Những vai diễn khách mời đắt đỏ trên màn bạc

Có những nhân vật chỉ xuất hiện trong một, hai phân cảnh ngắn ngủi, nhưng giúp người diễn viên bỏ túi số tiền cực lớn, thậm chí lên đến hàng triệu USD.

Charlie Sheen trong Scary Movie 5 (2013): Sau vai khách mời là một gã đàn ông bị sốc thuốc Viagra ở phần 4, Charlie Sheen tiếp tục tham gia phần 5 của Scary Movie chỉ thông qua hai cảnh quay ngắn. Một ngày có mặt trên trường quay của Sheen khiến nhà sản xuất phải rút hầu bao 250.000 USD. Bộ phim dở tệ, và màn xuất hiện của tài tử thực sự nhạt nhẽo. Song, Charlie Sheen vẫn ghi điểm với khán giả bởi hành động sau đó. 100.000 USD từ khoản cát-xê được anh tặng cho Lindsay Lohan để bạn diễn trả nợ thuế. 150.000 USD còn lại thì được Sheen chia đều và gửi tới ba tổ chức từ thiện khác nhau.

Ving Rhames trong Mission: Impossible: Ghost Protocol (2011): Bên cạnh Tom Cruise, Ving Rhames là một gương mặt khác xuất hiện trong cả 6 tập Nhiệm vụ bất khả thi. Anh sắm vai Luther Stickell - một người đồng đội tốt của Ethan Hunt. Tuy nhiên, với phần 4 - Ghost Protocol, màn góp mặt của Rhames ngắn ngủi tới nỗi anh không được đề tên trong phần credits. Dẫu vậy, phân cảnh duy nhất ở đoạn cuối bom tấn hành động giúp Rhames bỏ túi tới 7,7 triệu USD! Hồi 2010, trong một cuộc phỏng vấn, Ving Rhames đã nói rằng nhà sản xuất đề nghị chỉ trả 3 triệu USD, nhưng anh muốn giữ nguyên con số 7,7 triệu USD như hợp đồng ban đầu, bằng không tài tử sẽ rời khỏi thương hiệu.

Jesse Eisenberg trong Camp Hell (2010): Năm 2007, tài tử lập dị nhận lời giúp đỡ một người bạn khi vào vai khách mời có thời lượng dài chưa tới 5 phút trong Camp Hell, và đồng ý nhận khoản thù lao tượng trưng 3.000 USD. Tuy nhiên, khi bộ phim được phát hành dưới định dạng băng đĩa, tên tuổi và hình ảnh của Eisenberg xuất hiện như thể anh sắm vai chính. Nam diễn viên 36 tuổi quyết định đâm đơn kiện Lionsgate cùng Grindstone, và đòi bồi thường 3 triệu USD. Vụ kiện thực tế đến nay chưa ngã ngũ. Nhưng nếu được xử thắng, Eisenberg sẽ nhận được số tiền bằng với kinh phí của toàn dự án!

Julia Roberts trong Valentine’s Day (2010): Valentine’s Day là dự án điện ảnh hợp tuyển, bao gồm các câu chuyện nhỏ cùng diễn ra vào ngày lễ Tình nhân, với sự góp mặt của nhiều ngôi sao. Một trong số đó là Julia Roberts. Trong phim, “người đàn bà đẹp” chỉ xuất hiện đúng 6 phút, nhưng nhận thù lao lên tới 3 triệu USD. Trung bình, cứ mỗi giây Roberts xuất hiện trên màn ảnh, chị nhận tới 8.000 USD! Tuy nhiên, ê-kíp Valentine’s Day có lẽ cũng không có gì phải phàn nàn khi bộ phim sau đó thu hơn 400 triệu USD toàn cầu.

Michael Biehn trong Alien3 (1992): Bên ngoài loạt bom tấn AlienTerminator, sự nghiệp của Michael Biehn không mấy khởi sắc. Do đó, anh rất háo hức được trở lại phần 3 sau thành công của Aliens (1986). Tuy nhiên, dự án trải qua rất nhiều thay đổi về mặt nội dung. Từ chỗ là vai chính, nhân vật Hicks của anh gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Đoàn phim đề nghị sử dụng một hình nhân thay thế cho tình tiết cái chết của Hicks, nhưng Biehn từ chối và dọa kiện. Cuối cùng, anh chỉ cho phép ê-kíp dùng một hình ảnh cũ của mình, kèm theo một khoản tiền 6 chữ số chưa bao giờ được các bên tiết lộ.

Sean Connery trong Robin Hood: Prince of Thieves (1991): Nhân vật Richard Sư Tử Tâm của huyền thoại Sean Connery trong bộ phim về Robin Hood (Kevin Costner) chỉ có đúng hai phút xuất hiện với bốn câu thoại, và thậm chí còn không được đề tên trong phần credits. Song, nam diễn viên người Scotland đã nhận được 250.000 USD từ hai ngày quay ngắn ngủi. Sau đó, Connery quyết định dùng toàn bộ số tiền này đi làm từ thiện.

Marlon Brando trong Superman (1978): Huyền thoại Marlon Brando ký hợp đồng nhận vai Jor-El - cha của Siêu Nhân (Christopher Reeve) - vào năm 1975, với mức thù lao 3,7 triệu USD, kèm theo 11,75% từ lợi nhuận sau đó của bộ phim. Tuy nhiên, đạo diễn Richard Donner muốn thực hiện Superman Superman II cùng lúc, khiến quá trình ghi hình kéo dài tới 19 tháng. Cá nhân Marlon Brando cảm thấy chán chường khi tới lượt mình quay, và tỏ ra thiếu hợp tác khi không học thoại, đòi người giơ cue trên trường quay. Sau đó, Superman thắng lớn với doanh thu lên đến hơn 300 triệu USD, và Brando rốt cuộc nhận được 19 triệu USD từ chỉ 12 ngày quay sóng gió. Sau 35 năm, nếu tính cả yếu tố lạm phát, con số lên tới hơn 50 triệu USD, và đây thường được coi là màn cameo đắt đỏ nhất mọi thời đại.

An Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-vai-dien-khach-moi-dat-do-tren-man-bac-post1062557.html