Những tựa phim đặc biệt chỉ dành riêng cho mùa Giáng SinhĐiện ảnh Việt 2013 – Bức tranh lập lòe sáng tôíVì sao phim Giáng sinh của Hollywood thất bại?Nổi bật trong bữa tiệc cuối năm

>> 5 ý tưởng trang điểm cho đêm Giáng sinh>> Makeup như sao trong các bộ phim Giáng sinh>> 31 mẫu tóc ấn tượng cho mùa dạ hội

Không khí nhộn nhịp và ấm cúng của mùa Giáng Sinh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim trong việc khai thác trọn vẹn các khía cạnh cảm xúc của con người. Dù được xem đi xem lại mỗi dịp Giáng Sinh về, những bộ phim kinh điển này vẫn mang lại cảm xúc ấm áp của tình người và tình yêu giữa cái giá lạnh của mùa Đông.

It’s a Wonderful Life” (1946)

It’s a Wonderful Life(“Cuộc Sống Tươi Đẹp”) kể về George Bailey – người đã cống hiến cả cuộc đời cho người dân vùng Bedford Falls – phải chống lại gã nhà giàu gian ác Potter, kẻ muốn thâu tóm cả thị trấn để cai trị. Tất cả tuổi trẻ, hoài bão, ước mơ của George vì thế cứ trôi qua trong nuối tiếc. Cho đến một hôm, đứng trước viễn cảnh cuối cùng Potter sẽ thâu tóm được thị trấn, George quyết định tự tử nhưng một thiên thần tên Clarence được cử xuống để giúp anh. Clarence chỉ cho George thấy, nếu anh chưa từng được sinh ra thì cuộc sống của những người thân của anh sẽ đau khổ ra sao. George nhận ra rằng tất cả những gì mình làm không vô nghĩa và thực sự anh đã có một cuộc sống tuyệt vời.

Bộ phim có sự góp mặt của những tên tuổi điện ảnh nổi tiếng như Lionel Barrymore, Thomas Mitchell, Henry Travers…đưa khán giả vào những cung bậc cảm xúc khác nhau và mang lại nguồn cảm hứng bất tận về cuộc đời.

Bộ phim có sự góp mặt của những tên tuổi điện ảnh nổi tiếng như Lionel Barrymore, Thomas Mitchell, Henry Travers…đưa khán giả vào những cung bậc cảm xúc khác nhau và mang lại nguồn cảm hứng bất tận về cuộc đời.

Home Alone” (1990)

Tuổi thơ của phần lớn thế hệ 8x sẽ kém phần thú vị nếu họ chưa từng xem “Home Alone (“Ở Nhà Một Mình”). Chuyện phim kể về kỳ nghỉ Giáng Sinh của gia đình cậu bé Kevin tại nước Pháp rực rỡ ánh đèn. Tuy nhiên trớ trêu thay trong khi cả gia đình tận hưởng kì nghỉ ở nước ngoài, thì cậu út Kevin vì sự cố hi hữu lại bị “bỏ quên” ở nhà. Trái ngược với sự hoảng hốt của bố mẹ, cậu bé 8 tuổi như được giải thoát khỏi mọi quy tắc kìm kẹp: không phải chia đồ ăn, không bị bắt ngủ sớm, tự do la hét chạy nhảy. Đây dường như là thiên đường dành cho Kevin cho đến khi cậu bé phải đối mặt với hai tên cướp ngu ngốc ngay trong đêm Giáng Sinh.

Điều khiến khán giả mỗi dịp Noel về phải nhất định xem bằng được “Home Alone” có lẽ chính là ở nét tinh nghịch, lém lỉnh và cả những trò đùa tinh quái của Kevin, khi cậu phải một mình đối mặt với 2 tên trộm.

Serendipity” (2001)

“Serendipity” (“Duyên Số”) có nghĩa là “tình cờ”. Tình cờ gặp nhau, tình cờ trao nhau lời hẹn ước, là câu chuyện của hai nhân vật chính trong phim. John gặp Sara khi cả hai đang cố giằng co để mua cho bằng được đôi găng tay nhân dịp Giáng Sinh và rồi cả hai dường như đã trúng “tiếng sét ái tình” chỉ sau một ánh mắt. Để thử vận may cũng như xem đối phương có phải thật sự là một nửa định mệnh của mình không, họ quyết định đánh cược với số phận bằng cách viết số điện thoại của nhau vào một cuốn sách để bán cho tiệm sách cũ, và một tờ tiền dùng để mua kẹo. Thật tiếc, may mắn đã không xảy ra…

Những năm về sau khi quá khứ dần chìm vào quên lãng, John và Sara cũng đang chuẩn bị kết hôn với người khác thì các tín vật năm nào lại trở lại. Liệu những cảm xúc thuở ban đầu có còn vẹn nguyên? Liệu họ có bắt lấy cơ hội thứ hai này hay bỏ lỡ một lần nữa? Bộ phim với diễn xuất tuyệt đỉnh của tài tử John Cusack và nàng Kate Beckinsale xinh đẹp khiến người xem say sưa cùng những thước phim tình cảm với loạt sự kiện xảy ra như sự sắp đặt của duyên số.

