Những vấn đề cấp bách của ban lãnh đạo mới Hội Nhà văn Nga

Ngày 15 tháng 2 năm 2018, Hội Nhà văn Nga đã tổ chức đại hội lần thứ XV và bầu ra Chủ tịch Hội là nhà văn, Đại tá Nikolay Ivanov. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Vyacheslav Ogryzko về những vấn đề cấp bách đang đặt ra trước ban lãnh đạo mới của Hội Nhà văn Nga nhiệm kỳ 2018-2023.

Phần lớn các nhà văn cần hai điều: 1) họ muốn thường xuyên được xuất bản. 2) có sự bảo trợ xã hội, cụ thể là lương, nhà ở và các khoản trợ cấp khác. Nhưng đó mới chỉ là cái tối thiểu. Còn nhiều lĩnh vực khác có ảnh hưởng tới đời sống của nhà văn. Điều đó có nghĩa là Hội Nhà văn trong một chừng mực nào đấy phải thực hiện chức năng của những cơ quan và tổ chức khác nhau. Vấn đề ở sự ưu tiên. Đương nhiên, đây là tổ chức sáng tạo. Nhưng mặt khác, không ai có quyền chỉ đạo nghệ sĩ viết theo phong cách nào, tuân theo những mệnh lệnh nào. Người nghệ sĩ phải hoàn toàn được tự do lựa chọn đề tài, nhân vật, ý tưởng, bút pháp, v.v...

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng: tự do sáng tác có cần được khuyến khích bằng cách nào đó hoặc được bảo vệ bởi Nhà nước hay các tổ chức công đoàn không? Nghĩa là các nhà văn có cần sự bảo đảm xã hội không? Và nếu cần thì vai trò của Hội Nhà văn ở đây như thế nào?

Có thể, đã đến lúc trao cho các tổ chức sáng tạo những quyền hạn nào đấy và buộc phải đưa chúng vào các ủy ban nhiều thành phần có thể điều chỉnh các vấn đề xã hội liên quan tới những người sáng tác? Liệu ở nước Nga có tồn tại những ủy ban ba thành phần: nhà nước, các nhà tuyển dụng lao động và các tổ chức công đoàn để hình thành các cơ chế hỗ trợ cán bộ không? Và trong một số trường hợp riêng, có nên đưa Hội Nhà văn vào các ủy ban nhiều thành phần này không?

Điều chủ yếu là không quan liêu hóa quá trình này để cho các quan chức văn học trục lợi, còn các nghệ sĩ nghiêm túc lại bị đánh lừa.Không kém phần quan trọng là các khía cạnh bảo vệ nhân quyền. Than ôi, bất chấp những lời tuyên bố hùng hồn, hiện nay vẫn thường xảy ra những biểu hiện gây áp lực đối với một số nhà văn. Ai đó cho rằng cần phải trao những vấn đề này cho các câu lạc bộ văn bút.

Nhưng, chẳng hạn, Trung tâm văn bút Nga thời hậu Xôviết nhiều lần bộc lộ sự hạn chế của mình: Nó o bế các nhà văn này, nhưng lại ra sức chèn ép các nhà văn kia. Vấn đề hiện nay không phải là phân định giới hạn với Trung tâm văn bút mà là thành lập một tổ chức mới nào đó bên cạnh Hội Nhà văn Nga. Có lẽ, cần phải có những quan điểm chung.

Nhưng sẽ không thừa nếu thành lập một ủy ban pháp lý mới. Bất luận thế nào, cần nhanh chóng thu hút sự tham gia của các luật sư có năng lực chuyên môn vào những vấn đề như quyền tác giả, bảo vệ tự do ngôn luận, tự do ý kiến, các vấn đề nhà ở và sinh hoạt, chi trả các khoản trợ cấp khác nhau.

Nhà phê bình văn học Vyacheslav Ogryzko.

