Những tỷ phú vùng biên cuốc đất, bám rừng thu tiền tỷ, xây nhà sắm ô tô

Nơi đất đỏ Tây Nguyên có huyện Đức Cơ (Gia Lai) từng một thời gian khó không có lấy một căn nhà đúng nghĩa, ấy vậy mà giờ đây mọc lên biết bao nhà tầng biệt thự được người dân xướng tên 'làng tỷ phú'.

Đức Cơ là một huyện miền Tây của tỉnh Gia Lai. Huyện nằm cách thành phố Pleiku 50 km. Phía Tây của huyện là đường biên giới Việt Nam - Campuchia.

Hơn chục năm về trước nơi đây nghèo khó xác xơ, tìm mỏi mắt không thấy một ngôi nhà đúng nghĩa. Từ những bản làng nghèo khó, chỉ trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, bà con đã tập trung lao động, biết tích lũy để làm giàu, nhiều biệt thự vườn liên tiếp mọc lên như chứng tỏ sự giàu sang của một vùng nông thôn mới. Nhiều đứa con của buôn làng đã biết trồng cao su, cà phê, tiêu, điều… để trở thành tỷ phú.

Làng Poong (xã Ia Dơk) có ông Rơ Mah M’rao (60 tuổi, dân tộc J’rai), một trong những tỷ phú đầu tiên ở xã và là người đầu tiên trong làng sắm két sắt đựng tiền. Người đàn ông sở hữu khối tài sản gồm 20ha cao su tiểu điền, 3ha cà phê đang thu hoạch, 5 sào lúa nước 2 vụ, hơn 20 con bò, ngôi nhà 3 tầng trị giá hơn 2 tỷ đồng, một xe Huyndai Tucson 5 chỗ ngồi mới mua hơn 1 tỷ đồng, một xe du lịch Toyota 12 chỗ ngồi, một xe tải…

Vợ chồng tỷ phú Rơ Mah M’rao bên chiếc xe ô tô tiền tỷ.

Vợ chồng tỷ phú Rơ Mah M’rao bên chiếc xe ô tô tiền tỷ.

Mỗi buổi sáng thức dậy, gia đình ông lại thu hơn chục triệu đồng từ các nguồn trên chính mảnh đất của mình. Bình quân mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, ông còn khoảng 1,5 tỷ đồng. Ở làng Poong không nhà nào không có đất, ít cũng có 3 đến 4ha đất, nhiều thì hàng chục ha. Nhờ chịu khó làm ăn và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê, tiêu, điều và cao su nên đời sống của người dân ngày một khá giả. Trong số hơn 230 hộ của làng, chiếm đến 2/3 hộ khá và giàu.

Chia sẻ với báo Nông thôn Việt Nam, ông Rơ Mah M’rao lý giải nguyên nhân giàu lên của người dân nơi đây: “Có nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất là giữ được đất. Ngày xưa, lúc còn đói khổ, nhiều người mang đồ đạc dưới xuôi đến đây bán. Bà con ai thấy cũng thích, nhưng không có tiền mua, họ bảo mình bán đất, họ mua, vừa có đồ dùng, lại có tiền xây nhà, tiêu xài. Bà con nghe bùi tai, nghĩ đất mình bỏ hoang, có làm được đâu, thế là bán. Rất nhiều nhà ở các làng khác đã bán hết đất, trở thành trắng tay”.

Nhờ bám lấy đất đai, người dân kiên trì ở lại, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế bằng việc làm công nhân cho các nhà máy, làm thuê rồi sau đó về nhà tự trồng cây, chăm quả. Sau những tháng năm chăm chỉ vất vả, những nông dân nghèo dần trở thành những triệu phú.

Anh Rơ Mal Brao (dân tộc J'rai) là người đi đầu trong việc khai hoang, vỡ hóa đất đồi dốc để trồng cao su tiểu điền. Sau nhiều năm đầu tư công sức, đến nay, gia đình anh có 13 ha cao su, trong đó 8 ha đã cho khai thác mủ, mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra gia đình anh còn có thu nhập từ 4 ha cà phê và gần 10 ha điều.

