Những trang viết trĩu nặng 'ưu thời'

Gần đây, nhà giáo, PGS, TS Phạm Quang Long gây bất ngờ khi liên tiếp cho ra đời các tác phẩm văn chương nhiều sức nặng về đề tài thế sự. Cuộc cờ (NXB Hà Nội, 2018) là tiểu thuyết mới nhất của ông, sâu xa, khắc nghiệt một thực tại cờ - đời: 'vào những tình huống quyết định, có khi phải thí cả xe pháo để lấy tốt mà vẫn cứ phải làm...'.

Trong Cuộc cờ, bao trùm tất cả là vấn đề lợi ích nhóm, sức mạnh chi phối của đồng tiền và tác động không nhỏ của nó tới đời sống xã hội, đạo đức con người và tận sâu ngóc ngách tình cảm, hạnh phúc gia đình. Ðề cập đến dự án đất đai - một vấn đề luôn nóng trong đời sống xã hội, Phạm Quang Long nêu ra một thực trạng: sự bắt tay của quan chức tham nhũng và doanh nghiệp cơ hội trong việc "phù phép", thay đổi cơ chế chính sách để biến đất đai, tài sản công thành nguồn lợi riêng cho một nhóm người. Cuộc cờ lấy bối cảnh một địa phương là tỉnh Nguyên Bình; dựng nên chân dung nhóm lợi ích cụ thể, gồm: Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ðô - Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư; Lân - Giám đốc ngân hàng và cao hơn cả là anh Hai (Thành) - một nhân vật cấp cao giấu mặt đầy quyền lực, người nắm vai trò chóp bu, chỉ đạo toàn bộ "cuộc chơi".

Sự bắt tay của nhóm người này trong chiến lược chuyển đổi dự án bảo tàng, khu công viên văn hóa núi Sằn thành khu đô thị, du lịch sinh thái để bán nhà và khai thác đá quý, làm giàu cho họ được thể hiện rõ từng đường đi, nước bước tinh vi, chặt chẽ như những "thế cờ" của bậc kỳ thủ. Mỗi nhân vật đều mang nét cá tính đặc biệt, tiêu biểu cho tầng lớp họ đại diện. Là trung tâm câu chuyện, Ðô đại diện cho một lớp trí thức sinh ra, lớn lên trong thời kỳ bao cấp; được đào tạo bài bản (học giỏi ngành tài chính, đi nghiên cứu sinh ở Ðức); có năng lực và tự thân lập nghiệp, trở thành một hình mẫu quan chức được xem là hoàn hảo trong xã hội.

Con đường thăng tiến hanh thông, nhưng vào vòng xoáy danh lợi, Ðô tỉnh táo xác định được vị trí của mình trên bàn cờ - cuộc chơi lớn của các đàn anh, nên lạnh lùng chấp nhận, hy sinh cơ hội phát triển sự nghiệp để yên vị ở ghế Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, vì tiền. Song điều khắc nghiệt, chua xót nhất là Ðô phải đối đầu với chính những người ruột thịt trong gia đình khi ông Ðảo, cha anh, một nhà giáo, cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin về hưu lại là người quyết liệt tìm mọi cách ngăn cản dự án vụ lợi, mong muốn xây dựng bảo tàng để có được một công trình văn hóa - lịch sử cho quê hương. Phải đối đầu với vợ và con gái, anh bị họ "lên án" là sống gia trưởng, lạnh lùng ích kỷ, "lạc đường"...

Ðể cuối cùng, cái giá đắt phải trả không chỉ là vụ việc đứng trước nguy cơ vỡ lở, mà Ðô còn bàng hoàng nhận ra bộ mặt sát nhân của những kẻ cùng thuyền khi định thủ tiêu cha mình để bịt đầu mối; là cái chết có chủ ý của người cha cao thượng, nặng lòng yêu thương con nên chấp nhận hy sinh khi thấy Ðô đã tỉnh ngộ.

Bên cạnh nhóm nhân vật phản diện, Cuộc cờ cũng xây dựng được nhân vật tiêu biểu, đại diện cho số ít những con người chính trực trong một cuộc đấu tranh không cân sức. Ðó là ông Ðảo, bố Ðô, một nhà giáo, cán bộ văn hóa hiền lành luôn đau đáu với những giá trị truyền thống; đặc biệt không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác, thậm chí phải đối đầu với người con trai duy nhất của mình; dẫu phải "độc hành" trong một hành trình đầy gian nan, vẫn dần dần tới đích. Ðó còn là cô giáo Trang, vợ Ðô, người phụ nữ trong sáng, hiền thục; sống đơn giản, nhẫn nhịn vì chồng con, hiếu thảo với cha mẹ. Song tự trong sâu thẳm, Trang đã dần mạnh mẽ đối diện sự thật, cùng bố chồng và các con làm cầu nối để thức tỉnh Ðô, kéo anh trở về…

Những trang viết về cuộc sống sinh hoạt đời thường và tâm hồn ắp đầy tình cảm chân chất của ông Ðảo, của Trang; những đấu tranh, giằng co tâm lý của các nhân vật trong cuộc chiến vì hạnh phúc, lương tâm, chính nghĩa mang sức nặng tình cảm, triết lý, nhân văn của Cuộc cờ. Nó cho thấy thế mạnh của một ngòi bút không chỉ giàu chất liệu thời cuộc mà còn sâu sắc về văn hóa, triết học của một nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và văn hóa có tên tuổi, bề dày cống hiến.

Cuộc cờ theo bút pháp tiểu thuyết truyền thống với bố cục truyện khá chặt chẽ, các lớp lang rõ ràng; lôi cuốn người đọc ở mạch truyện, diễn biến tình huống, sự kiện luôn có sức dồn nén, thắt nút với một kết thúc mở nhiều kịch tính. Viết về một đề tài gai góc, phơi bày những mặt trái, góc khuất của một giới tầng cao trong xã hội nhưng ngòi bút tác giả vẫn chừng mực, sâu sắc; không xô lệch, thái quá cả khi phơi bày hay triết luận. Có lẽ cũng vì thế mà đôi lúc, cảm giác như Cuộc cờ còn hơi lành, chưa thật sự "bùng nổ" một cái gì khốc liệt, đau đớn như chính sự thật ngoài đời, đáp ứng chờ đợi của người đọc. Dẫu sao, tác giả Phạm Quang Long đã dũng cảm cất tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ với căn bệnh đã từ lâu như ung nhọt nhức nhối của xã hội, cần phải trực diện và đại phẫu.

NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/41780602-nhung-trang-viet-triu-nang-uu-thoi.html