Những vấn đề đặt ra với dự thảo các chương trình môn học (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Bảo đảm các điều kiện dạy và học -Không chỉ băn khoăn về nội dung, phương pháp giáo dục, việc bảo đảm điều kiện cho dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là vấn đề đang được đặt ra, nhất là trong điều kiện thực tế đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn kém xa so với kỳ vọng.

Thiếu cơ sở vật chất

Để đáp ứng được theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới thì hệ thống cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị cần được thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay CSVC, trang thiết bị dạy học đang thiếu, không đồng bộ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều lớp ghép, tạm mượn thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) Lê Đức Dũng chia sẻ: Các trường ở nông thôn thường có nhiều điểm trường, có nơi cách điểm trường chính 4 đến 5 km, điều này khiến học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển đến điểm trường chính để học thực hành. Ngoài ra, để triển khai CT GDPT mới, các địa phương cần bảo đảm đủ CSVC để triển khai học hai buổi/ngày với cấp tiểu học và sĩ số lớp không quá 35 học sinh/lớp.

Thực tế thì các trường tiểu học ở nhiều địa phương đang quá tải về quy mô. Như tại Hà Nội, tỷ lệ trung bình khoảng 40 học sinh/lớp, nhưng có những quận, huyện tỷ lệ vượt quá 50 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, phòng học bộ môn khá khiêm tốn, ở cấp THCS mới đạt trung bình ba phòng/trường; ở cấp THPT đạt năm phòng/trường. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt khoảng 84%, còn xấp xỉ 20% là phòng học cấp bốn, phòng học tạm...

Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) Phan Kim Anh cho hay: CSVC vẫn là rào cản không nhỏ trong quá trình triển khai đổi mới của nhà trường, nhất là tình trạng CSVC đang xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu. Vì vậy, nếu không có sự quan tâm, đầu tư về CSVC sẽ rất khó triển khai áp dụng chương trình mới.

Về vấn đề này, Trưởng phòng GD và ĐT huyện Thái Thụy (Thái Bình) Đỗ Trường Sơn cho biết: Theo CT GDPT mới, một trường quy mô khoảng 16 lớp đòi hỏi phải có sáu phòng bộ môn và 22 phòng học. Nhưng hiện nay, phòng học bộ môn của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, không ít trường phải tận dụng lớp học vừa là phòng học thường, vừa là phòng học bộ môn, do đó, giáo viên và học sinh sẽ rất vất vả trong việc luân chuyển phòng.

Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Thái Bình Đặng Phương Bắc chia sẻ: Hiện nay, nhiều phòng học xuống cấp, do đó có một số trường đạt chuẩn ở chu kỳ trước, thì chu kỳ này có nguy cơ không được công nhận lại. Phần lớn các trường mới đáp ứng được phòng học, còn lại thiếu các phòng phục vụ cho hoạt động. Cụ thể, toàn bộ các trường THPT của Thái Bình không có phòng học Âm nhạc, nếu bây giờ đưa bộ môn này vào chương trình sẽ phá vỡ toàn bộ quy hoạch của các trường. Có chung quan điểm, thầy giáo Đặng Danh Hương, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) dẫn giải thực tế cho rằng: Môn Âm nhạc phải có phòng học riêng bảo đảm về hệ thống âm thanh cho thầy và trò trong việc tổ chức dạy học, nhưng cũng phải bảo đảm âm thanh không làm ảnh hưởng đến lớp học khác. Nếu một tiết học hai giáo viên cùng dạy nhạc chắc chắn là âm thanh làm ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu kiến thức của các lớp học khác.

Theo Bộ GD và ĐT, để triển khai chương trình mới cần phải đầu tư xây dựng bổ sung hơn 57 nghìn phòng học; kiên cố hóa, đầu tư xây dựng thay thế hơn 96 nghìn phòng học. Thực tế hiện nay, cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 15.050 trường tiểu học, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT với gần 15 triệu học sinh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục (ở các vùng đông bắc, tây bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) hiện còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài. Hiện tỷ lệ đáp ứng yêu cầu ít nhất ở cấp tiểu học là 56%; cấp THCS là 55%; cấp THPT là 58%. Về phòng học bộ môn, đáp ứng quy định đạt tỷ lệ 66,8%; cấp THPT đáp ứng quy định đạt tỷ lệ 72,8%. Trong khi đó, số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.

Ngoài ra, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, thiết bị dạy học ngoại ngữ hiện chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên, các hệ thống dạy ngoại ngữ chuyên dùng còn ít, chưa thể đáp ứng được khi triển khai CT GDPT mới. Như vậy, với thực trạng CSVC hiện nay và nhu cầu đầu tư xây dựng, mua sắm khá tốn kinh phí, thì điều kiện bảo đảm chất lượng cho CT GDPT mới vẫn là bài toán nan giải. Trong khi đó, Nghị quyết 88/2014/QH 13 của Quốc hội nêu rõ một trong ba điều kiện tiên quyết là CT GDPT mới phải phù hợp điều kiện CSVC hiện có. Vì vậy, việc xây dựng chương trình với nguy cơ CSVC không đáp ứng được cần phải xem xét lại.

