Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp

Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, những năm qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ cho lao động trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng cho cán bộ quản lý các HTX dịch vụ nông nghiệp.

Nông dân xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) chăm sóc hoa cúc.

Qua đó, từ năm 2013 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 263 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 8.605 lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng cho 1.800 cán bộ quản lý HTX. Mục tiêu chính của việc đào tạo là nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho nguồn lao động phục vụ các mục tiêu đề ra về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài ra, còn tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức xây dựng nông thôn mới cho 1.560 cán bộ trực tiếp tham gia vào việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến thôn, bản và đào tạo tập huấn cho hàng nghìn cán bộ khuyến nông của các thôn, bản.

Nhìn vào kết quả của công tác đào tạo, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp hơn 5 năm qua cho thấy, mặc dù công tác này đã được quan tâm thực hiện, song tỷ lệ lao động nông nghiệp được tham gia đào tạo vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 2 triệu lao động đang trực tiếp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nhưng số người được đào tạo chỉ có 8.605 người, tương đương với 0,4%. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay còn tới 95% số lao động tham gia vào lĩnh vực trồng trọt chưa qua đào tạo, nên việc sản xuất chủ yếu bằng kinh nghiệm trong quá trình sản xuất hoặc tự học hỏi. Vì vậy, năng suất lao động thấp, khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất còn hạn chế. Còn đối với lao động tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi thì hiện nay phần lớn là lao động phổ thông, tận dụng thời gian lúc nông nhàn, vì vậy chỉ có khoảng 5% số lao động làm việc ở các trang trại chăn nuôi là được đào tạo các kiến thức cơ bản về công tác chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi. Trong quá trình đào tạo, gặp phải một số khó khăn, bất cập, như: Trình độ của lao động nông nghiệp đa phần là thấp, nên việc đào tạo phải gắn kết cả 2 phần lý thuyết và thực hành, song cơ sở hạ tầng để phục vụ khâu thực hành còn thiếu, vì thế học viên chỉ được thực hành bằng việc tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất thực tế, chứ không được trực tiếp tham gia sản xuất, nên hiệu quả đào tạo chưa cao. Đội ngũ giáo việc chưa bảo đảm cơ cấu, kỹ năng nghề còn hạn chế, thiếu giáo viên dạy tích hợp cả về lý thuyết và thực hành. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; người lao động chưa nhận thức, đánh giá được vai trò của học nghề để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, nên có tâm lý ngại đi học nghề. Việc phát triển các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp để tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với đào tạo nghề ở các huyện còn hạn chế. Một số huyện còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo cho lao động phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp của địa phương. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương chưa có biện pháp chỉ đạo tích cực trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông nghiệp cũng như tổ chức thực hiện dẫn đến tình trạng xây dựng kế hoạch đào tạo chưa sát với thực tế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh chưa chặt chẽ. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông nghiệp có hạn, nên số lượng và quy mô đào tạo chưa được nhiều.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo cho lao động nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành có liên quan của tỉnh đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và năng lực dạy nghề của các cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn kinh phí để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là lực lượng lao động trực tiếp tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bài và ảnh: Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhung-van-de-dat-ra-trong-cong-tac-dao-tao-nang-cao-chat-luong-lao-dong-nong-nghiep/102567.htm