Có lẽ, đã đến lúc phải xác định Hội Nhà văn có cần các nhà xuất bản và mạng lưới phát hành sách riêng không, hoặc cần tác động qua lại chặt chẽ hơn với các cơ quan hiện hành. Sau đó, ai phải thực hiện việc quảng bá các cuốn sách được xuất bản? Liệu có cần tổ chức lại các phòng tuyên truyền văn học nghệ thuật đã tồn tại trước đây hay nghĩ ra một cái gì mới? Mà có thể, ngược lại, đã đến lúc cần quan tâm nhiều tới việc giao lưu, ưu tiên phát triển các hình thức câu lạc bộ.

Vấn đề tiếp theo mà ban lãnh đạo mới của Hội Nhà văn cần giải quyết trong thời gian ngắn nhất là kết nạp hội viên. Hiện nay Hội có hơn 8.000 người. Ai cũng biết hơn một nửa là những kẻ không hề liên quan gì tới văn học đích thực.

Trong 15-20 năm gần đây, cả ở Moskva lẫn các địa phương, người ta kết nạp vào Hội Nhà văn bất cứ ai. Có một dạo, người ta trao thẻ nhà văn bạt mạng cho các quan lớn từ các tổ chức khác nhau và các nhà tài phiệt với hy vọng họ sẽ tài trợ và giúp đỡ các nghệ sĩ đích thực. Nhưng thử hỏi có mấy người đã mang tiền tới Hội Nhà văn?

Chẳng hạn, các cán bộ Hội Nhà văn Moskva không giấu giếm rằng hễ gặp khó khăn tài chính là họ kết nạp vào hội hàng loạt kẻ vô danh tiểu tốt; chỉ cần một tiêu chí chính là có nộp két đủ vài chục ngàn rúp hay không. Không có gì ngạc nhiên là Hội Nhà văn, và hơn thế, văn học bị mất giá trầm trọng. Vậy bây giờ phải làm gì? Làm sao thoát khỏi gánh nặng đó? Thanh lọc đội ngũ nhà văn ư? Cải tổ ư? Hay cứ để nguyên như cũ? Đây là những vấn đề cực kỳ khó khăn.

Rõ ràng, đa số những kẻ háo danh, mưu lợi ấy không muốn trả thẻ nhà văn và sẽ chống cự. Nhưng cần phải chuẩn bị đối phó với điều đó và nhanh chóng tiến hành một cuộc cải tổ nào đó. Đồng thời cần làm rõ, liệu có nên giữ lại trong ban lãnh đạo của một số tổ chức khu vực những người đã kết nạp bừa vào hội quá nhiều kẻ bất tài, vô dụng như vậy không?

Dĩ nhiên, Hội Nhà văn Nga không thể tổ chức hoạt động của mình ngoài đường phố hay trong xó bếp của một số nhà văn. Cần có trụ sở riêng của mình. Nhưng ở đây mọi việc không đơn giản. Lợi dụng sự lười biếng và yếu kém của người lãnh đạo tiền nhiệm của Hội Nhà văn, Bộ Văn hóa Nga mấy năm vừa rồi đã tìm cách chiếm tòa nhà số 13 của các nhà văn trên đại lộ Thanh niên. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của Nikolay Ivanov, cơ bản vụ cưỡng đoạt đã không thành. Dù sao, gần một nửa tòa nhà vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của các quan chức Bộ Văn hóa.

Phải công nhận rằng dưới thời hậu Xôviết, Hội Nhà văn Nga tồn tại một cách lay lắt. Nó đánh mất hầu như toàn bộ tài sản vốn có từ thời Xôviết. Cuộc sống chứng minh rằng những kẻ tiền nhiệm của Nikolay Ivanov đã phạm nhiều sai lầm. Nhưng có lẽ, một số sai lầm nào đó hiện nay có thể được sửa chữa mà không làm tổn hại tới tài sản riêng của ai đó, đồng thời vẫn được thực hiện hoàn toàn theo đúng pháp luật.

