Những tuyển tập truyện ngắn kéo bạn ra khỏi cơn lười đọc sách

Những tuyển tập truyện ngắn kéo bạn ra khỏi cơn lười đọc sách

Nhà văn người Mỹ Lorrie Moore có một ví von rất thú vị, rằng nếu những cuốn tiểu thuyết là một cuộc hôn nhân thì truyện ngắn cũng giống như một cuộc ngoại tình vậy. Những cuộc ngoại tình văn chương vừa đủ để giải tỏa những mỏi mệt tâm trí, vừa là cách tuyệt vời để bạn học cách “yêu lại từ đầu” với ngôn từ bởi chúng không chỉ là cơ hội giúp bạn khám phá nhiều phong cách thể loại và tác giả khác nhau, mà còn không chiếm của bạn quá nhiều thời gian. Hãy cùng Đẹp điểm qua những tuyển tập truyện ngắn đến từ nhiều nền văn chương lớn và tìm cho riêng mình một cuộc tình mới.

Cuộc đời yêu dấu” (Alice Munro): Khi mỗi người đều có một câu chuyện để kể

Hiếm có nhà văn nào đoạt giải Nobel văn chương chỉ từ viết truyện ngắn, nhưng Canada Alice Munro là một ngoại lệ. Munro là một người kể chuyện bẩm sinh, với cách quan sát chi tiết và sự dửng dưng ngoài cuộc. Mỗi câu chuyện trong tuyển tập truyện ngắn “Cuộc đời yêu dấu” có thể thâu tóm hầu như cuộc đời của nhân vật, thông qua một chi tiết tình cờ nào đó: người chuyển đến thị trấn khác, người đến một bữa tiệc, người trở về từ Thế chiến xuống sớm hơn một bến tàu…

Nhiều nhà phê bình văn học nhận định nếu chỉ có thể đọc một tuyển tập truyện ngắn duy nhất của Alice Munro, “Cuộc đời yêu dấu” chính là cuốn sách người ta cần tìm đến. Ở đó, thị trấn nhỏ bé nơi Munro sinh ra và lớn lên ở vùng hồ Huron trở thành một trọng tâm, một điểm quay vòng, nơi người ta rời đi và quay về, nơi cuộc sống có thể cứ thế quẩn quanh, ngày này qua tháng khác. Nhân vật trong “Cuộc đời yêu dấu” ở mọi độ tuổi, mọi ngành nghề, kẻ ngây thơ tổn thương với tình yêu đầu, kẻ giàu có nhưng không hạnh phúc… Munro từng nói rằng bà nghiện quan sát, cùng với sự nhạy cảm tính nữ và ngòi bút khoan dung không phán xét, những câu chuyện – hay cũng chính là cuộc đời “bình thường” Munro kể đọng lại trong tâm trí người đọc như những nốt trầm của cuộc sống.

Giá đâu đó có người đợi tôi” (Anna Gavalda): 12 truyện ngắn về nỗi buồn đô thị

Nữ nhà văn Anna Gavalda ngay lập tức gây tiếng vang trên văn đàn Pháp với tập truyện ngắn mỏng manh nhưng đầy uy lực, “Giá đâu đó có người đợi tôi”. Tựa sách đồng thời là tên của một trong 12 truyện ngắn thuộc tuyển tập gợi tả chân thực bao trùm những câu chuyện qua lời kể của Anna Gavalda: bảng lảng kiếm tìm điều gì đó… có lẽ là một tình yêu, một mối liên hệ, một cuộc sống mới, một lối ra khỏi sự buồn chán… bất cứ điều gì giúp định nghĩa đời sống tinh thần của một con người. Ví như anh lính trẻ trở về từ quân ngũ trên chuyến tàu đến ga Nancy khăng khăng tin rằng mình chẳng cần ai cả, nhưng khi tàu đến sân ga trống trơn, anh đã bật lên tiếng thì thầm, rằng giá đâu đó có người đợi mình.

