Những ước mơ nhỏ của 'Người đẹp nhân ái'

Dẫu biết cuộc đời không trọn vẹn nhưng có những mảnh đời lam lũ và khiếm khuyết đến không tưởng. Những cuộc đời ấy khiến chúng ta phải thốt lên 'Trời ơi, sao có người khổ đến thế này'.

Cuộc sống còn rất nhiều người không may cần được chia sẻ

"Những giấc mơ nhỏ" được đánh giá là một dự án đặc biệt trong chương trình "Người đẹp nhân ái" tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 đang diễn ra. Dự án "Những giấc mơ nhỏ" thành công bởi nó không chỉ thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia và tinh thần nhân ái của các thí sinh Hoa hậu Việt Nam mà còn lan tỏa đến trái tim của rất đông khán giả. Như chia sẻ của bà Phạm Kim Dung (Phó trưởng BTC cuộc thi): "Dự án không đặt nặng giá trị vật chất mà BTC muốn tập trung vào giá trị tinh thần, những giấc mơ nhỏ nhưng chứa đựng giá trị hạnh phúc lớn lao".

Các thí sinh đẹp hơn mà không cần son phấn

Những câu chuyện ở Trung tâm điều dưỡng thương binh ở vài tỉnh - thành, nơi các thí sinh hoa hậu Việt Nam 2018 ghé qua, khiến khán giả chú ý. Đó là câu chuyện của ông Trần Ngọc Bảo, người đàn ông đã sống ở trung tâm 41 năm qua với sự cô đơn. Tâm lý không ổn định, ông không còn nhớ gì về người thân, gia đình. Trung tâm đã nỗ lực nhiều năm tìm lại gia đình cho ông nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Hay câu chuyện của ông Trần Hữu Diến, người đang sống tại Trung tâm điều dưỡng thương binh ở Nghệ An, tuy đầu óc minh mẫn nhưng cơ thể lại bị tê liệt đến 95%, không nói được, không đi lại được và sinh hoạt hằng ngày phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Hậu quả từ đợt sốt rét khi đi bộ đội từ năm 1970 (lúc mới 19 tuổi). Điều gây xúc động nhất là khi nhắc đến người mẹ đã mất, ông khóc nấc lên như đứa trẻ.

Những câu chuyện nhân ái truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Câu chuyện tiếp theo gây xúc động là về chị Nga tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. Chị Nga năm nay 30 tuổi, đi lại bằng 2 đầu gối, bình thường có thể tự chủ được công việc vệ sinh nhưng ăn uống phải có người phục vụ tận giường. Chị Nga có bố bị liệt nằm ở khoa tổng hợp. Giây phút được gặp bố của mình, chị Nga hồn nhiên cười trong niềm hạnh phúc mà kế bên là người chị của mình đang nghẹn lòng vì xúc động. Các thí sinh hoa hậu gồm Đinh Phương Mỹ Duyên, Phan Cẩm Nhi, Trần Tiểu Vy xin phép bác sĩ để đưa chị Nga về thăm ngôi nhà cũ, thắp hương cho mẹ và em trai. Đứng trước bàn thờ mẹ, chị Nga chợt thốt lên: "Mẹ ơi, con nhớ mẹ" khiến cả trường quay đều xúc động. Chuyến về thăm nhà là món quà ý nghĩa nhất mà các thí sinh dành tặng chị Nga.

Câu chuyện của nhân vật thứ 4 khiến thí sinh Trần Tiểu Vy, người trực tiếp tiếp xúc tìm hiểu đã bàng hoàng và phẫn nộ đến không kìm được nước mắt. Chị Phương – một người phụ nữ nhỏ thó, bị co quắp chân tay, động kinh vì di chứng chất độc da cam. Nỗi đau thể xác có lẽ không bằng nỗi đau tinh thần khi chị bị hàng xóm cưỡng hiếp có thai, rồi chối bỏ không một lần đoái hoài và đứa con trai nay đã gần 18 tuổi. Người con đi làm ăn xa nên 2 mẹ con cũng ít có cơ hội gặp nhau. Thí sinh Trần Tiểu Vy bày tỏ mong muốn dành tặng cho chị 1 món quà. Ước nguyện của chị thật nhỏ bé là tặng cho bé Cường (con chị) một bộ quần áo mới và 2 mẹ con được có chung một bức hình vì từ trước đến giờ, cả gia đình chị Phương chưa có tấm ảnh chung nào.

Có những người, cuộc đời họ là một chuỗi những mất mát

Những câu chuyện của các thí sinh hoa hậu, chẳng phải lớn lao gì vì đã có hàng vạn người biết đến những hoàn cảnh có khi cơ cực hơn thế này. Nhưng nó đủ sức để truyền cảm hứng cho người xem hay ít nhất là cho những người trẻ như các thí sinh hoa hậu hiểu được giá trị cuộc sống không chỉ nằm ở nhan sắc mà còn là tình thương, sự sẻ chia. Như chia sẻ của giám khảo Trác Thúy Miêu: "Khi niềm vui trong ánh mắt người thương binh hắt sáng lên gương mặt của các em, dù không trang điểm nhưng lúc đó rất đẹp. Cảm xúc của các em mới là điều đẹp nhất, vượt qua cả ngoại hình".

Thùy Trang, ảnh: viết Quý

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nhung-uoc-mo-nho-cua-nguoi-dep-nhan-ai-20180906090430715.htm