Những trang viết ám ảnh từ chiến trường

Ngày 24-7, NXB Trẻ đã tổ chức buổi ra mắt giới thiệu bộ sách Bốn mùa của 3 tác giả, cũng là 3 cựu chiến binh gồm các tác phẩm: Mùa linh cảm, Mùa chinh chiến ấy của nhà văn Đoàn Tuấn; Mùa xa nhà của nhà văn Nguyễn Thành Nhân và Rừng khộp mùa thay lá của tác giả Nguyễn Vũ Điền. Bộ sách được thực hiện nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc và hướng đến kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ.

Nhà thơ Lê Minh Quốc (đứng) cùng 3 tác giả Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân và Nguyễn Vũ Điền (từ trái qua) tại buổi giới thiệu bộ sách Bốn mùa

Nhà thơ Lê Minh Quốc (đứng) cùng 3 tác giả Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân và Nguyễn Vũ Điền (từ trái qua) tại buổi giới thiệu bộ sách Bốn mùa

Trong số 4 tác phẩm của bộ sách, có 2 tác phẩm vừa được ra mắt là Rừng khộp mùa thay lá và Mùa linh cảm. Hai tác phẩm còn lại đều đã được in trước đó, nay đã là lần in thứ 3. Riêng Mùa xa nhà sau lần in ở NXB Trẻ vào năm 2004 thì 10 năm sau được NXB Quân đội Nhân dân tái bản trong dịp hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Nhà thơ Lê Minh Quốc, cũng là một người lính trở về từ chiến trường K, cho biết, đến nay đã tròn 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm tái hiện lại hình ảnh, tinh thần, tâm tư của người lính trong giai đoạn ấy. Đã có tác phẩm của các cựu chiến binh chiến trường K như: Phạm Sỹ Sáu, Sương Nguyệt Minh, Thanh Nguyễn, Huỳnh Kim, Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Vũ Điền, Trung Sỹ… đến với bạn đọc. “Bức tranh về chiến trường K nhìn từ nhiều góc độ đã được dựng lại với sự đa sắc, đa cung bậc tình cảm. Có thể nói, đây chính là một dòng văn học dù ít, dù nhiều đã góp phần tái hiện lại những năm tháng gian nan nhưng chan chứa nghĩa tình đồng đội, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ”, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ trong lời nói đầu của bộ sách.

Buổi giới thiệu bộ sách Bốn mùa cũng là dịp hội ngộ giữa 3 tác giả, là 3 cựu chiến binh trở về từ chiến trường K. Họ là những chàng trai mười tám, đôi mươi năm nào, theo tiếng gọi lên đường có mặt tại chiến trường K, cùng gác lại những hoài bão tuổi trẻ. May mắn hơn rất nhiều đồng đội, họ sống sót trở về; tuy nhiên, cuộc trở về ấy cũng không dễ dàng với họ, nhất là trong việc hòa nhập với xã hội.

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Thành Nhân, anh tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam ngay khi vừa tốt nghiệp THPT, tính tình còn ngây thơ, hồn nhiên. “Qua cọ xát với cuộc chiến, sau 3 năm trở về, hình như con người tôi đã hoàn toàn biến đổi, luôn canh cánh trong tâm trí nỗi ám ảnh rất khó tả. Nên khi về, tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng với xã hội. Tôi cũng cố gắng hòa nhập, nhưng sau đó lại nhớ rừng nên đến cuối năm 1988, tôi tình nguyện đi thanh niên xung phong lên Đắc Nông. Lên đó bị tái sốt rét, mấy tháng sau bắt buộc phải trở về”, tác giả Mùa xa nhà tâm sự.

Ngoài bộ sách Bốn mùa, dịp này, NXB Trẻ còn ấn hành và tái bản các tựa sách có cùng chung chủ đề như: Những mùa xuân con không về (nhiều tác giả); Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến); Mình và Họ (Nguyễn Bình Phương)…

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-trang-viet-am-anh-tu-chien-truong-606820.html