Anna Gavalda có cách rất riêng lột tả những cảm xúc phức tạp được đẩy lên cao trào của nhân vật bằng ngôn từ, dù đó là tình yêu, dục vọng, khát khao hay sự đơn độc. Những câu chuyện của Anna Gavalda giản dị, nhưng đầy tính thời đại, nơi một cuộc hẹn hò lãng mạn có thể kết thúc bằng sự thất vọng tầm thường, một mối quan hệ ngoài luồng có thể ám ảnh cuộc hôn nhân rất lâu về sau. Những truyện ngắn trong tuyển tập “Giá đâu đó có người đợi tôi” hầu hết đều khá ngắn cùng ngôn từ cô đọng và lời thoại chân thực, đặc trưng phong cách nữ tác giả thành công người Pháp này.

Những cuộc chạy trốn tình yêu” (Bernhard Schlink): Nghe tác giả “Người đọc” kể chuyện tình yêu

Đúng như tên gọi, 7 truyện ngắn trong tuyển tập “Những cuộc chạy trốn tình yêu” xoay quanh chủ đề tình yêu từ những khía cạnh khác nhau. Tình yêu là chủ đề muôn thuở, nhưng với những nhân vật nam chính trong tác phẩm của Barnhard Schilink, tình yêu vẫn thôi không ngừng thúc đẩy người ta vận động, có người tìm kiếm nó, có người trốn chạy nó, có người khao khát nó, có người coi nó là tội đồ, có người bị nó dằn vặt, có người coi tình yêu là thói quen…

Truyện ngắn của Bernhard Schlink có một mẫu số chung, đó là dù khắc họa chân dung những cá nhân đơn lẻ, ông không bỏ quên tấm phông nền xã hội Đức, những tính cách đặc trưng của người Đức, cách họ yêu và sống và hoài niệm với quá khứ và khao khát hướng đến tương lai. Bernhard kể về tâm tư của những người đàn ông từ góc độ nhạy cảm pha lẫn lạnh lùng đặc trưng. Bernhard Schlink cũng chính là người gây tiếng vang với tiểu thuyết “Người đọc” vào năm 2003 được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.

Một ngày mưa đẹp trời” (Eric-Emmanuel Schmitt): Hành trình kiếm tìm hạnh phúc của những người phụ nữ

“Một ngày mưa đẹp trời” là một cuốn sách của tác giả nam, triết gia, nhà viết kịch nổi tiếng nước Pháp Eric-Emmanuel Schmitt nhưng lại tràn trề tính nữ và sự thấu hiểu đặc biệt tâm tư tình cảm của phụ nữ. Tập truyện mở ra những cuộc hành trình dịu dàng dễ chịu, nơi người đọc có thể “tạm trú” trong những khoảng trời khác.

Khi mơ mộng lúc dữ dội, 8 truyện ngắn trong tuyển tập này khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ ở mọi giao diện và bản thể riêng: một thiếu phụ tận dụng nhan sắc cho sự nghiệp, một cô thợ may say mê văn học, một nàng công chúa hay thậm chí một phụ nữ trung niên cô độc giữa chốn thành thị… Tác giả Eric-Emmanuel Schmitt vốn rất thành công ở thể loại truyện ngắn với ba tập truyện, nhưng tuyển tập đầu tay này dường như là dấu ấn trọn vẹn nhất của nhà văn với sự dịu dàng và khúc triết.

Khó mà tìm được một người tốt” (Flannery O’Connor): Kiếm tìm sự bí ẩn và cảm giác mạnh trong ngòi bút của cây đại thụ truyện ngắn nước Mỹ

Dù được lấy tên từ một ca khúc nhạc đồng quê, tuyển tập truyện ngắn danh tiếng của nữ tác giả tài năng người Mỹ Flannery O’Connor dường như là tổng thể của những mặt đối lập với ca từ dịu dàng thường thấy trong nhạc đồng quê Mỹ: dữ dội, u buồn mà lại lạnh lùng chết chóc, bạo lực hung hãn mà đôi khi lại kì bí mạo hiểm. Màu sắc u tối trong những truyện ngắn của O’Connor tuy vậy rất phù hợp với khung nền chính trị lịch sử miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ, đồng thời tạo điểm nhấn khó quên cho những câu chuyện xoay quanh chủ đề về tôn giáo, xung đột sắc tộc, mối tương quan phức tạp giữa sự sống và cái chết.

