Những truyền thuyết, thần tích, di tích thời lập nước ở xứ Thanh

Theo truyền thuyết, vị thủy tổ đầu tiên của nước ta là Kinh Dương Vương (tên húy là Lộc Tục), làm vua vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 trước công nguyên).

Những truyền thuyết, thần tích, di tích thời lập nước ở xứ Thanh

Theo truyền thuyết, vị thủy tổ đầu tiên của nước ta là Kinh Dương Vương (tên húy là Lộc Tục), làm vua vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 trước công nguyên).

Con trai Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Người con trưởng nối ngôi cha làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt quốc hiệu là Văn Lang, mười tám đời Vua Hùng nối ngôi trị vì đất nước. Nhà nước Văn Lang là Nhà nước phôi thai đầu tiên của dân tộc Việt Nam, được chia thành 15 bộ. Bộ Cửu Chân tương đương với vùng đất Thanh Hóa bây giờ. Sau này, mặc dù đất nước rơi vào ngàn năm Bắc thuộc, nhưng dấu ấn về Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt vẫn còn tồn tại trong những truyền thuyết, thần tích, thần phả, ngọc phả và di tích ở các địa phương, trong đó có Thanh Hóa.

Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa vẫn còn những di tích thờ cúng Hùng Vương và các vị thần tướng của nước Văn Lang từ thời xa xưa. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Bá Tường, tín ngưỡng và tục thờ mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân ngày nay vẫn bắt gặp ở các làng quê tỉnh Thanh, người ta thờ mẹ Âu Cơ với hình thức thờ lộ thiên trên tảng đá rộng, xuất hiện ở một số địa bàn miền núi; thờ cúng Lạc Long Quân ở một số làng ven biển.

Tại xã Yên Bái (Yên Định) có một ngôi đền mang tên là đền Hổ Bái, tương truyền có hàng nghìn năm tuổi. Theo truyền thuyết, sau khi 100 người con đã khôn lớn, Lạc Long Quân bảo với Âu Cơ: Ta là giống Rồng ở vùng đồng bằng nàng là giống Tiên ở vùng non cao, nước và lửa xung khắc nhau. Nay ta đem 50 con về thủy phủ, chia trị các xứ sông biển, còn nàng cùng 50 con ở đất núi mà làm ăn. Lên núi non, về sông nước, có việc sẽ tìm đến nhau. Theo Ngọc phả làng Hổ Bái, Hợp Lang là người con thứ 11 của Long Quân, được phong tước Lạc Hầu, phân công cai quản phủ Hoài Hoan. Ngài có diện mạo khác thường, trí dũng siêu việt. Vốn thích vui chơi nơi sông nước, Ngài đã ngược thuyền từ Hàm Rồng, sông Mã lên đến trang Chân Bái, thấy hình sông thế núi vừa tươi đẹp, trù phú, vừa có địa thế tốt nên đã cho lập làng, kêu gọi dân các nơi đến sinh sống. Sau khi xây dựng nên trang ấp, Lạc Hầu cho xây dựng một ngôi đền thờ ở bên sông (trên chính mảnh đất của đền Hổ Bái ngày nay). Xây xong, Ngài hóa về miền thủ cung vào ngày 4 tháng 4. Nhân dân nhớ ơn, theo lệ đèn hương thờ cúng hàng năm. Đến thời hai Bà Trưng chống quân Đông Hán, hai Bà sai sứ thần đến các vùng sông nước, ngầm cầu dòng dõi Vua Hùng giúp đỡ. Sứ thần đến trang Chân Bái, gặp ông già họ Trịnh vốn nhà học nghiệp thi thư, bày cho đến đền yết lễ. Đến nửa đêm tức ngày mùng 9 tháng 2, tự nhiên đất trời nổi gió mưa, nước sông dâng đầy, xuất hiện một người áo mũ sán lạn rực rỡ tay cầm gậy tre thần, cưỡi rồng bạch bơi trên mặt nước, giao long, cá, rùa cùng nổi lên trên, nói một câu rằng: Ta là con Vua Hùng tiếng linh thiêng ở trong dân ta, nhân dân đều là thần tử hiệp, giáo nữ quân, nói xong vị thần biến mất. Sau đó Trưng Vương triệu quân dân cả thủy lẫn bộ, tiến thẳng đến cửa Chi Lăng đánh phá một trận lớn, thế như chẻ tre, quân giặc kinh sợ thấy đều chạy tan. Trưng Vương thấy thế cho là linh thiêng lạ kỳ, tự tiến binh cùng nhân dân trở về chính đền thiêng trang Chân Bái tiến hành làm lễ bái yết, mở yến tiệc khao dân, lại hạ mệnh tu sửa đền thờ chính ở đất đó. Đến năm Trùng Hưng thứ hai, triều Trần Nhân tông (1286), đất nước vừa trải qua cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông thì gặp hạn hán, thiên hạ phần nhiều bị đói hại. Vua lệnh cho các triều thần đến ngôi đền thờ thiêng ở trang Chân Bái làm lễ tế cầu đảo, được 3 ngày tự nhiên mây trời mù mịt, trời giáng xuống cơn mưa lớn.

Các tích trên ứng với Ngọc phả của làng Hổ Bái, định ra bốn lễ hội chính trong năm là ngày sinh Thánh Hợp Lang (25-8); ngày mất của Thánh Hợp Lang (4-4); ngày hai Bà về ăn mừng chiến thắng, tạ thần, khao dân (9-2); ngày làm lễ khánh tiết (13-11), tất cả đều tính theo âm lịch. Tại lễ hội có tổ chức nhiều trò vui chơi ca hát, ôn lại truyền thống lịch sử quê hương, trong đó có tục thi làm bánh lá răng bừa. Bánh lá răng bừa nổi tiếng ở Thanh Hóa, chính là bắt nguồn từ Hổ Bái.

