Những tướng tài chấm dứt đoạn trường nghìn năm Bắc thuộc như thế nào?

Bậc hào kiệt Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân An Nam chớp thời cơ đứng lên chống ngoại xâm, xóa bỏ cơ bản sự lệ thuộc vào phương Bắc. Không lâu sau nhà nước Nam Hán đem quân xâm lược nước ta, tướng Dương Đình Nghệ anh dũng chống lại. Nhưng đến Ngô Quyền, với chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt đã chính thức chấm dứt đoạn trường nghìn năm Bắc thuộc.

Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán

Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán

Độc lập thực sự, thần thuộc danh nghĩa

Theo thông tin GS Trần Quốc Vượng ghi chép trong một số tư liệu, cuối thế kỷ 9, triều đình Tràng An đổ nát, nạn cát cứ triền miên. Nền thống trị của nhà Đường ở Trung Quốc bị lung lay. Cuối năm 862, quân Nam Chiếu lợi dụng tình hình đó xâm chiếm đất An Nam, quân nhà Đường bỏ thành lui về cố thủ, các hào trưởng địa phương người Việt tự mình đem quân chống lại quân Nam Chiếu.

Sau khi Tiết độ sứ ngoại tộc cuối cùng rời khỏi An Nam, chớp thời cơ chính quyền trung ương nhà Đường rệu rã, hào trưởng vùng Hồng Châu (nay là Ninh Giang, Hải Dương) là Khúc Thừa Dụ được nhân dân ủng hộ đã tiến quân ra chiếm phủ Tống Bình (Hà Nội), xưng là Tiết độ sứ, xóa bỏ thực chất của chính quyền đô hộ.

Theo sách Việt sử thông giám cương mục, họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Còn Khúc Thừa Dụ là người tính tình khoan hòa, thương người nên được dân chúng suy tôn. Ông được xem là người mở đầu chính sách ngoại giao khôn khéo trong ứng xử với triều đình phong kiến phương Bắc. Đó là độc lập thực sự, thần thuộc trên danh nghĩa.

Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ

Khúc Thừa Dụ sau khi nắm được quyền lực thực tế ở An Nam, vẫn giữ danh nghĩa “xin mệnh nhà Đường”, buộc triều đình phương Bắc phải công nhận sự đã rồi. Đến năm 906, Vua Đường phải phong thêm cho chức Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ tước “Đồng bình chương sự”. Con trai Thừa Dụ là Khúc Hạo được cha phong chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ thay thế cha nắm quyền hành Tiết độ sứ.

Tuy còn mang danh hiệu chức quan nhà Đường nhưng thực chất, Khúc Thừa Dụ đã xây dựng chính quyền tự chủ, về cơ bản kết thúc ách thống trị hơn 1 nghìn năm của phong kiến phương Bắc. Ngày 23/7/907, Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo nối nghiệp cha.

Thời Khúc Hạo nắm quyền (907-917), sau đó truyền chức Tiết độ sứ lại cho Khúc Thừa Mỹ. Bấy giờ ở Trung Quốc đang trong thời loạn lạc, một loạt các nước nhỏ ra đời, sử gọi là thời Ngũ đại thập quốc (năm đời mười nước). Sát biên giới phía Bắc nước ta là nước Nam Hán.

Khúc Hạo nhận thức rõ quan hệ bang giao ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh đất nước nên luôn giữ hòa khí tốt với láng giềng. Nhưng đến đời Khúc Thừa Mỹ không kế thừa được kinh nghiệm này. Những cách gọi tên nước bạn thiếu tế nhị, cộng với đó là nhà Nam Hán vốn có mưu đồ bành trướng từ trước nên nhân cơ hội đó, năm 930, Nam Hán đưa quân xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến do Khúc Thừa Mỹ lãnh đạo nhanh chóng thất bại.

Ngô Quyền - vị tướng mở ra trang sử mới dân tộc

Trước tình hình đó, Dương Đình Nghệ, bộ tướng dưới thời Khúc Thừa Mỹ đã đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân vùng lên gành lại độc lập dân tộc. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, Dương Đình Nghệ đã 3 lần đánh đuổi 3 đạo quân lớn của Nam Hán. Lần thứ nhất, đánh bại đạo quân do tướng Lý Khắc Chính; lần thứ hai là đạo quân do Lý Tiến khiến viên tướng này phải hốt hoảng bỏ chạy về nước cầu cứu. Lần thứ ba, tướng Trần Bảo đem quân sang cứu Lý Tiến cũng phả bỏ mạng tại trận, toàn bộ quân lính bỏ chạy thục mạng.

Trong chiến thắng của Dương Đình Nghệ, ngoài chí lớn phải có sự mưu lược. Chẳng hạn năm 931, sau khi lập được chiến công lớn đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, Dương Đình Nghệ bắt tay vào việc xây dựng chính quyền tự chủ, ông xưng là Tiết độ sứ.

