Những 'tượng đài máu' trên biên giới Tây Ninh

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, BĐBP Tây Ninh có 125 cán bộ, chiến sĩ đã hóa thân vào lòng đất mẹ; 238 người trở thành thương binh. Vì thế, ở các đồn Biên phòng từ Chàng Riệc đến Xa Mát, Lò Gò, Phước Tân… đều có bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Với người dân Tây Ninh thì đó là những 'tượng đài máu' được tạc nên bởi sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Biên phòng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Bài 1: Vững vàng Xa Mát

Đồn Biên phòng được thành lập đầu tiên ở miền Nam

Mỗi khi lên công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Xa Mát, Tây Ninh, tôi đều ra thắp hương tại bia tưởng niệm các liệt sĩ Biên phòng đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Tấm bia nhỏ, khiêm tốn nằm nép mình dưới cây đa cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát. Cả 14 liệt sĩ đều hy sinh ở độ tuổi còn rất trẻ, phần lớn mới ngoài 20. Trẻ nhất là Binh nhất Nguyễn Vũ Điền, sinh năm 1960, quê ở xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Anh hy sinh ngày 24-11-1978 khi mới 18 tuổi và 8 tháng tuổi quân. Mỗi khi đọc tới dòng tên này, tôi lại thấy khóe mắt mình rưng rưng. Anh còn trẻ quá, có lẽ chưa một lần được cầm bàn tay người con gái. Tuổi thanh xuân của anh và các liệt sĩ Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát đã hóa thành bất tử vì sự bình yên của vùng biên giới Tây Ninh.

Các chiến sĩ trẻ thắp hương tại bia tưởng niệm các liệt sĩ Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát. Ảnh: Đăng Bảy

Ngược dòng lịch sử, trở lại 45 năm trước mới thấy hết được quá khứ hào hùng của những người lính mang quân hàm xanh đầu tiên án ngữ ở vùng biên ải này. Theo Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, cựu cán bộ Đoàn 180 An ninh vũ trang: Ngày 27-1-1973, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam quyết định thành lập Trạm Biên phòng 27 (tiền thân của Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát) và Trạm Biên phòng 73 (Đồn Biên phòng Lò Gò ngày nay) thuộc Đoàn 180, Ban An ninh vũ trang miền Nam. Đây là 2 trạm Biên phòng đầu tiên của miền Nam lúc bấy giờ.

Trạm Biên phòng 27 ra đời với danh nghĩa là CKQT đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Ngoài vinh dự được đón tiếp các vị khách mời tham dự Hội nghị 4 bên, các hội nghị của lực lượng hòa giải dân tộc, Trạm Biên phòng 27 còn có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận giải phóng; bảo vệ, giúp đỡ chính quyền và nhân dân... Sau ngày 30-4-1975, đất nước độc lập và thống nhất, Trạm Biên phòng 27 được bàn giao cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Tây Ninh (nay là BĐBP Tây Ninh) quản lý và đổi tên thành Đồn Công an nhân dân vũ trang Xa Mát...

Anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc

Lúc mới thành lập, đơn vị còn nhiều khó khăn, phần lớn cán bộ, chiến sĩ phải ở nhờ trong nhà dân. Công việc thì bộn bề, anh em vừa chiến đấu, công tác, vừa tranh thủ xây dựng doanh trại. Ngay từ lúc đó, Trạm Biên phòng 27 đã phải đối phó với sự đe dọa, khiêu khích của quân Khmer đỏ. Nhưng với tinh thần tự lực tự cường, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá cao. Đó là đã bảo vệ an toàn khu căn cứ, tham gia chiến đấu, diệt ác, phá kìm, mở rộng vùng giải phóng, giữ vững an ninh trật tự trong địa bàn, phá nhiều vụ án, bắt nhiều toán cướp có vũ trang; giúp đỡ địa phương xây dựng, củng cố chính quyền, đoàn thể cách mạng...

Thiếu tướng Trương Văn Thanh kể lại, cuối năm 1976, quân Pôn Pốt tăng cường các hoạt động khiêu khích, xâm nhập biên giới nước ta. Chúng triển khai một lực lượng quân sự lớn áp sát biên giới đối diện với tỉnh Tây Ninh. Đêm 24, rạng ngày 25-9-1977, chúng đã huy động một lực lượng quân sự quy mô cấp sư đoàn, có pháo binh yểm trợ, đồng loạt tấn công các đồn Biên phòng của Tây Ninh như: Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Phú và Long Phước. Ác liệt nhất là ở khu vực Đồn Biên phòng Xa Mát... Suốt 5 ngày đêm, từ 25 đến 29-9-1977, tuy bị địch bao vây 4 phía trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, công sự bị ngập nước, đạn dược, lương thực cạn kiệt..., nhưng 39 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xa Mát vẫn kiên cường chiến đấu, đẩy lùi 22 đợt tấn công của địch, ngăn không cho chúng tiến quân theo trục đường 22. Trong trận chiến đấu ác liệt này, có 13 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đơn vị cũng đã tiêu diệt 114 tên địch, thu 22 súng các loại. Ghi nhận chiến công anh dũng này, ngày 16-11-1978, Đồn Biên phòng Xa Mát đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, còn có 7 tập thể và cá nhân của đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Tiếp nối truyền thống hào hùng của đơn vị

Tiền thân là Trạm Biên phòng 27, trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát đã không ngừng phấn đấu, giữ vững bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng, tiếp tục cầm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, bám dân, bám địa bàn, vững vàng nơi tuyến đầu biên giới, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cùng với việc giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát còn luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong địa bàn. Làm tốt công tác đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân, giữ vững mối quan hệ hữu nghị với nước bạn Campuchia.

Trung tá Vi Trung Kiên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát cho biết: Những năm gần đây, nhờ biết kết hợp đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng, Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đơn vị đã bắt giữ một vụ vận chuyển 4kg ma túy đá, 3.250 gói thuốc lá ngoại; phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển 68.500 USD, 96.890.000 rial (tiền Campuchia) qua biên giới; một vụ vận chuyển trái phép trên 9.000kg gỗ trắc và nhiều tang vật buôn lậu khác. Với những thành tích trên, năm 2018, đơn vị đã được Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Tây Ninh tặng 10 Bằng khen cho 3 tập thể và 7 cá nhân, được đề nghị tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Nhưng trên hết là cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn phấn đấu, giữ vững bản chất, truyền thống anh hùng của đơn vị, tạo được sự tin yêu, ủng hộ của chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn...

Bài 2: Phước Tân anh hùng

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-mau-tren-bien-gioi-tay-ninh/