Những vấn đề đặt ra trong lập lại trật tự đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Bài 3: Hài hòa giữa giữ gìn trật tự đô thị và bảo đảm an sinh xã hôịĐể đưa trật tự đô thị (TTĐT) vào nền nếp, ngoài các chiến dịch ra quân, chính quyền TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình, đề án lớn trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, nhằm từng bước giải quyết những vấn đề mấu chốt, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu về trật tự đô thị và an sinh xã hội.

Phố Nguyễn Văn Chiên (quận 1, TP Hồ Chí Minh) được thí điểm tổ chức bán hàng rong, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán tập trung, khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng, hè đường. Ảnh: TÙNG QUANG

Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, để giữ được sự bền vững của trật tự lòng, lề đường, quan điểm của thành phố là kiên quyết xử lý hành vi vi phạm, nhưng không “đẩy, đuổi” người bán hàng rong. Để đạt được sự đồng thuận của người dân, thành phố sẽ kiên trì vận động một cách linh hoạt; gắn với việc giải quyết cuộc sống của người dân, nhất là người mưu sinh bằng gánh hàng rong. Đây không đơn thuần là công việc hành chính, mà là câu chuyện về tổ chức đời sống của người dân với mục tiêu nhân văn, nghĩa tình.

Đến nay, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) đã có cơ chế hỗ trợ, sắp xếp đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang buôn bán trên vỉa hè, có hộ khẩu tại quận, theo hướng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vận động chuyển đổi nghề; giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp. Quận cũng đề xuất thành phố cho phép bố trí buôn bán hàng rong tại các khu vực buôn bán tập trung. Đối với các trường hợp không thể bố trí buôn bán, quận sẽ rà soát, đề xuất hỗ trợ, trợ cấp trong khoảng thời gian nhất định để bà con tìm kiếm việc làm mới. Hiện nay, UBND quận 1 đã được thành phố cho thí điểm hoạt động khu buôn bán tập trung theo giờ tại đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp (phường Bến Nghé). Các phường cũng tiến hành khảo sát các tuyến đường có vỉa hè rộng hơn 3 m để đề xuất bố trí cho một số bà con được buôn bán trong phạm vi cho phép. Đối với những trường hợp buôn bán hàng rong từ nơi khác tới, quận sẽ giới thiệu về địa phương để được chăm lo, hỗ trợ.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố tiếp tục đầu tư và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, trong đó tập trung phát triển các chuỗi cửa hàng thực phẩm, siêu thị mi-ni, cửa hàng tiện ích tại khu dân cư, dần dần thay thế các chợ cóc, chợ tạm. Thành phố giao các quận, huyện, thị xã đề xuất cải tạo, thiết kế lại các chợ lớn để bố trí tạm hộ kinh doanh vào một số địa điểm, chọn những tuyến phố hoặc rà soát quỹ đất của người dân hoặc của chính quyền quản lý để lập điểm bán hàng, tiến tới chấm dứt tình trạng bán hàng rong. Trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, quận cũng đang nghiên cứu xây dựng hai mô hình chợ dân sinh để tạo điều kiện cho các hộ dân buôn bán ở vỉa hè vào kinh doanh, tạo thu nhập cho người dân.

Để giải quyết hài hòa giữa việc quản lý TTĐT và bảo đảm mưu sinh của người dân, chính quyền hai thành phố triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm lợi ích của cả người đi bộ và người kinh doanh, buôn bán hai bên đường. Tại Hà Nội, vỉa hè hàng trăm tuyến phố trong nội thành đã được lát lại, tuy còn nhiều hạn chế trong thi công, nhưng nhìn chung đã tạo bộ mặt khang trang, xanh, sạch, đẹp cho đường phố, việc đi lại của người dân được dễ dàng hơn, kinh doanh thuận lợi hơn. Quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đã nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường có vỉa hè bị hư hỏng, xuống cấp, có ổ gà, vật cản… trên địa bàn tất cả mười phường trong quận, để người đi bộ thuận lợi hơn, không phải “né” vỉa hè. Những tuyến đường nào không có chỗ đậu xe, quận và phường tìm khu vực lân cận đó có chỗ đậu xe và giới thiệu cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn từng nhóm từ ba đến năm hàng quán, cửa hàng cùng thuê một bãi đất trống để có chỗ giữ xe.