Love Actually” (2003)

Kể từ khi ra mắt vào năm 2003, “Love Actually” (“Yêu Thật Sự”) đã trở thành bộ phim Giáng Sinh kinh điển mà ai cũng phải xem ít nhất một lần trong đời. “Love Actually” kể câu chuyện tình yêu của tám cặp đôi với những hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người trong số họ đều vấp phải vấn đề trong cuộc sống và trắc trở trong tình yêu trước lễ Giáng Sinh tại London. Các nhân vật đều có một mối liên hệ nhất định và luôn khao khát tìm kiếm bến đỗ tình yêu, hạnh phúc. Những sắc thái bi, hài, lãng mạn đã thêu dệt nên một bức tranh tình yêu đa sắc màu trong “Love Actually“, giúp khán giả nhận ra giá trị đích thực của tình yêu cũng như truyền tải thông điệp: “Tình yêu luôn ở quanh ta“.

Sở hữu dàn diễn viên tên tuổi như: Hugh Grant, Liam Neeson, Colin Firth, Emma Thompson, Alan Rickman, Keira Knightley và “Mr Bean” Rowan Atkinson, “Love Actually” là một bộ phim lãng mạn thành công, được hàng triệu khán giả yêu mến và ca ngợi.

Elf” (2003)

Buddy (Will Ferrel) là một cậu bé mồ côi vô tình chui vào túi quà của ông già Noel đến Bắc Cực. Tại đây, Buddy được nuôi nấng bởi cha Elf, người mà sau này khi Buddy lớn phải nói cho cha Elf sự thật rằng: anh là một con người. Vậy là, nhận được sự đồng ý của Santa, Buddy lên đường trở về New York để tìm lại nguồn gốc của mình. Nhận thấy con người ngày càng lạnh nhạt với không khí Giáng Sinh, anh quyết tâm thay đổi điều đó.

Bộ phim “Elf” (Chàng Tiên Đáng Yêu) quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như Will Ferrell, James Caan, Bob Newhart, Edward Asner, Mary Steenburgen, Zooey Dechanel… mang đến cho khán giả những tràng cười thoải mái và bài học về cách đối nhân xử thế vô cùng tinh tế đến từ nhân vật Buddy trong quá trình chiếm lấy tình cảm của cha ruột, mẹ kế và người em lạnh nhạt với mình.

Bad Santa” (2003)

Bad Santa(“Ông Già Noel Xấu Tính”) kể về cuộc đời của hai kẻ lừa đảo, chuyên cải trang thành ông già Noel và quỷ lùn để tham gia vào các vụ trộm cướp tại các cửa hàng dịp Giáng Sinh. Nhiều lần, hai gã Willie và Marcus miệng thì hứa sẽ hoàn lương nhưng đến khi có phi vụ béo bở thì lời hứa hôm nào lại gác sang một bên. Sau 7 năm, hai tên cướp ấy gian xảo ấy đã “thanh lý hộ” thành công nhiều món hàng của 7 siêu thị ở 7 thành phố lớn của Mỹ. Tuy nhiên, khi chúng dừng chân ở bang Arizona, mọi chuyện tưởng chừng diễn ra theo đúng kế hoạch cho tới khi bộ đôi gặp một cậu bé 8 tuổi. Đó cũng là lúc Willie và Marcus nhận ra ý nghĩa thật sự của ngày lễ Giáng Sinh và giá trị cuộc đời mình.

The Holiday” (2006)

“The Holiday” (“Nơi Tình Yêu Bắt Đầu”) mang đến câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của hai người phụ nữ xinh đẹp và thành đạt nhưng lại lận đận tình duyên. Nếu như Amanda (Cameron Diaz) có cả sự nghiệp lẫn danh tiếng ở Los Angeles nhưng lại bị phản bội, thì cô biên tập viên Iris (Kate Winslet) hiền lành của một tờ báo nổi tiếng ở London lại bị chính người sếp mình yêu đơn phương “lợi dụng” tình cảm và gần như sụp đổ khi biết anh ta sắp đính hôn trong dịp Giáng Sinh.

Tuyệt vọng trong tình yêu khi lễ Giáng Sinh đang đến gần, hai cô gái quyết định đổi nhà cho nhau qua một ứng dụng trên mạng. Màn “đổi phong thủy” thú vị này đã đưa hai cô gái tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình với hai chàng trai do Jude Law và Jack Black thủ vai.

Bộ phim lấy bối cảnh Giáng Sinh ở hai vùng đất khác nhau, hai con người, hai số phận cuối cùng cũng tìm thấy bến đỗ hạnh phúc của mình sau bao năm kiếm tìm. “The Holiday” là một bộ phim tình cảm ấm áp không thể bỏ lỡ mỗi dịp Giáng Sinh về.

A Christmas Prince” (2017)

Bằng khả năng diễn xuất tuyệt vời của Rose Mclver, Ben Lamb, Tom Knight, Sarah Douglas,…những khía cạnh cảm xúc và cốt truyện hay đã được truyền tải một cách trọn vẹn nhất.

