'Những vấn đề của tuổi trung học'

Sách 'Những vấn đề của tuổi trung học' cung cấp cho độc giả trẻ kỹ năng cần thiết để tuổi teen phát triển lành mạnh ở trường, đồng thời hướng dẫn cha, mẹ cách hỗ trợ các con.

Bị ép đứng lên cân trong một lần tới chơi nhà bạn, bị đuổi ra khỏi lớp vì cười khúc khích không ngừng và truyền giấy nhắn trong giờ học, bị bố mẹ la mắng vì nhận điểm D môn Toán năm lớp 7... là những “cú sốc” tinh thần mà bất kỳ ai ở tuổi trung học cũng có thể trải qua.

Nếu được hỏi “ngưỡng cửa” nào đáng nhớ và đầy ắp kỷ niệm nhất trong cuộc đời cắp sách đến trường, chắc hẳn sẽ không ít người đồng tình trả lời thời cấp hai - thời điểm mà theo tác giả Phyllis L. Fagell nhận xét hormon của chúng sẽ “bùng nổ”.

Hiểu được sự thay đổi trong thế giới của tuổi trung học, cố vấn tâm lý học đường của trường Sheridan (Washington, D.C) - Phyllis L. Fagell - cho ra đời cuốn sách Những vấn đề của tuổi trung học.

 Sách Những vấn đề của tuổi trung học. Ảnh: Huế Trần.

Sách Những vấn đề của tuổi trung học. Ảnh: Huế Trần.

Để tuổi teen phát triển lành mạnh

Mở đầu cuốn sách, tác giả cho rằng thời gian chuyển giao từ tiểu học lên trung học dù chỉ kéo dài vài tháng nhưng sự biến chuyển trong tâm lý của trẻ lại mạnh mẽ như một “cơn địa chấn”.

Với vốn hiểu biết được trau dồi từ việc làm chủ bút của chuyên mục On Parenting (của tờ The Washington Post) và các hội thảo tư vấn trên khắp nước Mỹ về vấn đề tuổi trung học, Phyllis L. Fagell nghiệm ra rằng những vấp ngã trong quá trình chuyển giao là không thể tránh khỏi.

Thế nhưng, hiểu được giá trị của những vấp ngã đó thì không phải ai cũng có thể. Hơn thế, việc cân bằng giữa hỗ trợ con cái và kiềm chế sự nổi loạn trong chúng lại là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với các bậc làm cha, mẹ.

Chẳng ngoa khi coi tâm lý tuổi trung học là một “cơn địa chấn”, bởi đối với hầu hết người lớn, lứa tuổi teen gây nhiều rắc rối và phiền muộn nhất. Nhưng nếu cho rằng đó là thời điểm hoàn hảo để trẻ chủ động trong việc xây dựng nhân cách và tư duy, thì cũng không hề sai.

Trong cuốn sách, tác giả đã chỉ ra 10 kỹ năng cần thiết, trải dài từ kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc tới kỹ năng tư duy, để trẻ ở trung học phát triển lành mạnh: Chọn bạn mà chơi, dàn xếp xung đột, vượt qua bất đồng giữa học sinh và giáo viên, sắp xếp công việc và bài tập, cân nhắc quan điểm của người khác.

Bên cạnh đó, người viết còn lưu ý độc giả những kỹ năng tự hỗ trợ bản thân; tự điều chỉnh cảm xúc; bồi dưỡng đam mê và chấp nhận giới hạn; đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm, lành mạnh và đúng đắn; và sáng tạo, đổi mới.

10 kỹ năng được chia thành các phần tương đối độc lập nhau: Các giá trị và sự chính trực, các kỹ năng xã hội, chuyện học hành, và khả năng tự lập và phục hồi giúp xây dựng nhân cách, khắc phục điểm yếu và cách đương đầu với những rắc rối trong các mối quan hệ xã hội.

Tác giả Phyllis L. Fagell. Ảnh: FBNV.

Hướng dẫn cha mẹ cách hỗ trợ các con

Cột mốc chuyển giao từ nhi đồng sang thiếu niên tạo nên một bước ngoặt quan trong trong cuộc đời. Khi đó, các em sẽ được coi là “trẻ mới lớn”. Xu hướng chung của tất cả chúng ta khi vừa đặt chân đến bất kỳ một ngưỡng cửa mới sẽ là tò mò tìm hiểu về thế giới đó. Trẻ mới bước sang cấp hai cũng không ngoại lệ.

Ở độ tuổi này, các em bắt đầu nhận thức tốt và dần già khám phá ra đam mê của bản thân. Song, cũng không tránh khỏi việc phải đối mặt với nhiều lựa chọn tiêu cực ở trường học cũng như trong cuộc sống.

Tâm lý chung của những đấng sinh thành là luôn đứng ra kiểm soát biến cố của con em mình bằng mọi cách có thể. Nhận thấy điều đó, tác giả thủ thỉ, tâm tình cùng cha, mẹ cách để hỗ trợ các con trong việc tạo ra “kháng thể” trước những áp lực không đáng có.

Một trong những cách nuôi dạy con văn minh ở phương Tây chính là phụ huynh tập trung vào việc quan sát thay vì sắp đặt mọi thứ cho con. Điều này được đưa vào trang sách và trở thành một trong những bí kíp “bỏ túi” mà tác giả muốn dành tặng các bậc làm cha, làm mẹ.

Con cái dù lớn bao nhiêu vẫn cần uốn nắn, chỉ bảo; nhưng cũng không nên quên rằng bước sang cấp hai, chúng đã hoàn toàn đủ tuổi để nắm được những khái niệm cơ bản, thậm chí, còn biết chuyển hướng khi gặp tình huống đang gây bất lợi cho mình.

Những vấn đề của tuổi trung học như một cuốn cẩm nang mà Phyllis L. Fagell muốn dành riêng cho trẻ ở độ tuổi trung học và các bậc phụ huynh có con em ở lứa tuổi đó.

Cuốn sách là sự kết hợp giữa những tư vấn giúp độc giả giải tỏa lo lắng trong vấn đề thường gặp ở tuổi teen và hướng dẫn cha, mẹ cùng con “băng băng” vượt qua giai đoạn thay đổi vô cùng quan trọng này.

Huế Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-van-de-cua-tuoi-trung-hoc-post1202171.html