Những triệu chứng kỳ lạ sau tai nạn sét đánh

Theo tính toán, tại Mỹ mỗi năm có hơn 500 người bị sét đánh trúng. Mặc dù có đến 90% nạn nhân bị sét đánh vẫn sống sót sau tai nạn, song tinh thần và thể chất của họ ngay tại thời điểm kinh hoàng đó về cơ bản đã có những thay đổi mà y học hiện đại vẫn chưa thể giải thích được.

Tia sét làm thay đổi cuộc đời

Michael Utley, một người môi giới chứng khoán 48 tuổi, hầu như chẳng thể nhớ gì về lần suýt chết của mình. Qua nhiều năm, những gì Utley biết được về thời điểm kinh hoàng ấy cũng chỉ qua những lời kể lại từ các

nhân chứng , bạn bè và gia đình. Ngày 8/5/2000, Michael Utley đang chơi golf cùng những người bạn của mình là Dick Gill, Bill Todd và Jim Sullivan tại Pocasset bang Massachusetts (Mỹ).

Michael Utley.

Michael Utley.

Khi thấy đám mây đen trôi đến gần, mọi người đều chạy nhanh về phía trụ sở của câu lạc bộ, riêng Utley thì chạy ngược lại để cắm cờ vào lỗ trên sân như cũ. Chỉ vài giây sau đó, những người chạy phía trước nghe thấy một tiếng sấm nổ đinh tai, khi họ quay đầu lại thì nhìn thấy Utley ngã sóng soài trên mặt đất với những lọn khói cuộn tròn bốc ra xung quanh cơ thể. Giày bị đánh văng ra xa, những ngón tay như cháy xém, hàng lông mày và mái tóc màu nâu hạt dẻ của Utley trở nên khô giòn.

Gill chạy nhanh đến bên Utley và bắt đầu

hô hấp nhân tạo trong khi Todd liên tục ép ngực cho bạn mình. Sau tai nạn, Utley không thể nhớ lại bất cứ chi tiết nào về sự việc hôm đó, như thể ông chưa từng được cấp cứu hay phải kích tim ngay trên đường đưa đến bệnh viện. 38 ngày sau đó, ký ức đầu tiên của Utley là tỉnh dậy trên một chiếc xe cứu thương với những chiếc ống trong cổ họng, máy móc được đặt xung quanh và một nhân viên cấp cứu đang ngồi phía cuối xe.

Becky Garriss, một nạn nhân thoát chết sau khi bị sét đánh trúng.

Một buổi trưa năm 2009, một người leo núi tên Becky Garriss tỉnh dậy trên dãy Appalachian tại Vermont (Mỹ) và nhận ra mình đang ngồi dựa vào một gốc cây thông, tay phải bị tê liệt và chiếc quần dài đã bị cháy đen. Mặc dù bản thân cảm thấy mất phương hướng và hoảng sợ nhưng Garriss vẫn cố gắng vượt qua một đoạn đường bùn lầy dài hơn 16 km để tìm sự giúp đỡ.

Khi đến được bệnh viện, các bác sĩ vẫn cảm nhận được tia sét đang âm ỉ bên trong khi chạm vào tay phải và chân của Garriss. Họ thông báo rằng cô đã bị tia sét đánh trực tiếp. Ở một số trường hợp khác, nạn nhân có thể tỉnh lại trong trạng thái mù hoặc điếc tạm thời và đôi khi do lực rung mạnh hoặc tác động của dòng điện khiến màng nhĩ bị rách. Một số bệnh nhân còn cho biết họ cảm nhận được mùi vị của kim loại.

Thỉnh thoảng, trên da nạn nhân xuất hiện những vết thâm màu hồng hoặc nâu có hoa văn tỏa nhánh như cành cây. Rất có thể những vết thâm này chính là dấu vết mà dòng điện để lại khi đi qua cơ thể. Dòng điện khi đi vào cơ thể có lẽ đã đẩy các tế bào máu ra khỏi mao mạch đến vùng da nông, từ đó hình thành nên vết thâm. Trong vài trường hợp hiếm gặp, dòng điện gây ngưng hoạt động của tim và phổi ở nạn nhân - chẳng hạn như những gì mà Michael Utley đã gặp phải.

Trong nhiều nền văn hóa, chuyện bị sét đánh là một điều vô cùng xui xẻo. Khi bị sét đánh trúng, người sống sót phải trải qua quá trình tập chấp nhận về những gì đã xảy ra và nguyên nhân của sự việc. Hầu hết những nạn nhân của sét đều cảm thấy những gì đã xảy ra với họ thật sự là nỗi kinh hoàng không thể nào quên và luôn canh cánh một câu hỏi: "Tại sao lại là tôi?".

Thậm chí, trong nhiều trường hợp nạn nhân không thể nhớ lại thời điểm tai nạn xảy ra, hiện tượng này thường kéo dài ngay cả sau khi những chấn thương đã được chữa lành và khi bác sĩ đã đồng ý để bệnh nhân trở về với cuộc sống thường nhật. Đây chính là triệu chứng về thể chất và tâm lý vô cùng bí ẩn. Mọi thứ không còn bình thường như trước, có điều gì đó đã xảy ra tại thời khắc chớp nhoáng đó và mọi thứ dường như đã thay đổi kể từ đấy. Hầu như không ai trong giới y khoa có thể giải thích được chuyện gì đã xảy ra với những nạn nhân này.