Tháng 3/937, Dương Đình Nghệ bị một kẻ phản phúc là Kiều Công Tiễn giết hại. Sau đó Công Tiễn cũng bị con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền trừng trị. Ngô Quyền (897-944) người ở Đường Lâm, Hà Nội. Ông là con của tướng Ngô Mân, châu mục Đường Lâm. Ngô Quyền nổi tiếng trong lịch sử là người có sức khỏe phi thường, chí lớn, mưu cao, giỏi cả võ công lẫn chiến thuật. Theo sử sách, Ngô Quyền “khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc, giơ cao”. Ở tuổi trưởng thành, Ngô Quyền võ nghệ tinh thông và có chí lớn, sau đó đi theo Dương Đình Nghệ và được Dương Đình Nghệ yêu mến gả con gái cho.

Sau khi bố vợ bị Kiều Công Tiễn giết hại, sau một thời gian tập hợp lực lượng, năm 938 Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu (Thanh Hóa) ra Bắc, tấn công thành Đại La, diệt trừ Kiều Công Tiễn. Lúc này quân xâm lược đang ngấp nghé bờ cõi.

Dẹp xong nội loạn, Ngô Quyền họp bàn các tướng lĩnh về kế hoạch chống ngoại xâm. Hào kiệt bốn phương tụ về dưới cờ đại nghĩa của Ngô Quyền, đặt đại bản doanh ở thành Đại La. Sử ghi tại cuộc họp bàn, Ngô Quyền nhận định tướng Hoằng Thao nhà Nam Hán là một tướng trẻ, đem quân từ xa tới đã mệt mỏi, lại nghe tin Công Tiễn bị giết không có người làm nội ứng đã khiếp vía trước rồi. Song địch có lợi thế về thuyền chiến, từ đó Ngô Quyền hiến kế cho quân đóng cọc ngầm ở cửa biển, cọc vót nhọn bịt sắt. Thuyền địch tiến vào khi thủy triều lớn sẽ không phát hiện được, khi đó quân ta sẽ tìm cách chế ngự đợi thủy triều rút.

Vùng cửa sông và hạ lưu sông Bạch Đằng được viên tướng họ Ngô chọn làm điểm quyết chiến. Sông Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc, từ đây địch có thể ngược lên tiến đánh Cổ Loa hoặc Đại La bằng đường sông. Con sông này chảy qua vùng núi non hiểm trở, có nhiều nhánh sông phụ đổ vào. Hạ lưu sông thấp, chịu ảnh hưởng của nước triều khá mạnh, thủy triều lên nửa đêm về sáng, đến gần trưa thì thủy triều rút mạnh, rất nhanh.

Bấy giờ vào cuối năm 938, trời rét, gió đông bắc tràn về, mưa dầm kéo dài gần nửa tháng. Chính trong những ngày ấy, hàng ngàn cây gỗ lim, sến đầu vót nhọn bịt sắt được cắm xuống hai bên bờ sông, đầu cọc chếch về phía nguồn. Theo kế hoạch của Ngô Quyền, trận chiến sẽ diễn ra trong bãi cọc, tướng Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ) chỉ huy đội quân tả ngạn, còn tướng Ngô Xương Ngập (con trai Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đội quân hữu ngạn, phối hợp với thủy quân mai phục sẵn đánh tạt sườn đội hình quân địch và tiêu diệt số quân bỏ chạy lên bờ. Cách đó không xa là đội thủy quân do chính Ngô Quyền chỉ huy chặn đường tiến của địch, chờ khi nước rút sẽ xuôi dòng đánh bại đội hình quân địch.

Lăng Ngô Quyền ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội)

Quả đúng mọi diễn biễn đúng như dự liệu của Ngô Quyền. Đoàn binh thuyền lớn của Hoằng Thao vừa vượt biển vào cửa sông Bạch Đằng đã bị dồn vào trận địa của ta mai phục sẵn. Khi thủy triều rút, bã cọc nhô ra, toàn bộ chiến thuyền của địch chìm xuống biển, hầu hết quân địch bị tiêu diệt, chủ tướng Hoằng Thao tử trận. Chiến thắng Bạch Đằng chớp nhoáng khiến vua Nam Hán đóng quân ngay sát biên giới nhưng không kịp tiếp ứng. Chiến công hiển hách này đã đập tan mưu đồ xâm lược của Nam Hán, tạo cơ sở để Ngô Quyền phát triển chính quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương, chấm dứt hoàn toàn thời kì Bắc thuộc kéo dài hơn nghìn năm.

Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền bỏ chức Tiết đồ sứ, xưng vương, chọn kinh đô của Âu Lạc là Cổ Loa làm kinh đô nước Việt. Ngô Vương bắt đầu tổ chức triều chính độc lập. Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa được 6 năm (939-944). Hà Nội lại khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước. Ngô Quyền mất năm 944.

Hiện nay tại quê hương Đường Lâm có đình thờ và lăng Ngô Quyền. Trong nhà truyền thống tại xã Đường Lâm còn lưu giữ nhiều hện vật quý như rìu đá, cọc gỗ Bạch Đằng. Còn tại TP Hải Phòng, bên cạnh dòng sông Bạch Đằng cũng có những ngôi đền và đình thờ Ngô Quyền.

(còn tiếp)

Hải Lăng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/nhung-tuong-tai-cham-dut-doan-truong-nghin-nam-bac-thuoc-nhu-the-nao-421516.html