Những tục lệ truyền thống của bộ tộc Yoruba

Người Yoruba là một trong những nhóm dân tộc lớn nhất ở châu Phi. Sinh sống tại lục địa châu Phi qua nhiều thế kỷ, cộng đồng người Yoruba tập trung chủ yếu tại phía Tây Nigeria. Vào thế kỷ thứ 8, Vương quốc Yoruba hùng mạnh đã xây dựng các trung tâm đô thị có cấu trúc vững chắc, được tổ chức xung quanh các thành bang hùng mạnh trước khi bị chế độ thực dân đánh chiếm.

Đàn ông và phụ nữ Yoruba. Ảnh: African crafts

Đàn ông và phụ nữ Yoruba. Ảnh: African crafts

Bộ tộc Yoruba có tổng cộng hơn 40 triệu người, sinh sống ở khu vực Tây Nam và phía Bắc Nigeria, một phần phía Nam và Trung của Benin. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, người Yoruba đã di cư sang các nước khác như: Cuba, Cộng hòa Dominica, Brazil, Jamaica, Grenada, Venezuela, Trinidad và Tobago, Saint Lucia. Khu vực người Yoruba sinh sống trải dài từ đồng cỏ đến rừng mưa nhiệt đới. Ước tính hiện nay, dân số của bộ tộc Yoruba tại Nigeria vào khoảng 5,3 triệu người.

Một trong những tục lệ truyền thống quan trọng nhất của bộ tộc Yoruba đó là lễ đặt tên cho trẻ mới chào đời. Tên của trẻ do cha mẹ, ông bà (nội, ngoại) và một số người thân khác đặt cho. Một đứa trẻ Yoruba có thể mang 16 tên khác nhau. Hoàn cảnh xung quanh sự ra đời cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đặt tên cho đứa trẻ. Ví dụ, một bé gái được sinh ra sau thời điểm bà của bé mất sẽ được đặt tên là Yetunde - có nghĩa là “bà đã trở lại”. Bên cạnh đó, khi đứa trẻ được sinh ra, những người có mặt bên cạnh không được nói một từ nào trước khi đứa trẻ cất tiếng khóc. Sau đó, trẻ mới sinh sẽ được tắm, kỳ cọ bằng miếng xơ mướp và được thoa dầu cọ. Người tắm cho trẻ sẽ lắc chân trẻ 3 lần – nghi lễ có ý nghĩa giúp trẻ trở nên mạnh mẽ và dũng cảm khi lớn lên. Những người thân đến thăm trẻ sẽ mang theo số tiền mừng để tặng cho bố mẹ của trẻ.

Phong tục hôn nhân cũng là một vấn đề rất được người Yoruba coi trọng, bởi vì hôn nhân được coi là sự kết hợp không chỉ của vợ và chồng mà của cả hai gia đình và đại gia đình hai bên. Khi phụ nữ và đàn ông Yoruba muốn kết hôn, hai người sẽ xin ý kiến của bố mẹ hai bên. Sau đó, bố mẹ hai gia đình sẽ gặp gỡ nhau và thỏa thuận nhà trai sẽ phải tặng một số vật dụng nhất định để đón cô dâu về. Đám cưới trong cộng đồng bộ tộc Yoruba đều được tổ chức với các bữa tiệc thịnh soạn, ca hát và khiêu vũ cùng màn trao quà cho cô dâu, chú rể. Sau đám cưới, nhà gái sẽ thực hiện nghi lễ rước cô dâu về nhà trai. Khi đến trước cửa nhà trai, cô dâu sẽ rửa chân bằng nước thảo dược và cầu nguyện – nghi lễ nhằm tẩy sạch những điều xui xẻo và có ý nghĩa gia đình sẽ có nhiều đứa con. Trong 8 ngày đầu sau khi kết hôn, cô dâu sẽ ở cả nhà chồng và nhà của cô, đến ngày thứ 9, cô sẽ chuyển hẳn về nhà chồng.

Về phong tục mai táng, những người đàn ông trưởng thành không phải họ hàng gần gũi nhưng thuộc dòng tộc của người quá cố sẽ thực hiện việc chôn cất. Xung quanh việc chôn cất sẽ có nhiều nghi lễ quan trọng nhằm đảm bảo người đã khuất sẽ được tái sinh một lần nữa.

Hiện nay, người Yoruba mặc các trang phục theo phong cách phương Tây tại các khu vực thành thị. Trang phục truyền thống vẫn được mặc trong những dịp quan trọng và ở các vùng nông thôn. Các loại vải truyền thống được in với các thiết kế hình học và màu sắc sặc sỡ. Bộ tộc Yoruba thường ăn các loại củ, ngũ cốc, thực vật giàu tinh bột, trái cây, rau rừng, thịt và cá. Chế độ ăn uống hàng ngày của một gia đình người Yoruba chủ yếu dựa vào sắn, khoai môn, ngô, đậu và rau giá. Một trong những món ăn phổ biến nhất của người Yoruba là fufu (hay còn gọi là foo-foo) – đây là món bánh tương tự như bánh bao, nhưng được làm bằng bột khoai mỡ trắng. Cơm được ăn trong những dịp đặc biệt. Phụ nữ và đàn ông Yoruba thường tham gia vào các nghề thủ công như dệt, thêu, làm đồ gốm, chạm khắc gỗ, da và gia công kim loại. Vải được dệt từ bông trồng tại địa phương. Đàn ông Yoruba cũng hay thêu thùa, đặc biệt là thêu trên áo choàng và mũ lưỡi trai, đồng thời làm thợ may thảm trải sàn và túi đựng chiếu.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuc-le-truyen-thong-cua-bo-toc-yoruba-post441725.html