Một tiết học của thầy và trò Trường THPT Yên Dũng 3 (Yên Dũng, Bắc Giang).

Nỗi lo thừa, thiếu giáo viên

Ngoài các điều kiện về CSVC, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại về thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay có môn quá thừa, có môn lại quá thiếu ở các bậc học. Theo thống kê của Bộ GD và ĐT, năm học 2016 - 2017, cả nước có hơn 397 nghìn giáo viên cấp tiểu học, nhu cầu giáo viên để thực hiện CT GDPT mới thừa khoảng 4.000 đến hơn 9.000 giáo viên. Tuy nhiên, ở một số bộ môn như tiếng Anh và Tin học, giáo viên lại thiếu. Hiện cả nước thiếu khoảng 5.610 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học.

Căn cứ vào lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, mỗi năm học sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên mỗi môn. Mặt khác, cấp tiểu học xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thì cấp THCS lại đang thừa. Theo tính toán của Bộ GD và ĐT, năm học 2020 - 2021, đội ngũ giáo viên THCS dư hơn 6.200 người, các năm học tiếp theo thừa 12 đến hơn 21 nghìn giáo viên. Ở cấp THPT, khi thực hiện CT GDPT mới, cả nước sẽ thừa 8.874 người. Tuy nhiên, do bậc học này có hai môn học mới là Âm nhạc và Mỹ thuật, cho nên khi triển khai CT GDPT mới lại phải tuyển khoảng 2.700 giáo viên mỗi môn mới bảo đảm điều kiện.

Phân tích từ thực tế đang quản lý 38 trường tiểu học, 34 trường THCS trên địa bàn, Phó Trưởng phòng GD và ĐT huyện Hưng Hà (Thái Bình) Nguyễn Trọng Văn cho rằng: Mặc dù tất cả giáo viên trên địa bàn đều đạt chuẩn và trên chuẩn, nhưng cơ cấu đội ngũ lại vừa thừa, vừa thiếu, như thừa giáo viên Toán, Ngữ văn; thiếu giáo viên Giáo dục công dân, Âm nhạc. Vì vậy, khi triển khai CT GDPT mới sẽ bố trí cơ cấu giáo viên ra sao với hàng loạt các môn học mới. Bởi khi đội ngũ chưa đáp ứng mà gò ép triển khai chương trình mới thì khó có kết quả giáo dục tốt được.

Giám đốc Sở GD và ĐT Thái Bình Đặng Phương Bắc cho rằng, trong CT GDPT mới, học sinh THPT được quyền học những môn học tự chọn và học sinh được quyền học những môn học tự chọn ở trường khác, đưa kết quả về trường đang học để đánh giá, như vậy cơ cấu giáo viên ở các nhà trường sẽ khó bố trí. Mặt khác, số lượng môn mà học sinh lựa chọn sẽ thay đổi hằng năm, nhiều học sinh đăng ký môn này, năm học sau lại nhiều học sinh đăng ký môn khác sẽ dẫn đến bị rối khi bố trí, điều động giáo viên. Điều đó buộc các nhà quản lý giáo dục sẽ phải thay đổi cách thức quản lý, nếu như trước đây quản lý trong khuôn viên nhà trường thì bây giờ phải quản trị nhà trường một cách mở hơn. Việc quản lý, đánh giá giáo viên cũng phải thay đổi phù hợp với tình hình.

Thực tế cho thấy, nếu Bộ GD và ĐT không đẩy nhanh tiến độ triển khai thì rất dễ xảy ra tình trạng nhiều địa phương sẽ không có quỹ thời gian để chuẩn bị về đội ngũ và CSVC. Ngoài ra, Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục vẫn mang tính chất đại cương, chưa phản ánh sâu những nội dung mà giáo viên cần quan tâm. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần sớm ban hành chương trình toàn khóa, chi tiết hơn để giáo viên có sự chuẩn bị. Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đề xuất Bộ GD và ĐT sớm ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn CSVC, thiết bị dạy học; yêu cầu, tiêu chuẩn về đội ngũ; cơ chế tài chính cho công tác mua sắm bổ sung CSVC, thiết bị dạy học, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ… để phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Các trường đại học, cao đẳng sư phạm phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Có thể nói, dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được coi là những bước đi cụ thể hóa để đưa chương trình mới vào thực tiễn dạy học. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Điều đó đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục có những phân tích, tiếp thu và sớm đưa ra giải pháp xử lý bảo đảm chương trình giáo dục phổ thông mới có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu, điều kiện cũng như chất lượng khi triển khai đổi mới giáo dục.

* Bài 1: Băn khoăn môn tích hợp

----------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 5-3-2018.

QUỲNH NGUYỄN và GIANG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/35716102-nhung-van-de-dat-ra-voi-du-thao-cac-chuong-trinh-mon-hoc-tiep-theo-va-het.html