Trong làng còn rất nhiều hộ có từ 5 đến 7 ha cao su đã cho khai thác. Họ đã chủ động phát triển kinh tế, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa.

Không chỉ làng Poong, huyện Đức Cơ còn là nhà của biết bao vị đại gia khác.

Tỷ phú Kpui Chel ở làng Grôn.

Tỷ phú Kpui Chel (39 tuổi, Đội phó Đội 10, Công ty 75) ở làng Grôn, bộc bạch với báo Sài Gòn Giải Phóng: “Ngoài chăm sóc, khai thác 2ha cao su nhận khoán, vợ chồng mình còn trồng thêm 4ha cao su tiểu điền, 1,4ha cà phê, 2ha mì, 300 trụ tiêu, 2 hồ cá… Thu nhập một năm từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Có tiền, mình đầu tư cho các con ăn học, xây nhà và mua sắm các vật dụng sinh hoạt; đặc biệt mình mới mua chiếc ô tô gần 300 triệu đồng để đi làm và thỉnh thoảng chở vợ con đi chơi phố xá, hội hè cho vui. Ở làng mình nhiều người cũng có thu nhập cao, như vợ chồng Rơ Lan In, Rơ Lan Lim…”.

Vị già làng Pui Bưa kể lại: “Cách đây hơn 5 năm, người dân vùng biên giới này nghèo lắm, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đất đai tuy nhiều nhưng nhìn đâu cũng chỉ thấy cỏ dại do bà con chưa biết tận dụng tốt quỹ đất để phát triển kinh tế gia đình. Đang mãi loay hoay tìm lối thoát nghèo thì dân làng chúng tôi được bộ đội các công ty: 72, 74, 75, 715… của Binh đoàn 15 đến tiếp sức, vừa tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vừa tuyển dụng con em địa phương vào làm công nhân để giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên vùng biên giới. Hiện nay làng không còn hộ nghèo đói, khoảng 30% hộ trung bình khá, số còn lại là hộ khá và giàu. Ngoài nhận khoán vườn cây, nhiều gia đình đã trồng thêm từ 2 - 5ha cao su, 3 - 5ha điều và cà phê, mì… và thu nhập trung bình mỗi năm từ 150 - 300 triệu đồng, có nhà lên đến cả tỷ đồng”.

Tỷ phú Ksor Găn cùng vườn tiêu.

Còn ở làng Chan có vị tỷ phú Ksor Găn (33 tuổi- dân tộc J’Rai). “Vụ thu hoạch này, riêng cây tiêu cũng thu về khoảng 100 triệu đồng. Ngoài nhận khoán 3ha cao su, nhà mình còn trồng thêm 2ha cao su, 1ha mì và 5 sào cà phê… Năm 2015, gia đình mình có doanh thu trên 800 triệu đồng. Vợ chồng mới xây căn nhà to, đẹp nhất làng và mua 6 xe máy tay ga để đi làm và đi chơi”, anh Ksor Găn khoe.

Người dân huyện Đức Cơ khó lòng có đượcc ngày hôm nay nếu thiếu vắng sự giúp đỡ hỗ trợ của nhà nước. Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ tự hào chia sẻ với Nông nghiệp Việt Nam: "Huyện biên giới Đức Cơ cách đây 10 - 15 năm, nghèo lắm, nhờ có chính sách của nhà nước, các đơn vị làm kinh tế về đây hướng dẫn bà con canh tác, sản xuất. Nhờ vậy mà đẩy lùi được cái đói, dần tiến lên khá, giàu. Hiện nay rất nhiều làng đồng bào giàu có, thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm như thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, làng Poong, xã Ia Dơk, làng Grôn, xã Ia Kriêng… Đây là điều mà đồng bào dân tộc thiểu số chưa bao giờ dám mơ tới”.

Cuộc sống của người dân huyện Đức Cơ đã giàu lên trông thấy.

Bá Di (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-ty-phu-vung-bien-cuoc-dat-bam-rung-thu-tien-ty-xay-nha-sam-o-to-a435060.html