dân Nga thu hoạch lúa mì. Ảnh: FT.

Nông dân Nga thu hoạch lúa mì. Ảnh: FT.

Việc Nga nỗ lực hạ nhiệt lạm phát lương thực bằng thuế xuất khẩu cây trồng là tin xấu đối với lợi nhuận của nông dân, mặc dù khiến người trồng lúa mì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục với những đồn điền lớn - ít nhất là vào lúc này.

Nông dân đã trồng ngũ cốc vụ đông và hiện do dự thay đổi kế hoạch vụ xuân vì nhiều người đã mua hạt giống cũng như phân bón trước khi các hạn chế xuất khẩu được công bố vào đầu năm nay.

Chính phủ Nga nhận thấy tổng diện tích cây trồng tăng nhẹ và dù đang ở đầu mùa trồng trọt, các nhà phân tích dự kiến thu hoạch lúa mì gần 80 triệu tấn, một trong những vụ lúa mì lớn nhất từ trước đến nay của nước này.

Câu hỏi lớn đặt ra liên quan tới quy mô của lúa mì vụ đông chủ chốt được gieo trồng vào mùa thu, và một số nhà tư vấn bao gồm SovEcon cảnh báo số lượng gieo sạ có thể giảm.

Nga là nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu, cung cấp cho hơn 100 quốc gia - bao gồm một số nước mua lớn nhất - với ngũ cốc giá rẻ. Vì vậy những thay đổi lớn về nguồn cung có thể gây ra gợn sóng trên thị trường toàn cầu.

Đối với một quốc gia tự hào về việc chuyển từ phụ thuộc vào nhập khẩu cây trồng sang một cường quốc xuất khẩu, các biện pháp bảo hộ cũng đặt ra câu hỏi về sự thống trị của quốc gia này trong tương lai.

Đồn điền lớn hơn

“Chúng tôi không biết nhiều về vụ mùa tới sẽ mang lại những gì", Angelika Melikian, chuyên gia tư vấn của Công ty tư vấn Agritel nói. “Vụ gieo sạ mùa xuân khó có những thay đổi lớn so với những năm gần đây vì nông dân đang gặp nhiều hạn chế”.

Công ty trang trại lớn Ros Agro Plc hồi tháng 2 cho biết họ sẽ cắt giảm lượng ngũ cốc gieo trồng trong năm nay mà không tính toán chi tiết, trong khi Steppe Agroholding, một trong những nhà sản xuất hàng đầu ở miền nam nước Nga, có kế hoạch tiếp tục gieo hạt ổn định.

Một số công ty đã cân nhắc xem xét sự kết hợp diện tích của họ, nhưng điều đó cũng mang tới rủi ro do hạn chế xuất khẩu đối với các loại cây trồng khác, Giám đốc điều hành Steppe Andrey Neduzhko cho biết.

Các loại thuế này nhằm giúp đỡ người tiêu dùng bằng cách giữ giá trong nước ở mức ổn định, nhưng có nguy cơ hạn chế thu nhập của nông dân khi chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi đánh thuế.

Điều đó đặc biệt xảy ra đối với những nông dân nhỏ hơn, những người không giống như các công ty nông nghiệp lớn vì không được che chắn một phần bởi quy mô và sự đa dạng hóa của họ.

Ông Eduard Zernin, người đứng đầu hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc Nga, cho biết những người trồng quy mô nhỏ muốn chuyển sang cây trồng khác trong giai đoạn này sẽ gặp nguồn cung cấp hạt giống bị hạn chế.

Trong khi các kho dự trữ ngũ cốc toàn cầu vẫn khan hiếm, kỳ vọng về những vụ thu hoạch lớn ở Nga và các nơi khác trong mùa hè này đã giúp giá lúa mì tương lai giảm từ mức cao nhất trong nhiều năm được thiết lập vào tháng Giêng. Điều đó có thể thay đổi nếu nông dân Nga cắt bỏ diện tích trồng vào cuối năm nay.

Theo Rabobank, việc tiếp cận thị trường xuất khẩu giảm cũng có thể cản trở sự tăng trưởng dài hạn về sản lượng lúa mì của Nga, vốn đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.

Andrey Sizov, Giám đốc điều hành tại SovEcon, nói: “Chúng tôi bắt đầu cảm thấy những điều tiêu cực đó từ vụ mùa 2022, khi diện tích trồng lúa mì vụ đông giảm từ 5-10%". Ông cho biết thêm, việc gieo sạ vào mùa thu sẽ chứng tỏ “một vụ trồng quan trọng” có ảnh hưởng quyết định tới thị trường lúa mì thế giới.

Hương Lan

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-van-de-nay-sinh-quanh-chuyen-bao-ho-lua-mi-cua-nga-d287309.html