Khoa học chưa quan tâm nghiên cứu

Gần như tất cả những gì chúng ta có thể làm khi gặp phải một bệnh nhân bị sét đánh trúng chỉ là quan tâm đến những thương tổn trước mắt. Sau khi rời khỏi bệnh viện, Utley dành nhiều tháng để tập lại cách nuốt thức ăn, cử động các ngón tay và cả tập đi.

Những vết thâm màu hồng hoặc nâu có hoa văn tỏa nhánh như cành cây thường xuất hiện trên da nạn nhân.

Trước khi gặp tai nạn, Utley là một người năng động, thường xuyên đi trượt tuyết và lướt ván buồm nhưng nay ở tuổi 62, ông chỉ có thể sống nhờ vào bảo hiểm tàn tật. Utley chia sẻ: "Tôi không thể làm việc. Trí nhớ của tôi đã bị thiêu rụi. Tôi như già thêm 30 tuổi chỉ trong tích tắc. Dường như lúc nào tôi cũng cảm thấy đau nhức và chẳng thể nào đi bộ đến 100 mét mà không dừng lại để nghỉ. Lúc nào trông tôi cũng như người say rượu".

Tia sét lần ấy cũng đã thay đổi hoàn toàn tính cách của Michael Utley và khiến cuộc hôn nhân của ông tan vỡ. Utley kể lại: "Tôi không còn vui vẻ như trước mà trở nên nóng tính. Tôi không còn là con người mà vợ tôi đã kết hôn". Cũng như những người sống sót khác, Utley cảm thấy mọi thứ như là tai họa ập đến hơn là vui mừng vì đã thoát chết trong gang tấc.

Những đám mây tạo sét lơ lửng trên bầu trời nước Mỹ phóng ra trung bình 50.000 tia sét mỗi giờ và hai phần ba trong số đó chỉ phóng vào trong không trung hoặc lóe sáng trong những đám mây. Một số ít còn lại đánh vào những vật thể trên mặt đất như tháp chuông nhà thờ, cột điện hay cây cối. Rất hiếm khi sét trực tiếp đánh trúng vào con người.

Tuy nhiên, Roy Cleveland, một cán bộ kiểm lâm tại Công viên Quốc gia Shenandoah ở Virginia (Mỹ) đã lập kỷ lục khi sống sót qua 7 lần bị sét đánh từ năm 1942 đến 1977.

Việc Cleveland vẫn còn sống sót sau nhiều chấn động khủng khiếp đến thế, và hoàn toàn đi ngược lại với mọi lập luận khoa học. Một tia sét có thể đun sôi khoảng 950 lít nước trong tích tắc và đẩy nhiệt độ không khí ở vị trí chúng đi ngang lên cao gấp 5 lần nhiệt độ trên bề mặt mặt trời. Mặc dù vậy nhưng có đến 90% nạn nhân của sét đều sống sót.

Trong 3 thập kỷ qua, tại Mỹ, sét đã gây tử vong trung bình 51 người mỗi năm nhưng bên cạnh đó có đến hơn 500 người chỉ bị thương và vẫn còn sống. Về cơ bản, tai nạn do sét đánh khác với tai nạn điện tại nhà. Một vài giây dòng điện đi qua cơ thể đủ để nung chín những cơ quan trong cơ thể và gây ngưng tim.

Ngược lại, sét chỉ kéo dài trong tích tắc, chỉ khoảng 1/500.000 của 1 giây nên thường chỉ làm cháy da mà không gây ra nội thương. Cựu giáo sư Đại học Illinois tại Chicago (Mỹ) Mary Ann Cooper, là một trong số ít những bác sĩ đang cố gắng tìm hiểu cách mà tia sét làm thay đổi não bộ con người.

Sau hơn 3 thập niên nghiên cứu, Cooper vẫn không thể khẳng định chính xác những gì đã gây ra các triệu chứng mãn tính ở nạn nhân. Bằng chứng cho thấy những thương tổn do sét đánh gây ra đa phần nằm ở não bộ, hệ thần kinh và cơ bắp. Tia sét không những tàn phá những tế bào mà còn có thể để lại hàng loạt những tổn hại khó phát hiện khác.

Cooper và các nhà nghiên cứu cho rằng, những tổn thương mãn tính là kết quả của sự xáo trộn do tia sét gây ra trên từng hoạt động điện não đặc trưng của mỗi người. Bên cạnh đó, Cooper cũng đã chỉ ra rằng, dù chỉ là một lượng điện rất nhỏ chạy qua cơ thể cũng có khả năng làm xáo trộn vĩnh viễn hoạt động của các tế bào thần kinh và các loại tế bào khác.

Mỹ là nơi hàng năm diễn ra ít nhất 2 cuộc hội nghị dành cho các nạn nhân bị sét đánh. Những nạn nhân tụ tập lại và cùng nhau chia sẻ câu chuyện của mình. Utley cũng đã từng tham dự buổi hội nghị tại Tennessee và gặp mặt bác sĩ Cooper tại đây. Cooper đã nhờ Utley giúp phát động tuần lễ nhận thức an toàn về sét. Sự kiện này đã được triển khai vào năm 2001 với câu châm ngôn: "Khi nghe tiếng sấm, hãy chạy nhanh vào nhà".

Một năm sau đó, Utley thành lập trang web struckbylightning.org với tiêu chí hết lòng cung cấp kiến thức giúp mọi người ngăn ngừa tai nạn do sét. Bên cạnh đó, Utley đã đi đến các trường học và các đội hướng đạo sinh để tuyên truyền cũng như làm khách mời trong các mục dự báo thời tiết trên truyền hình.

Theo Thiên Minh/An ninh Thế giới

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhung-trieu-chung-ky-la-sau-tai-nan-set-danh/20200905085804463