Những triệu chứng đầu tiên của ung thư đường tiêu hóa

Thống kê từ Bệnh viện K qua mấy năm gần đây cho thấy, ung thư đường tiêu hóa điển hình là K dạ dày, K đại trực tràng đang có dấu hiệu trẻ hóa, đây là mối lo ngại đối với sức khỏe của người Việt Nam.

Dấu hiệu nhận biết

Theo PGS.TS Vũ Hồng Thăng - Phó trưởng Khoa điều trị nội 4, Bệnh viện K; Phó trưởng bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội, những trường hợp có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nếu trước đó chưa từng mắc bệnh gì mà bất ngờ có biểu hiện đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, chất nhầy, có thể có đau bụng... thì cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để phát hiện sớm bệnh ung thư. Ở một số người thậm chí không có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mà chỉ đau bụng rất mơ hồ, gầy sút, thiếu máu...

Các bác sĩ đang khám cho bệnh nhân bị đường tiêu hóa. Ảnh minh họa

Người bệnh cần ý thức để đi khám, khi đến khám tại các cơ sở y tế thì bác sĩ cũng cần quan tâm đến độ tuổi vì bệnh K đường tiêu hóa khá hay gặp. Nếu được phát hiện sớm ngay từ đầu thì kết quả điều trị khả quan hơn. Một số người có ung thư mang tính chất di truyền gia đình thì lứa tuổi sàng lọc thậm chí ngay từ 10, 12 tuổi đã phải sàng lọc rồi.

PGS.TS Vũ Hồng Thăng cho biết, phẫu thuật là phương pháp cơ bản, ưu tiên lựa chọn trong điều trị ung thư đường tiêu hóa cho nên quan niệm sử dụng ngoại khoa là phương tiện cuối cùng là không đúng. Phát hiện sớm, điều trị sớm thì khả năng sự sống kéo dài, vấn đề thứ hai là quan niệm động dao kéo vào ung thư nó “chạy” là quan niệm dân gian là hết sức sai lầm.

Cũng theo vị bác sĩ này, giai đoạn muộn có thể khỏi, giai đoạn muộn cần phối hợp nhiều phương pháp để kéo dài sự sống. Phát hiện sớm, mổ càng sớm thì thời gian sống sau mổ càng kéo dài.

Theo đó, cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày phụ thuộc vào vị trí khối u, nếu khối u nằm phần trên dạ dày thì phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày, nếu khối u nằm dưới mà phát triển quá cao thì cũng phải cắt toàn bộ dạ dày. Nếu cắt khối u cách rìa khối u 3 cm thì có 27% vẫn còn tế bào ung thư, nếu cắt cách 5cm thì hoàn toàn không còn tế bào ung thư cho nên nguyên tắc phải cắt rộng rãi, khối u lan tỏa đến đâu thì cắt cách 5cm.

Những thực phẩm nên tránh

Cũng theo PGS.TS Vũ Hồng Thăng, sau 3 tháng bệnh nhân cắt dạ dày thì bệnh nhân có thể ăn cơm bình thường, phần ruột đưa lên thì sau một thời gian sẽ giãn dần ra. Vấn đề của người cắt bỏ dạ dày là chế độ ăn uống phải hợp lý vì dạ dày giúp nghiền nát thức ăn, giờ không còn dạ dày thì bệnh nhân phải ăn chậm, nhai kỹ và bắt đầu từ thực ăn lỏng đến đặc.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, thường mình cắt đi dạ dày hay khúc ruột sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa. Chế độ ăn bù đắp lại khiếm khuyết một bộ phận đường tiêu hóa. Nếu cắt dạ dày thì không còn túi chứa thức ăn nên khi ăn, thức ăn phải mềm lỏng.

Bệnh nhân sau phẫu thuật không còn túi dạ dày co bóp nghiền thức ăn thì thức ăn phải mềm nhuyễn để thay thế chức năng này của dạ dày. Không còn dạ dày để giữ nữa nên thức ăn chuyển rất nhanh xuống ruột. Vì vậy thức ăn cần chế biến dưới dạng mềm lỏng, dễ hấp thu. Và nên chia làm nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa ăn ít thôi, chia nhỏ làm 10-12 bữa/ngày.

PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo, chúng ta nên tránh những thực phẩm như lạc mốc chứa chất gây ung thư gan, thực phẩm nhiều muối, thực phẩm giàu carbon hydrate, lipid hơ trên lửa sinh ra chất gây ung thư. Chấp nhận chế độ ăn lành mạnh để nhận chất chống oxy, ví dụ ăn rau họ đậu, pectin trong quả táo, beta caroten từ cà rốt, ăn tỏi./.

Thế Công

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/y-te/nhung-trieu-chung-dau-tien-cua-ung-thu-duong-tieu-hoa-340571.html