Tại sao ban lãnh đạo mới của Hội Nhà văn không trao đổi với các bên hữu quan, cũng như Bộ Tư pháp về việc trả lại cho cơ quan sáng tạo các chức năng mà đương thời họ đã chuyển cho Quỹ Văn học và Hội Nhà văn quốc tế. Ngay cả việc hiện nay khu biệt thự Peredelkino của các nhà văn thực chất đã biến thành tài sản riêng của vài chục nhà văn cũng là một sai lầm. Khu nhà này xuất hiện trên đất nhà nước, các ngôi biệt thự được xây dựng bằng tiền nhà nước, Hội Nhà văn và Quỹ Văn học. Đã đến lúc cần lấy lại sự công bằng trong những vấn đề này.

Vấn đề Nhà sáng tác ở vùng Maleevka, ngoại ô Moskva còn phức tạp hơn. Ở đấy từ lâu tất cả đã bị mua đi bán lại. Chủ nhân hiện nay của Maleevka, ông German Gref, Giám đốc Ngân hàng tiết kiệm Nga, là một người yêu văn học. Vậy, liệu ban lãnh đạo mới của Hội Nhà văn có thuyết phục được ông Gref vì sự công bằng trả lại hoàn toàn Nhà sáng tác Maleevka cho Hội không?

Và cuối cùng là vấn đề tài chính. Hiện nay Hội Nhà văn Nga hầu như không có khoản thu nào từ ngân sách và các nhà tài trợ. Tất nhiên, đây là điều không bình thường. Hội không thể tiến hành công việc chỉ vì ý tưởng. Rõ ràng, cần một sự hỗ trợ tài chính.

Liệu các nhà nhà văn có hy vọng gì về ngân sách. Xét về mọi phương diện là có. Chúng ta thấy một số tổ chức sáng tác và xã hội tồn tại và phát triển như thế nào. Ví dụ, Hội Lịch sử quân sự chủ yếu sống bằng tiền của Bộ Văn hóa Nga, còn Quỹ Văn hóa Nga mới đây trở thành một cơ quan bán công và do đó cũng được cấp tiền ngân sách. Xét về mặt này, Hội Nhà văn Nga chẳng có gì khác. Tất nhiên, không thể cấp kinh phí cho Hội Nhà văn Nga bằng một khoản riêng từ ngân sách toàn Liên bang Nga. Nhưng ai ngăn cản đưa các khoản như vậy vào ngân sách Bộ Văn hóa Nga hay Cơ quan báo chí và truyền thông đại chúng Liên bang, hoặc một tổ chức nhà nước khác nào đó?

Cần xem xét cả những nguồn tài chính khác. Xin hãy xem Cơ quan báo chí Liên bang hành động khôn khéo như thế nào. Lãnh đạo cơ quan này để tránh bị phê bình là thiên vị, hiện nay không trực tiếp tài trợ cho các nhà văn gần gũi với họ hay các hoạt động cần thiết nào đó. Họ nghĩ ra một viện dịch thuật và qua cơ quan này tài trợ cho các chuyến xuất ngoại sang châu Âu của các nhà văn theo chủ nghĩa tự do và nhiều hoạt động khác. Tại sao Hội Nhà văn không xin Cơ quan báo chí liên bang một phần kinh phí được cấp cho viện dịch thuật và sau đó chuyển sang ủng hộ cho các chương trình của cơ quan sáng tác này?

Tiếp theo, nhiều hoạt động liên quan tới văn học và tuyên truyền việc đọc sách hiện nay được tài trợ thông qua các bộ khác. Tại sao Hội Nhà văn Nga không kịp thời gửi đơn tới các cơ quan này? Tất nhiên, để làm điều đó cần tổ chức lại bộ máy của Hội.

Nói tóm lại, ở nước Nga dù sao vẫn có những nguồn tiền nào đấy, và chính quyền sẵn sàng chi cho văn học. Nhưng tất nhiên, không ai ném tiền cho các cơ quan đến nay vẫn ở trong trạng thái mơ ngủ. Hội Nhà văn phải học được cách xây dựng hệ thống quan hệ công tác với Chính phủ và các cơ quan nhà nước.

Trần Hậu (dịch)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-van-de-cap-bach-cua-ban-lanh-dao-moi-hoi-nha-van-nga-483865/