Bộ phim “A Christmas Prince(“Hoàng Tử Giáng Sinh”) kể về một nữ nhà báo, Amber, cải trang thành gia sư để thuận lợi bước vào gia đình hoàng gia của hoàng tử Richard hòng “đào bới” những tin tức mới nhất để viết bài. Ý định của cô đang suôn sẻ thì một ngày nọ, cô gặp được hoàng tử Richard và phải lòng chàng lúc nào không hay. Đồng thời, Amber cũng khám phá ra nhiều bí mật ẩn chứa trong gia đình hoàng gia ấy. Liệu hoàng tử Richard có nhận ra ý định của Amber? Liệu Amber có tiết lộ những bí mật động trời ấy? Chuyện tình của họ sẽ đi về đâu?

Bài : PV

Đầu đã không xuôi…Phim “cầm cờ”, mở hàng của điện ảnh Việt sau mùa phim Tết, rất được khán giả và truyền thông chờ đợi: “Bụi đời Chợ Lớn”. Được dự đoán sẽ bùng nổ rạp chiếu vào dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4, nhưng sóng gió dư luận đã nổi lên thành bão khi bộ phim bị Cục Điện ảnh cấm chiếu – Đây là năm thứ hai liên tiếp điện ảnh Việt có phim bị cấm sau “Bẫy cấp 3” năm 2102. Cũng cần phải nhắc lại là kể từ khi Luật Điện ảnh có hiệu lực từ năm 2006, đến 6 năm sau Cục Điện ảnh mới phải ban hành lệnh cấm đầu tiên như vậy.

Dư luận sôi sục, vì sau lưng “Bụi đời Chợ Lớn” là những cái tên đình đám và có quá nhiều kinh nghiệm làm phim ở Việt Nam: Nhà sản xuất Galaxy, hãng phim Chánh Phương, đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Johnny Trí Nguyễn… thì không có lý gì lại để phim bị cấm như vậy?!

Bản thân Cục Điện ảnh cũng bối rối không kém vì không lường trước được sức ép ghê gớm từ dư luận truyền thông, và mạng xã hội – Những người lúc ấy chỉ biết đến “Bụi đời Chợ Lớn” qua cái trailer. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần cân nhắc, sửa chữa, duyệt đi duyệt lại, thậm chí phải lấy thêm ý kiến từ các tổ chức văn hóa xã hội khác… quyết định cuối cùng vẫn là cấm chiếu dưới mọi hình thức, trong sự hoài nghi ấm ức của dư luận.

Số phận của “Bụi đời Chợ Lớn” đã kết thúc cay đắng bằng một cách không ai muốn. Tổn thất về tinh thần và tài chính rất nặng nề, khi các nhà làm phim mất trắng gần cả triệu đô! Nhiều khả năng nếu “Bụi đời Chợ Lớn” được phép công chiếu, và đạt doanh thu khả quan (gần như là chắc chắn), thì đó sẽ là một cú hích lớn cho thị trường chiếu bóng nội địa và những phim đi sau. Thế mà…

Nhiếp ảnh: Zuki Nguyễn – Trang điểm: Andy Phan – Trang phục: Hugo Boss

… đuôi làm sao lọt!

Chưa khi nào phim Việt lại ngã ngựa hàng loạt trong một năm được kỳ vọng nhiều như 2013. Khi lần đầu tiên sau hơn một thập niên, từ mùa phim hè cho đến cuối năm, số lượng phim sản xuất tăng vọt và tháng nào cũng có ít nhất một phim Việt ra rạp.

Cao điểm nhất là trong 5 tháng hè.Tháng 5 là phim hợp tác Việt-Hàn “Lọ lem Sài Gòn” (đạo diễn Kim Guk Jin – Đỗ Mai Nhất Tuấn); Tháng 6 là “Biết chết liền” (đạo diễn Lê Bảo Trung); Tháng 7 có tới ba phim: “Săn đàn ông” (đạo diễn Võ Quốc Thành – Khánh Ly), “Cát nóng” (đạo diễn Lê Hoàng), “HIT: Hoàng tử và Lọ lem” (đạo diễn Ngô Quang Hải); Tháng 8 là “Đường đua” (đạo diễn Nguyễn Khắc Huy); Và tháng 9 là “Lửa Phật” (đạo diễn Dustin Nguyễn).

Trừ “Cát nóng” là phim nhà nước lời lỗ không quan trọng, 6 phim còn lại đều hoàn toàn đi theo hướng thương mại. Nhưng kết quả đáng buồn là doanh thu của cả 7 phim hè đều không tiệm cận được một nửa số vốn bỏ ra sản xuất, chứ đừng nói là huề vốn. Khó có thể đổ lỗi hết cho việc phải chiến đấu không cân sức với những phim bom tấn hè của Mỹ.

Nhìn ra thị trường phim quốc tế, đã từ lâu nước nào cũng phải học cách “sống chung với lũ”. Bây giờ không quốc gia nào trên thế giới còn muốn tìm cách cạnh tranh với phim Mỹ, mà bản thân họ phải tự phát triển điện ảnh nội địa theo tiềm lực của mình. Ở đây, trừ “Đường đua” và “Lửa Phật” được đầu tư kỹ càng và làm khá chỉnh chu, 5 phim còn lại của các đạo diễn Việt Nam đều được làm rất hời hợt, thủ pháp rất lạc hậu cũ kỹ, thậm chí có phim còn rất ngô nghê… thì khán giả dù có yêu và ủng hộ phim Việt đến mấy cũng đành phải quay lưng, bởi xung quanh họ tràn ngập những bộ phim ngoại nhập chất lượng cao, với quá nhiều sự lựa chọn!