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang xây dựng sửa đổi quyết định về việc sử dụng các tuyến đường được phép đậu xe, các vỉa hè được phép tạm thời sử dụng với các tiêu chí cụ thể, ở từng khu vực. Sau khi hoàn chỉnh, Sở sẽ lấy ý kiến phản biện, trình UBND thành phố thông qua và sẽ triển khai, công khai đến các quận, huyện. Ở khu vực trung tâm Hà Nội, quận Hoàn Kiếm khai thác diện tích trong khuôn viên các trường học, cơ quan, các ngõ, phố đủ rộng, những khoảng đất còn trống phù hợp. Cho phép để xe máy trên hè đối với 65 tuyến phố có mặt cắt ngang từ 3,5 m trở lên. Trong đó 44 phố, yêu cầu để xe sát tường nhà. 21 tuyến còn lại, yêu cầu để xe sát vỉa ba toa... Về lâu dài, TP Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng dự án điểm đỗ xe mới, đồng thời rà soát, thúc đẩy thực hiện các dự án đã được phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là các bãi đỗ xe ngầm tại khu vực trung tâm thành phố.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

Năm 2018 được thành phố Hà Nội lựa chọn là năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”. Trong đó, công tác quản lý quy hoạch, quản lý TTĐT được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, lấy hiệu quả của công tác này làm “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị các cấp. Về vấn đề này, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá: Công tác bảo đảm trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô đã có đổi mới tích cực, song vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng chí đề nghị, trong năm 2018, các đơn vị quyết liệt hơn nữa trong việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, TTĐT và nâng cao chất lượng quản lý đô thị. Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở và người đứng đầu với nhiệm vụ duy trì, bảo đảm trật tự văn minh đô thị, không để tái diễn các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, quy trách nhiệm những hạn chế, yếu kém cho từng cá nhân cụ thể để tập trung khắc phục.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: Để công tác lập lại trật tự văn minh đô thị đạt hiệu quả bền vững, UBND thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục triển khai quy hoạch không gian của thành phố, trong đó có vấn đề lòng, lề đường phải tốt hơn; công tác quản lý nhà nước phải đồng bộ hơn, nhất là sự minh bạch, chỉ đạo thông suốt từ thành phố đến cơ sở; công việc chỉ đạo của UBND thành phố cần kiên trì, bền bỉ, không được nóng vội, có sự sâu sát nhất định để tạo ra hiệu quả tích cực; phát huy tốt nhất ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia về lập lại trật tự lòng, lề đường. Ngoài ra, cần lấy người dân làm trung tâm và để người dân tự giác thực hiện, kèm theo đó là công tác vận động và tổ chức cuộc sống cho người dân; tăng cường xử lý, chế tài nghiêm minh, rõ ràng; nâng cao vai trò tự quản của người dân. Chủ tịch UBND quận 1 (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thế Thuận đóng góp: Việc tuyên truyền cho người dân không chỉ thông qua văn bản, băng-rôn hay trên các phương tiện truyền thông, mà chính từ những tấm gương của cán bộ, đảng viên. Phải tổ chức các đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh.

Bên cạnh những việc làm trên, chính quyền hai thành phố cần triển khai giải pháp dài hơi để khắc phục những hạn chế về TTĐT. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm đề xuất, cần sớm đẩy nhanh triển khai xây dựng năm đô thị vệ tinh của Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, nhằm tạo việc làm, chỗ ở để thu hút lao động, giảm tình trạng quá tải về dân số, phương tiện tại khu vực đô thị trung tâm. Thành phố cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng dự án điểm đỗ xe mới, đồng thời rà soát, thúc đẩy thực hiện các dự án đã được phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là bãi đỗ xe ngầm tại khu vực trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân. Ngoài xe buýt, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, tàu điện ngầm... Ông Nguyễn Văn Dư, chuyên gia tư vấn cao cấp Dự án Tăng cường năng lực giao thông công cộng Hà Nội góp ý, các thành phố lớn cần ưu tiên đầu tư phát triển giao thông công cộng hơn nữa, tăng cường tuyên truyền để mọi người thấy được lợi ích từ việc sử dụng phương tiện này, từng bước thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Quản lý TTĐT là vấn đề khó, nhất là tại các đô thị đông dân, có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài các đợt ra quân, điều quan trọng nhất là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài để duy trì bền vững những kết quả đã đạt được, xây dựng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đáp ứng những tiêu chí của đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm trong khu vực.

--------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 3-4-2018.

NHỊ HÀ và VŨ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/35987502-nhung-van-de-dat-ra-trong-lap-lai-trat-tu-do-thi-tai-ha-noi-va-tp-ho-chi-minh.html