Từ đó, bản chất thiện lương phát lộ, con người trở về với bản thể, lòng tốt được tôn vinh và cái xấu bị lên án, những cung bậc đan xen dữ dội của nội tâm hay số phận con người được bậc thầy truyện ngắn Mỹ khắc họa thấu đáo và cuốn hút. Tuyển tập truyện ngắn “Khó mà tìm được một người tốt” là đại diện tiêu biểu của văn học Mỹ thế kỉ 20.

Dạ khúc – 5 câu chuyện về âm nhạc và đêm buông” (Kazuo Ishiguro): Màn đêm có gì mà đẹp đến thế?

Tấm phông nền chủ đạo xuyên suốt những truyện ngắn trong tuyển tập truyện ngắn đầu tiên và duy nhất của Kazuo Ishiguro là âm nhạc và màn đêm, hai nguồn cảm hứng đầy chất thơ và cũng rất bí ẩn. Âm nhạc ngân nga còn màn đêm thì luôn bao la và bí ẩn, giọng kể chuyện của Kazuo có lẽ cũng mang màu sắc lãng đãng du dương như vậy.

Ở đó, có một ca sĩ nổi tiếng hết thời muốn hát trên chiếc thuyền gondola cho vợ mình nghe để cứu vãn cuộc hôn nhân đến hồi be bét của mình, một nhạc công chơi jazz khổ sở vì không có được diện mạo ưa nhìn… Âm nhạc với họ có thể là đam mê, là tù ngục vô hình hay thậm chí là cầu nối đến những mảnh đời và số phận khác nhau, từ đó, biệt tài phơi bày diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật qua ngòi bút Kazuo Ishiguro dần lộ diện. Đây là tuyển tập truyện ngắn duy nhất cho đến nay của tác giả đoạt giải Nobel văn chương 2017 Kazuo Ishiguro.

Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả” (Nora Ephron): Làm quen với tản văn tự sự đầy chất dí dỏm của đạo diễn Nora Ephron

Nhiều người có thể chưa quen với cái tên Nora Ephron, nhưng rất ít ai không biết đến những cuốn phim tình cảm lãng mạn của bà môt thời như “When Harry Met Sally” hay “Sleepless in Seattle”. Đạo diễn, biên kịch tài năng Nora Ephron trên thực tế còn là tác giả của nhiều tập tiểu luận ăn khách với giọng văn dí dỏm và sự am hiểu từng trải đồng thời cũng rất nữ tính và thẳng thắn.

Dù không phải truyện ngắn, nhưng chất tự sự gần gũi của cuốn sách “Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả” hoàn toàn có thể mang lại trải nghiệm tương tự, dù cá nhân hơn. Tác giả kể những câu chuyện chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, từ chuyện bạn bè, gia đình đến chuyện mất trí nhớ tuổi già hay “tai nạn nghề nghiệp”. Nhưng từ đó, một xã hội Mỹ thu nhỏ lộ diện, nơi những giấc mơ có thể vụn vỡ, những hi vọng có thể bị vùi dập, những cuộc tình có thể chỉ là trò đùa, nhưng suy cho cùng chuyện gì cũng sẽ được giải quyết.

Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” (Raymond Carver): Soi chiếu cuộc đời cùng tuyển tập nổi tiếng nhất của bậc thầy truyện ngắn Mỹ

Raymond Carver được người Mỹ coi là bậc thầy truyện ngắn hiện đại bởi nhiều lý do. Hiếm có tác giả nào viết mà như không viết như Carver, bởi những câu chuyện của ông được khắc họa ngắn gọn và chân thực đến trần trụi. Đặc trưng bút pháp của Raymond Carver được hoàn thiện bởi miêu tả tiểu tiết và tập trung chủ yếu vào lời thoại, từ đó bản chất và tương tác giữa những nhân vật phát lộ.

Những cô đơn, buồn bã, những thất vọng hay hi vọng, tình yêu và phản bội, giá trị gia đình và giá trị đạo đức… Carver không bỏ lỡ bất cứ điều gì, nhưng lạ lùng là người ta không hề được báo trước về những điều như vậy khi đọc truyện ngắn của Carver. Đến một lúc nào đó, họ mới vỡ lẽ Carver đang muốn kể về điều gì. “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” là một ví dụ điển hình.

Bài : Vân Anh

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/nhung-tuyen-tap-truyen-ngan-keo-ban-ra-khoi-con-luoi-doc-sach/