Nếu căn cứ kinh phí theo số liệu do các nhà sản xuất đưa ra: “Lửa Phật” sản xuất khoảng 33 tỷ, “Đường đua” 12 tỷ, “Biết chết liền” 12 tỷ, 4 phim còn lại tính trung bình 5 tỷ/phim thì tổng kinh phí sản xuất là 77 tỷ (muốn hòa vốn, tổng doanh thu chiếu bóng ít nhất phải thu được là 155 tỷ!). Trong khi thực tế các nhà sản xuất chỉ thu về chưa tới 1/7 con số trên. Mức thiệt hại thật không nhỏ đối với một nền điện ảnh thị trường còn quá nhỏ bé như Việt Nam.

Phim mùa thu bắt đầu từ tháng 10 là liên tiếp 2 phim của đạo diễn Việt kiều: “Tiền chùa” (đạo diễn Thiện Đỗ) và “Âm mưu giày gót nhọn” (đạo diễn Hàm Trần). Lịch chiếu quá dày đặc của các phim nước ngoài, cộng với nguyên nhân khách quan khiến 2 phim Việt bất đắc dĩ phải công chiếu cùng ngày. Trong “cuộc chiến giành vé” này, “Âm mưu giày gót nhọn” với câu chuyện tình cảm hài duyên dáng, vui tươi, thủ pháp dàn dựng chắc tay, đã tỏ ra vượt trội “Tiền chùa” – bộ phim đầu tay của một đạo diễn đã ngoài 50 nhưng được làm rất cẩn thận, nội dung ý nhị hóm hỉnh.

Tiếc là việc phải cạnh tranh tay đôi khiến “một kẻ chết và kẻ kia không chết cũng bị thương”. Ở đây, “Âm mưu giày gót nhọn”may mắn được đóng vai “kẻ kia”, nhưng do kinh phí đầu tư cao nên có thể là hòa vốn hoặc lỗ chút đỉnh – tuy nhiên màn “chào sân” đầu tiên của hai đạo diễn Việt kiều là không hề tồi – đặc biệt là đạo diễn Hàm Trần. Bài học đắt giá rút ra ở đây, thị trường quá chật hẹp không đủ cho hai phim Việt có thể đối đầu nhau cùng thời điểm (trừ mùa Tết, mạnh được yếu thua), nếu có thì nên xếp chiếu lệch nhau tối thiểu một tuần hoặc 10 ngày. Bởi cần phải nhìn nhận một sự thật, nếu có hai phim Việt chiếu cùng lúc, khán giả Việt sẽ chỉ cân nhắc chọn một, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay!

Diễn viên Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy – Diễn viên Nhan Phúc Vinh – Anh Khoa – Bộ ba ăn ý của phim “Đường đua”

Tháng 11 có 3 phim, một nhà nước – “Và anh sẽ trở lại” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), hai tư nhân – “Tía ơi!” (đạo diễn Xuân Phước) và “Đại náo học đường” (đạo diễn Lê Bảo Trung). “Và anh sẽ trở lại” tất nhiên chẳng đặt nặng tính lời lỗ. Khán giả gần như không quan tâm phim này, còn báo chí truyền thông thì có chú ý, nhưng về bộ phim thì ít mà râm ran nhiều về việc đạo diễn là con của một quan chức lớn ở Cục Điện ảnh, và phim này được làm từ kinh phí tài trợ cũng của Cục!

Phim “Tía ơi!” giống như kiểu… phim truyền hình, chỉ được phát hành ở một số rạp với số xuất chiếu hạn chế, mặc dù có sự góp mặt của danh hài Hoài Linh. Còn với “Đại náo học đường”, Lê Bảo Trung là đạo diễn duy nhất có hai phim chiếu trong năm 2013. Sau khi thử nghiệm bất thành với bộ phim kinh dị “Biết chết liền”, anh đã quay trở lại với đề tài sở trường hài nhảm, và “Đại náo học đường” trở thành bộ phim hiếm hoi trong năm 2013 không thua (hòa vốn và có lời chút đỉnh)

Mùa phim lễ hội tháng 12 được đánh dấu bằng sự rút lui khôn ngoan của phim “Quả tim máu” (đạo diễn Victor Vũ). Nhà phát hành Galaxy rút kinh nghiệm từ “Âm mưu giày gót nhọn”, nên đã chuyển bộ phim này sang ngày Valentine 14/2 năm 2014 để tránh việc phải “chia vé” với phim “Tèo em” (đạo diễn Charlie Nguyễn), và cũng để tránh việc Thái Hòa phải đối đầu trực tiếp với Thái Hòa, do anh đóng chính trong cả hai phim!