Hiện nay tại huyện Yên Định, còn có ngôi đền mang tên gọi đền Đồng Cổ. Đây không chỉ là chứng tích lịch sử, văn hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, gắn liền với các sự tích, truyền thuyết lịch sử có từ hàng ngàn năm nay. Theo sách “Tam Thai sơn linh tích”, thời bấy giờ Vua Hùng khi đi đánh giặc Hồ Tôn, qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu thuộc bờ hữu sông Mã (nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi vua tỉnh mộng còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần báo mộng. Quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía mà rút chạy. Vua thắng giặc trở về, cho lập đền thờ tạ ơn. Đến các đời sau, thần Đồng Cổ còn hiển linh giúp Vua Lý đánh thắng giặc Chiêm Thành, giúp Vua Lê, chúa Trịnh đánh nhà Mạc...

Tại xã Nga Thắng (Nga Sơn) còn có một di tích lịch sử văn hóa thời Hùng Vương. Những dấu tích của vị Vua Hùng đời thứ 11 có tên là Trưng Vương được ghi lại rất rõ tại phủ Sến. Ngài đã có công dạy cho dân biết làm nông nghiệp, canh tác trên vùng đất cát, đất nhiễm mặn và đánh cá, mở mang các vùng biển đảo.

Tại Nga Sơn còn có di tích đền thờ Đức Thánh Mai An Tiêm. Truyền thuyết kể rằng: Mai An Tiêm vốn là con nuôi của Vua Hùng, là người trung thực, khảng khái. Do Ngài thường nói lời ngay, lại bị những gian thần hầu cận bên vua xúc xiểm, nên làm vua giận, đày ra đảo hoang. Không nản chí, vợ chồng Mai An Tiêm đã chăm chỉ lao động tạo dựng cuộc sống, lấy hạt của loài chim trời mang đến trồng nên giống dưa hấu ngọt lành, thơm mát. Tưởng nhớ công lao của Ngài, nhân dân Nga Sơn đã lập đền thờ, hàng năm vào các ngày từ 11 đến 13-3 âm lịch thì tổ chức lễ hội.

Một số tư liệu của viện Hán Nôm, thần tích, ngọc phả ở đình Thị Cấm (Hà Nội) và cuốn “Thanh Hóa chư thần lục” cho biết: Đời Vua Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương, có một vị danh tướng là Phan Tây Nhạc phát tích từ đất Tống Sơn, Ái Châu (xứ Thanh ngày nay). Ngài vốn có tài năng sức mạnh hơn người, làm bạn với Tản Viên Sơn Thánh, giúp Vua Hùng đánh tan quân Thục, được Vua gả cháu ngoại là ba nàng công chúa, sau được phong là Thành hoàng và được thờ ở đình Thị Cấm và Hòe Thị (xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hiện nay một số địa phương có dấu tích của Phan Tây Nhạc vẫn còn giữ mỹ tục nấu cơm thi, ôn lại thời Ngài trẩy quân dẹp giặc, đã mở cuộc thi để chọn người nuôi quân giỏi, vừa nấu cơm, vừa cấp tốc hành quân diệt giặc. Tại làng Thị Cấm – Hà Nội cũng như làng Thanh Đớn, xã Hà Thanh, huyện Hà Trung vẫn giữ lễ hội nấu cơm thi, với cách lấy lửa bằng bùi nhùi và cật nứa chỉ có ở thời Hùng Vương.

Cuốn “Thanh Hóa chư thần lục” đã dẫn ra đền thờ Phan Nhạc hay Phan Tây Nhạc ở trang Bùi Xá, mà theo sách “Đồng Khánh địa dư chí” làm năm 1886 thì trang Bùi Xá ấy là xã Bùi Xá, tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tức là xã Hà Bắc (Hà Trung) ngày nay. Ngoài ra ở Nga Sơn còn có đền thờ Phan Nhạc tôn thần ở thôn Bùi Nga, xã Hà Bắc, thường được gọi là đền thờ Phan Ông, hay Đức Ông. Tuy nhiên do những biến động lịch sử, đến nay ngôi đền không còn nữa.

Thời đại văn hóa Hùng Vương tuy cách ngày nay hàng ngàn năm lịch sử, trong đó bị thế lực phương Bắc thôn tính suốt ngàn năm, vẫn không thể xóa đi những dấu ấn huy hoàng của thời kỳ đầu dựng nước, mà đỉnh cao là nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Câu chuyện tiếng trống đồng ra trận làm kẻ thù khiếp sợ đến bạc đầu, hay trái dưa hấu Mai An Tiêm..., cho thấy những nỗ lực và thành tựu của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quốc gia dân tộc. Trong giai đoạn đầu phôi thai Nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang - lòng yêu nước, ý chí độc lập tự cường và tinh thần yêu lao động của nhân dân đã thể hiện rất mãnh liệt, kết tinh thành truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của dân tộc, cũng như phẩm chất của người Việt. Đây chính là nhân tố cốt lõi, là nguồn linh khí quốc gia, tạo nên sức mạnh to lớn để các thế hệ con cháu kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở mọi thời đại. Mỗi người dân Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng luôn tự hào về những giá trị truyền thống mà cha ông đã trao truyền từ buổi đầu sơ khai dựng nước cho đến nay, để nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình, phải làm sao để những giá trị ấy luôn trường tồn và tỏa sáng trong thời đại mới.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc-c%E1%BB%A7a-chu-tich-ho-chi-minh/nhung-truyen-thuyet-than-tich-di-tich-thoi-lap-nuoc-o-xu-thanh/93150.htm