Những tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết

Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt, bắt đầu từ những nghi thức như hái lộc, xông nhà, lì xì với hy vọng một năm mới an lành, may mắn.

Hái lộc: Người Việt có tục hái lộc. Khi đi lễ đêm 30 Tết trở về, họ hái một cành cây, hoa (gọi là lộc) về cài vào cửa hoặc cắm vào bình hương bàn thờ để có ý xin lộc của trời, phật, thần, thánh ban cho. Cành lộc thường là cành đa, đề, si trước các đình, đền, chùa, miếu. Những cây này thuộc loại cây sống lâu nên người ta mong lộc của trời, phật, thần, thánh ban cho sẽ được bền lâu như vậy.

Xông nhà, xông đất: Tục xông đất đầu năm là một trong những phong tục được lưu truyền đến ngày nay. Người Việt tin rằng việc xông đất có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của gia chủ cả năm. Giờ xông đất bắt đầu từ sau giao thừa trở đi. Người xông đất là người được chọn lựa kỹ để đảm bảo may mắn và thịnh vượng cho gia chủ.

Xuất hành: Xuất hành là ra đi, ra khỏi cổng, đi khỏi đất làng xã mình ở, bất cứ đi đâu, đi có việc gì. Đầu năm, người ta thường kén ngày giờ xuất hành tốt và hướng đi nào có lợi với mục đích cầu mong sự may mắn quanh năm. Người Việt còn có tục trong ba ngày Tết, dù có đi đâu, đến chiều tối cũng phải về. Ý nghĩa của tục này là kiêng có đi mà không có về.

Chúc Tết: Tại các gia đình, sớm mùng Một Tết, sau khi cúng gia tiên và Thổ công, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ. Các cụ ngồi ở nhà thờ để con cháu tới lạy mừng chúc Tết. Lúc này, mọi người đều ăn mặc trịnh trọng với những bộ quần áo đẹp nhất của ngày Tết. Khi chúc Tết các cụ, con cháu thường dâng một món quà Tết (bánh trái) hay một món tiền đặt phong giấy hồng. Tiền này gọi là tiền mở hàng, đem lại may mắn cho các cụ quanh năm. Sau khi nghe chúc Tết xong, các cụ cũng chúc lại những điều tốt đẹp, đồng thời mừng tuổi cho con cháu.

Mừng tuổi, lì xì: Tục mừng tuổi bằng tiền trong lúc chúc Tết của người Việt đã có từ xưa. Tiền mừng tuổi thường được để trong những phong bao giấy hồng và có tiền lẻ với ý rằng tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở, đồng thời đem lại may mắn cho con cháu. Tiền mừng tuổi cũng gọi là tiền mở hàng để lấy may. Bạn bè gặp nhau thường mở hàng cho nhau để cầu chúc sự phát đạt. Người ta thường cất số tiền đó đi để giữ lấy may mắn.

Đi lễ chùa: Phong tục đi chùa là một nét văn hóa của người Việt Nam. Vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Kiều Trang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-tuc-le-khong-the-thieu-trong-dip-tet-post1039264.html