Tuy nhiên giờ chót lại một đối thủ “nặng ký” bất ngờ nhảy ra “chia vé” với “Tèo em”, đó là phim “Thần tượng” (đạo diễn Quang Huy). Ban đầu ai cũng nghĩ chẳng khác gì đem trứng chọi đá, nhưng thực tế khi xem phim mới thấy đây là cuộc đấu tay đôi sòng phẳng, hai bên kẻ tám lạng người nửa cân. Thậm chí “Thần tượng” còn có phần nhỉnh hơn về mặt nội dung. Một sự nuối tiếc ở đây thuộc về đạo diễn Charlie Nguyễn, anh xuống tay thấy rõ với “Tèo em”, có lẽ phần nào do sự gãy đổ của “Bụi đời Chợ Lớn” khiến anh phải đối mặt với sức ép làm một phim ăn khách mong bù đắp lại một phần tổn thất về tinh thần lẫn tài chính.

Lốm đốm mảng màu sáng tối của bức tranh phim Việt

“Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) là một điểm sáng hiếm hoi của phim nhà nước trong một thập niên trở lại đây. Số tiền thực nhận để làm một bộ phim chiến tranh dữ dội về đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ là một con số nực cười, hơn 7 tỷ một chút. Cố gắng tằn tiện nhưng quay xong thì hết tiền làm hậu kỳ, Dũng phải tự thân vận động thêm hơn 2 tỷ nữa để làm âm thanh và kỹ xảo. Tổng cộng sản xuất gần 10 tỷ, nhưng phim làm ra nhìn giá trị chẳng khác 50 tỷ!

Xem phim mà cứ ứa nước mắt, thương những câu chuyện trong phim một, thì thương những nỗ lực của đoàn làm phim đến mười. Nhưng càng phẫn nộ hơn khi thấy phim làm xong, lặp lại điệp khúc: Đắp chiếu để đó! Chẳng ai trong Hãng phim truyện Việt Nam buồn đưa phim ra rạp. Đạo diễn “xót con”, lại đơn thương độc mã ôm phim vào Sài Gòn tìm nhà phát hành. Bộ phim kết thúc có hậu trong sự hân hoan của mọi người khi cụm rạp BHD đồng ý phát hành dù biết nỗ lực kéo khán giả đến xem là rất khó khăn. Có thể nói, “Những người viết huyền thoại” là một trong những điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam 2013, càng đáng khen ngợi hơn vì đây là… phim nhà nước!

Nhiếp ảnh: Bobby Nguyễn – Trang điểm: Quân Nguyễn – Trang phục: Kathy Uyên, đầm bèo lệch vai Anna Võ, hoa tai Salvatore Ferragamo, vòng tay LUALA

Phim thương mại của tư nhân đã có một năm ảm đạm, nhưng cuối năm đã bất ngờ lóe lên một tia sáng với sự xuất hiện của bộ phim “Thần tượng”. Bất ngờ ở đây là phim này không được giới truyền thông đón chờ, bởi nó có nhiều yếu tố dự báo sẽ là một “thảm họa” mới của phim Việt với công thức nhàm chán “hốt” chung vào phim “một đống” sao teen ca nhạc, hotboy hotgirl… đạo diễn thì chưa bao giờ làm phim (ông bầu Quang Huy)…

Nhưng “Thần tượng” đã làm sửng sốt tất cả mọi người, cho dù là những ai xưa nay có thành kiến xấu với phim Việt. Xem phim mà tưởng như một phim thần tượng của Hàn Quốc hay Đài Loan với dàn diễn viên Việt Nam. Tuy là bộ phim đầu tay nhưng Quang Huy đã làm hết sức nghiêm túc với những góc máy khá chững chạc không kém một đạo diễn nhiều kinh nghiệm. Điểm nổi bật là diễn xuất đồng đều của các diễn viên. Những ác cảm dự báo về “thảm họa” hotboy hotgirl đóng phim đã hoàn toàn biến mất bởi sự lột xác của chính các trai xinh gái đẹp đó. Đây có thể nói là bộ phim thần tượng tuổi teen tốt nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Đó là lý do vì sao “Thần tượng” không hề ngán ngại khi dám “đối đầu” với “Tèo em” của Thái Hòa trong mùa phim Giáng sinh 2013.

Vĩ thanh…

Một nhà sản xuất kiêm đạo diễn (giấu tên), sau khi nhìn sự lớn mạnh của điện ảnh các nước trong khu vực tại các LHP quốc tế lớn trong năm 2013, đã buồn bã nói: “Điện ảnh Việt bây giờ còn chưa đáng xách dép cho Philippines và Campuchia!”. Nhận xét quá chua chát nhưng đó là sự thật! Hãy thử nhắc đến một chuyện đơn giản nhất trong năm qua là đủ thấy đau lòng – Làm sao có thể biện minh cho việc một đất nước 90 triệu dân, trong một thị trường chiếu bóng đang phát triển bùng nổ nhất nhì trong khu vực, thế mà không chọn lấy nổi một bộ phim hợp lệ để tham dự… vòng sơ tuyển Oscar!

Không thể trách các nhà làm phim tư nhân cứ mải miết lao theo những bộ phim thương mại. Họ rất muốn, nhưng không ai dám liều lĩnh hy sinh cái danh hão – làm phim nghệ thuật – để chuốc họa tán gia bại sản.

