Những trường hợp nào bị hạn chế quyền lập hội?

Các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật về hội do Câu lạc bộ cựu ĐBQH tổ chức, sáng 1/3.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Điều 8 của dự thảo luật về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội đưa ra 5 nhóm cụ thể. Trong đó quy định, đối với cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong lực lượng vũ trang chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội khi được cơ quan có thẩm quyền phân công.

Đối với cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật nhà nước thì sau 5 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó, mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

Cùng với đó, quyền lập hội cũng bị hạn chế với hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định (khoản 5, điều 8).

Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều khẳng định quan điểm, quyền lập hội của công dân là một trong những quyền cơ bản, được quy định trong Hiến pháp. Cụ thể, điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Ông Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại hội thảo

Liên quan đến cán bộ, công chức quy định trong dự thảo, ông Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ đặt câu hỏi: Với cán bộ công chức thì tham gia hội như thế nào? Theo ông Tuấn nên cho phép, nhưng phải có quy chế để công chức hoạt động đúng quy định, tránh tình trạng công chức tham gia hội, chuyển chi phí nhà nước, hay phần việc nhà nước ra hội làm “sân sau”.

Đề cập đến các trường hợp bị hạn chế quyền hoạt động của hội, ông Đặng Đình Luyến, thành viên Câu lạc bộ cựu ĐBQH cho rằng, việc dự thảo luật hạn chế một số hoạt động của hội, như các hội không liên kết, không gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài cần phải được cân nhắc kỹ.

Lý giải điều này, ông Luyến cho biết, thực tiễn trong những năm qua đã có nhiều tổ chức, hội Việt Nam liên kết, gia nhập hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ của hội, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Thành viên Câu lạc bộ cựu ĐBQH dẫn dụ, Hội luật gia Việt Nam đã là thành viên của Hội luật gia dân chủ thế giới hơn 60 năm nay, tham gia Hội luật gia châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp hội luật gia các nước Đông Nam Á. Trong quá trình hoạt động, Hội luật gia Việt Nam đã tranh thủ các luật gia quốc tế để ủng hộ việc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền biển đảo ở biển Đông.

Hay Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã liên kết với các hội nước ngoài và thường xuyên nhận các hàng cứu trợ, viện trợ của nước ngoài, gửi hàng cứu trợ của nước ta cho các tổ chức, nạn nhân ở nước ngoài. Rồi các hội, bệnh nhân Việt Nam đã nhận thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị từ các nước, tổ chức quốc tế; các nhà khoa học đã nhận tài trợ để đi dự hội nghị, hội thảo, tham gia nghiên cứu khoa học...

Vì vậy, ông Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa lại quy định Khoản 5, Điều 8 một cách mềm dẻo hơn, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các hội Việt Nam tiếp tục được liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam thống kê: Trong 33 điều chỉ có 2 điều quy định liên quan đến quyền lợi của hội, đó là quyền lập hội và quyền của hội, nhưng không có điểm nào quy định cơ chế tại điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước để hội thực hiện các quyền đó.

Liên quan đến các trường hợp bị hạn chế, theo ông Hùng, trong điều kiện hội nhập Quốc tế hiện nay các hội và cá nhân đã gia nhập hội viên các tổ chức hội quốc tế với hình thức đa phương và song phương, Vì vậy không nên quy định “phải là trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Bởi như vậy vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế vừa dễ hiểu lầm về quyền của công dân, tổ chức khi tham gia các hội.

Ông Hùng cho rằng, để tăng cường quản lý nhà nước thì chỉ cần ghi vào luật là “Khi gia nhập các tổ chức hội quốc tế thì hội, hội viên phải báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định”.

Ông Nguyễn Vi Khải, nguyên Thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng

Ông Nguyễn Vi Khải, nguyên Thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng cho rằng, quy định “không nhận tài trợ nước ngoài” là nội dung được tranh luận nhiều. Cũng theo ông Khải, trong xu thế mới tiến bộ phát triển và hội nhập, nhiều tổ chức xã hội trong nước có quan hệ với nhiều tổ chức xã hội các nước trên thế giới nhằm chia sẻ, tham gia hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhân đạo, y tế , giáo dục, kinh tế, môi trường, văn hóa…

“Quy định này làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế, các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện… Cực đoan, quá nhấn mạnh cái đặc thù để làm việc rất khác mọi nước dẫn đến hiện tượng tự tách ra khỏi cộng đồng nhân loại”, ông Khải cho hay.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, Luật về hội rất cần thiết trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay. Tuy nhiên luật về hội được xây dựng và phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể:

Thứ nhất, phải phù hợp với điều kiện chế độ chính trị Việt Nam. Thứ hai, phải đúng chủ trương của Đảng về tổ chức và hoạt động của các hội. Thứ ba, phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo quyền lập hội của công dân nhưng bên cạnh đó phải đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính. Thứ tư là phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, đảng viên khi tham gia các hoạt động khác thì phải được phép của cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

“Ví dụ như tôi là Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ, muốn tham gia hội nào thì phải báo cáo Ban Bí thư cho phép. Ủy viên đảng đoàn đã nghỉ hưu rồi muốn tham gia lãnh đạo các hội quần chúng thì phải báo cáo Ban cán sự hoặc Đảng đoàn nơi trước đây là thành viên. Mình là đảng viên thì phải tuân thủ theo các quy định của Đảng, điều đó rất là bình thường”, ông Tuấn nói.

Liên quan đến quyền lập hội của công dân, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh, sẽ xây dựng luật làm sao tạo điệu kiện thuận lợi nhất cho người dân cũng như các tổ chức hội hoạt động theo pháp luật, giảm bớt các phiền hà.

“Tôi cũng là người rất trăn trở để làm sao sắp tới xây dựng được luật, giảm các thủ tục mà hiện các tổ chức hội phàn nàn dễ gây phiền hà, mất thời gian, gây khó khăn cho các hội”, ông Tuấn cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-truong-hop-nao-bi-han-che-quyen-lap-hoi-1246056.tpo