Bài: Vũ Duyên Anh

>>> Có thể bạn quan tâm: Có thể nói, Quả Cầu Vàng năm nay là một mùa giải… huề cả làng. Các ông lớn ai cũng có quà, phim kinh phí lớn hay độc lập cũng đều được vinh danh để tạo thiện cảm tốt cho dư luận. Các phim có chất lượng cao được mong chờ gặt hái giải đều đem về ít nhất 1 giải nào đó như “The Wolf of Wall Street”, “All Is Lost, Mandela: Long Walk to Freedom”, “Her”, “Gravity”… hay thậm chí là 3 giải như “American Hustle”.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Khi mùa phim hè, phim thu, luôn thành công rực rỡ thì với những “cục cưng” được kỳ vọng sẽ lên ngôi trong dịp Noel lại luôn phải nếm trải hương vị của sự thất bại hoặc bị xếp xó lặng lẽ …

Không vượt qua cái bóng của những “ông lớn” cũ

Four Christmases là bộ phim nhạt nhẽo dù đã xuất hiện hai cái tên khá đình đám

Nói đến những bộ phim đình đám, ăn khách và được lưu giữ nhiều nhất trong trí nhớ của các fan yêu điện ảnh trong mùa Noel, ngay lập tức những cái tên như: Home Alone, Sleepless in the Seattles’s, Marley and me, Love actually … sẽ được nói đến đầu tiên. Sự thành công của những siêu phẩm này đã tạo nên dấu ấn khó phai trong gia tài những bộ phim chọn chủ đề mùa Giáng sinh để khai phá. Sự hài hước, vui nhộn, lãng mạn và ngọt ngào … chính là công thức giúp những “con cưng” một thời trở nên quen thuộc, bất hủ.

Thế nhưng, phải thừa nhận rằng, sau một số những tác phẩm đáng nhớ và thực sự hấp dẫn ấy, dường như các nhà làm phim Hollywood đã cạn kiệt ý tưởng và đang dần đi vào bế tắc sáng tạo. Sự nghèo nàn trong cách khai thác chủ đề, việc lặp đi lặp lại các cách thể hiện cũ và không chịu đào xới những yếu tố mới lạ … đã bóp chết sự sống của những tác phẩm này. Bên cạnh đó, việc lạm dụng yếu tố hài hước hoặc lãng mạn quá đà, các tình tiết cường điệu phi thực tế, phản cảm cũng góp phần đẩy những Four Christmases, We bought a zoo, Arthur Christmas, The Santa Suit?, Alvin and the Chipmunks … phải chịu cảnh thất bại, ế ẩm.

Không ngạc nhiên khi những bộ phim được đặt quá nhiều kỳ vọng, quy tụ hàng loạt các ngôi sao nổi tiếng, mức đầu tư khổng lồ và được các nhà sản xuất chiều chuộng đã phải ngậm ngùi xếp ở chiếu dưới khi so găng với những tác phẩm không nhằm “đánh trúng thị hiếu” khán giả trong kỳ nghỉ lễ. Luẩn quẩn với những trò gây cười cũ kỹ hoặc những kiểu tình yêu sướt mướt, nhàm chán đã khiến khán giả Mỹ nói riêng và phần đông những người xem trên toàn thế giới trở nên bội thực, ngán ngẩm, không còn cảm thấy hứng thú trước mỗi bộ phim Giáng sinh. Khi những thủ pháp độc đáo về dàn dựng đã đều được nghiền ngẫm và tái sử dụng quá nhiều lần thì việc sản xuất hàng loạt tác phẩm na ná, phiên bản sau tương tự phiên bản trước là điều không quá khó hiểu đối với các nhà làm phim.

Home Alone 1 là cái bóng quá lớn cho những dự án ăn theo sau này

Trường hợp của Home Alone là một ví dụ điển hình. Sự thành công vượt quá mong đợi của phần 1 đã khiến tác phẩm này được coi như cái “đinh” cho mọi bộ phim Giáng sinh ấn tượng nhất dịp Noel. Thế nhưng, sau phần 1 đình đám ấy, phần thứ 2, thứ 3 và phần thứ 4 của Home Alone lại không duy trì được sức nóng ban đầu như nó vốn có. Những tình tiết lượm lặt về các pha “bắt trộm” của cậu bé nghịch ngợm, thông minh đã không còn được người xem chấp nhận. Sự “gồng mình” thái quá của các nhà làm phim chỉ khiến Home Alone 2, 3, 4 trở thành phiên bản copy lỗi so với bản đầu tiên ra mắt. Vì vậy, không khó chi biết cái chết “bất đắc kỳ tử” của siêu phẩm từng làm chao đảo phòng vé này.

Không chỉ dừng lại với những bộ phim được làm để ăn theo, mỗi năm một tập mà một số “bom tấn Giáng sinh” cũng đã trở thành “bom xịt” khi không tạo ra hiệu ứng đám đông như mong muốn. Surviving Christmas (2004) quy tụ một dàn sao bự như: Ben Affleck, Christina Applegate … hay Four Christmases (2008) với hai tên tuổi lẫy lừng là Reese Witherspoon cùng Vince Vaughn … cũng đã ẵm luôn “mâm xôi vàng” trong dịp Giáng sinh. Với nội dung lãng xẹt và các pha gây cười thiếu muối, hai bộ phim dù được ngụy trang bằng một loạt mỹ nam, mỹ nữ nhất nhì Hollywood cũng không thoát khỏi cửa của tử thần. Không đủ lãng mạn như Sleepless in the Seattle’s, không ngọt ngào, tinh tế bằng Love actually càng chẳng thể so sánh nét dí dỏm, vui nhộn với Home Alone … những tác phẩm Giáng sinh trứ danh với công nghệ PR rầm rộ đã phải chịu chấp nhận số phận hẩm hiu của mình vì đã không thể vượt qua cái bóng của các ông lớn đã chiễm trệ trên ngai vàng.

Công thức nào cho phim Giáng sinh?

Surviving Christmas là một bộ phim Giáng sinh gây thất vọng

Có lẽ, những công thức cũ, kinh điển của Hollywood đã cần thay đổi, lột xác. Và bây giờ, câu hỏi lớn nhất với những người dám mạo hiểm làm phim Giáng sinh là phải thay đổi từ đâu và bắt đầu bằng nhũng cái gì?

Với những bộ phim chủ yếu được làm dựa trên việc khai thác tiếng cười, có lẽ các đạo diễn cần phải thực sự chuyển mình, chau chuốt và có những nỗ lực mới mẻ, đánh trúng thị hiếu người xem hơn là ngoái nhìn và mượn xác của quá khứ cho những tác phẩm hiện tại. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những phần tiếp theo của Home Alone, đạo diễn chỉ bắt chước thô mộc, vụng về tất cả những chiêu trò đã được dàn xếp và sử dụng đắc địa ở phần một. Không có tình huống mới mẻ hay bất cứ một điểm nhấn nhá nào quan trọng, được coi là sáng tạo ở cả ba phần sau của bộ phim. Điều khiến một số ít khán giả đến rạp có lẽ là hào quang từ phía phần một của bộ phim để lại mà thôi.

Love Actually đã chinh phục khán giả bằng câu chuyện tinh tế của mình

Ngọt ngào, lãng mạn cũng là một ý tưởng thường xuyên trở đi trở lại trong đầu những đạo diễn quyết tâm thực hiện “bom tấn” đêm Giáng sinh. Thế nhưng, không phải cứ lãng mạn, tình cảm là sẽ đánh trúng tâm lý khán giả. Bên cạnh một câu chuyện nhân văn, mùi mẫn và thực sự khiến người xem phải cảm động, những tác phẩm ra đời sau này của Hollywood vẫn chỉ đứng ngoài cảm xúc của người xem. Thật khó để cảm nhận một phim như Surviving Christmas hay Four Christmases có điểm sáng nào ấn tượng hơn ngoài dàn sao bự được nhà sản xuất cất công chăm chút. Nội dung tẻ nhạt, cốt truyện cổ điển cũ mòn và những pha nhào nặn tình huống trong kịch bản sến sẩm, vô duyên đã trở thành điểm trừ khó lấy lòng khán giả.

Với mùa Noel năm nay, không khí tại các rạp chiếu phim khu vực Bắc Mỹ và trên toàn thế giới có vẻ im ắng hơn rất nhiều bởi không có sự tham gia của những tác phẩm được kỳ vọng sẽ công phá màn ảnh rộng. Dường như, các nhà sản xuất đã không còn mặn mà với những tác phẩm của mùa Giáng sinh khi hiểm họa thất bại luon luôn rình rập và tâm lý khán giả cũng đã không còn hứng thú. Nếu đúng như vậy thì có lẽ sẽ còn phải rất lâu nữa công chúng mới có dịp được thưởng thức một siêu phẩm Noel đúng nghĩa, đủ khiến họ cảm thấy ấm áp hay thoải mái.

Hương Giang (theo Thế giới điện ảnh)

Hãy theo dõi những ý tưởng và nguồn cảm hứng dưới đây để tìm kiếm một phong cách trang điểm thích hợp nhất.

Trang điểm mắt như Leona Lewis

Trong lễ trao giải Thiên thần toàn cầu tại Vương quốc Anh, Leona đã tô một lớp màu mắt lấp lánh ánh tuyết lên góc trong của mắt, và sử dụng màu sẫm hơn trên bầu mắt để tạo chiều sâu cho đôi mắt. Tất nhiên cô cũng không quên chuốt nhiều mascara và tô một màu son tuyệt đẹp đầy quyến rũ.

Kế đến, Leona tiếp tục xuất hiện tại buổi dạ hội Emerald & Ivy với một cách trang điểm mắt cũng rất hào nhoáng và đầy không khí lễ hội. Lần này, cô dùng phấn mắt bạc ánh kim loại phủ lên mí mắt dưới, kẻ một đường đậm bên trong mí mắt và cuối cùng, phủ một lớp phấn mắt màu teal mờ trên bầu mắt.

Bạn cũng hoàn toàn có thể trang điểm mắt theo cách kết hợp như Leona để có được đôi mắt sâu và long lanh, hút hồn như cô ấy.

Trang điểm mắt ánh nến như Elizabeth Olsen

Không phải tất cả mọi người đều hợp với cách trang điểm mắt ánh nến như Elizabeth Olsen. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thử những bước dưới đây để xem liệu mình có hợp kiểu đánh mắt này bởi thực sự cách trang điểm này khá độc đáo và khác biệt.

“Đôi mắt ánh nến” là một hiệu ứng được tạo nên bởi sự kết hợp của màu nâu sẫm, hồng và vàng kim được trộn mờ, khiến đôi mắt trông vừa ấm áp vừa lung linh, thấp thoáng như thể bạn đang ngồi dưới ánh nến vậy.

Muốn có đôi mắt ánh nên bạn chỉ cần tới 4 thứ rất cơ bản sau:

1. Một chì kẻ mắt màu nâu .

2. Tô mờ phấn mắt nâu sẫm trên nửa bên ngoài của bầu mắt, dọc theo nếp gấp trên mắt và dọc theo đường mí mắt dưới.

3. Phủ chút phấn hồng lên màu nâu sẫm dọc theo đáy và ở các nếp gấp để tăng cảm giác về sự ấm áp cho đôi mắt.

4. Phủ một chút phấn vàng kim lấp lánh ở góc trong hốc mắt.

Tất nhiên, bạn cũng đừng quên thêm một chút mascara.

Tuy nhiên nếu bạn cần phải che giấu quầng thâm của mắt, bạn không nên thử cách trang điểm này.

Trang điểm với son bóng màu vàng kim

Bạn đã từng bao giờ thử trang điểm theo phong cách Cleopatra giống như trong Austin Power’s Goldmember chưa? Nếu bạn cảm thấy lạ lẫm thì hãy chú ý, cách trang điểm này có thể là một gợi ý hoàn hảo cho buổi tiệc cuối năm.

Trong show thời trang Mùa xuân Derek Lam 2012, chuyên gia trang điểm Tom Pecheux đã trang điểm cho những người mẫu theo cảm hứng về những cô gái bờ biển phía đông California, với đôi má màu đồng tuyệt đẹp, đôi mắt màu đồng vàng, và làn môi bóng vàng li ti tạo nên một vẻ ngoài ấm áp, rạng rỡ.

Chuyên gia đã tô son bóng vàng lên đôi môi trần của người mẫu. Điều này làm ấm lên màu môi tự nhiên của người phụ nữ. Ý tưởng này thực sự tạo nên vẻ tinh tế và sáng ngời cho khuôn mặt mà chẳng cần tới quá nhiều lớp phấn bronzer.

Bạn có thể sử dụng phấn mắt màu đồng hoặc vàng nhẹ, chuốt mascara cho một vẻ ngoài đơn sắc vừa đủ rạng rỡ cho một bữa tiệc công ty và không quá lố khi bạn đi làm.

Bạn cũng có thể thoa son bóng màu vàng lên đôi môi trần khi trang điểm mắt khói – một lựa chọn rất phù hợp với phong cách nude.

Hoặc thoa son bóng màu vàng lên lớp son môi đỏ yêu thích của bạn. Cách này sẽ giúp màu son thêm lấp lánh và ấm áp.

Trang điểm đôi mắt sương mờ

Đôi mắt sương mờ thực sự rất hợp với phong cách lễ hội, vừa sống động vừa thanh lịch. Muốn trang điểm theo phong cách này bạn cần dùng phấn mắt ánh bạc hoặc xanh dương nhẹ.

Thoa phấn mắt lên bầu mắt thật đều để đôi mắt có được sự tỏa sáng hoàn hảo. Bạn có thể sử dụng bút kẻ mắt và mascara nếu cần thiết hoặc chỉ dừng lại ở đó để đôi mắt sương mờ một cách đơn giản, tự nhiên.

Để thêm phần huyền ảo, lung linh cho đôi mắt bạn nên thêm chút nhũ lóng lánh ở hai bên thái dương và xương gò má.

Đôi mắt khói huyền ảo

Bạn nghĩ trang điểm mắt khói chỉ dừng lại ở màu xám và màu đen ư? Không đâu, bạn hoàn toàn có thể sử dụng phấn mắt xanh sẫm, tím sẫm, hoặc màu kim loại.

Nếu trang điểm đi dạ tiệc, bạn cũng có thể phải cân nhắc lại về hình dáng đôi mắt khói của bạn. Bạn có thể chọn dáng cánh và trải rộng về phía lông mày. Nhưng bạn đừng quên lựa chọn những màu phấn hợp mắt và màu da của mình.

Màu môi rực rỡ

Xu hướng của mùa giáng sinh năm nay là màu môi sẫm. Màu môi da cam, các loại màu môi đỏ và thậm chí cả môi màu tím liên tục xuất hiện trên các sàn diễn thời trang. Bạn hãy chọn màu son hợp với màu da và trang phục của bạn nhất.

Bảo Anh (tổng hợp)

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/nhung-tua-phim-dac-biet-chi-danh-rieng-cho-mua-giang-sinh/