Những trang nhật ký đậm chất văn chương của một liệt sĩ

'Nhật ký chiến tranh' của liệt sĩ Trình Văn Vũ là cuốn sách không chỉ tươi nguyên màu trận mạc gian khổ, khốc liệt mà còn hừng hực sức trẻ và một khát vọng cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời lấp lánh một tài năng văn chương.

Bản in lần đầu (bên trái) và cuốn tái bản năm 2011 tác phẩm "Nhật ký chiến tranh" của liệt sĩ Trình Văn Vũ.

Bản in lần đầu (bên trái) và cuốn tái bản năm 2011 tác phẩm "Nhật ký chiến tranh" của liệt sĩ Trình Văn Vũ.

Liệt sĩ Trình Văn Vũ sinh năm 1948, tại thôn Nam Hải, xã Minh Châu, huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn). Năm 1966, anh vào đơn vị trinh sát thuộc C22, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Đại đoàn Quân tiên phong. Tháng 2/1968, anh cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9, Khe Sanh, Quảng Trị và đã anh dũng hy sinh năm 1974 khi mới 23 tuổi.

Sinh thời, liệt sĩ Trình Văn Vũ đã viết 5 tập nhật ký trong suốt 6 năm quân ngũ. Anh đã hai lần vào chiến trường Quảng Trị (Tết Mậu Thân năm 1968 và từ cuối năm 1970 đến lúc hy sinh). Đến nay mới chỉ tìm được hai trong 5 cuốn nhật ký và một trong 2 tập bản thảo viết tay về tiểu thuyết "Một tâm hồn" của liệt sĩ. Rất tiếc, 3 quyển nhật ký và 1 quyển bản thảo tiểu thuyết đã bị thất lạc.

Sau khi cuốn nhật ký được đăng tải lần lượt trên Báo Hạ Long vào năm 2006, Hội VHNT Quảng Ninh và NXB Hội Nhà văn xuất bản và phát hành, Hội VHNT và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức phát động phong trào đọc sách “Nhật ký chiến tranh" của liệt sĩ Trình Văn Vũ.

Sau đó, năm 2011, NXB Hội Nhà văn tiếp tục tái bản cuốn nhật ký này. Trong lần tái bản năm 2011, tác phẩm "Nhật ký chiến tranh" của Trình Văn Vũ được bổ sung thêm nhiều nguồn tư liệu quý. "Nhật ký chiến tranh" cuốn tái bản bao gồm 5 phần: Nhật ký, thư từ của người thân và bạn hữu gửi cho Trình Văn Vũ, tiểu thuyết của Trình Văn Vũ, đồng đội và người thân viết về liệt sĩ và phần văn nghệ sĩ, trí thức đánh giá về tác phẩm này.

Dù chưa học hết lớp 7 nhưng những trang nhật ký và bản thảo cuốn tiểu thuyết dang dở mà anh viết tại chiến trường lại rất giàu tính nhân văn. Những trang sách đó đã “lấp lánh một tài năng văn chương" như một số nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học từng nhận xét.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá: “Nhật ký Trình Văn Vũ là hành trình của sự tự hoàn thiện. Tất cả những gì thuộc về khát vọng, lẽ sống đã được tác giả thể hiện một cách sinh động, chân thành.

Cái làm nên sức hút của cuốn nhật ký là vẻ đẹp tâm hồn của tác giả. Tình nguyện dấn thân, không mặc cả, không đòi hỏi, không chờ đợi bất cứ một sự nâng đỡ nhẹ tay nào, đó là một bản lĩnh sống cao đẹp. Gặp những lúc ngổn ngang bụi bặm này, đọc nhật ký của Trình Văn Vũ, chúng ta như được dưỡng tâm bởi một làn gió tươi nguyên khiết của tình người”.

Do vậy, nội dung của nhật ký cho thế hệ trẻ hôm nay có thể nhìn nhận sâu sắc hơn về những phẩm chất tốt đẹp của những người lính, trong những năm đất nước chiến tranh. Đó còn là lẽ sống, lý tưởng cao đẹp cũng như những suy tư của họ trước thời cuộc: "Bắt đầu từ đây, một quyển sách mới... cứ một tờ lật đi lật lại biến đổi một chút trong cuộc đời bình thường của người lính. Và có ai biết chăng, cứ ngày ngày từng trang giấy ấy vẫn đang chờ một cái gì khốc liệt. Khốc liệt nhưng tin rằng rất vinh quang. Từ những quyển sổ tay nhỏ bé ấy, ta tin rằng sau này, nếu chiến trường không cướp mất, ta sẽ hiểu thế nào là đời chiến binh gian khổ".

Đọc “Nhật ký chiến tranh” của Trình Văn Vũ sẽ thấy rõ được sức trẻ, khát vọng được hiến dâng, niềm tin vào Đảng, vào nhân dân và Tổ quốc, gác mọi tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Ở đó, còn là cuộc đấu tranh kiên cường để vươn lên với ánh sáng và tỏa ánh hào quang rực rỡ của người chiến sĩ cách mạng.

Phần mộ liệt sĩ Trình Văn Vũ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vân Đồn.

Nhật ký chiến tranh của liệt sĩ Trình Văn Vũ khiến người đọc rưng rưng xúc động khi đọc những dòng thấm đẫm tình thương yêu cha mẹ, anh em ruột thịt, bạn bè và đặc biệt là người vợ trẻ nơi quê nhà mới chỉ kịp có với nhau một đêm tân hôn.

Đó là nỗi nhớ miên man về vùng biển, đảo Minh Châu với những bữa cơm giản dị mẹ nấu, cái Tết của dân biển miền Bắc: "Tiếp tục xuyên rừng hành quân trong nắng lửa. Vắt như trấu. Tất cả mệt mỏi, bơ phờ khó chịu. Đeo ba lô như đeo một thỏi chì lớn. Bước đi trong sương gió dãi dầu mưa nắng, chơi vơi, nằm sương, gối đất, rét run trong đêm khuya, lạnh lùng trong sáng sớm. Tất cả gộp lại thành một chuỗi ngày dài gập ghềnh cuốn thách dữ dội mà nó sẵn sàng cuốn đi cuộc đời, nếu như chẳng vững vàng, cứng rắn và đầy đủ nghị lực. Chao ôi, lúc này được rổ khoai luộc ở quê nhà mà ăn hay một củ sắn lùi chính tay mẹ đưa cho... ngon quá.

Về mặt nghệ thuật, rõ ràng tác giả Trình Văn Vũ đã không cố tình làm văn, không có ý định viết văn nhưng câu chữ cứ tuôn ra theo dòng cảm xúc. Những dòng nhật ký và những trang văn trong tiểu thuyết của Trình Văn Vũ le lói một năng khiếu văn chương thiên bẩm.

Đó là một giọng văn giàu cảm xúc, chân thực, tinh tế, mạch lạc, lay thức người đọc. Có thể nếu không hy sinh biết đâu sau này anh sẽ trở thành một nhà văn đáng nể: “Quyển sổ tay yêu thương! Mi sẽ là tâm hồn thứ nhất của ta, mi trước hết phải là của ta, sau nữa mi mới đến những người thân yêu nhất... Khi ấy, nếu ngã xuống máu sẽ nhuộm hồng bìa sổ và tin rằng mi sẽ đến với Thu Hà (vợ liệt sĩ - PV) yêu quý của ta. Ðừng phụ lòng ta nhé!".

Nhà văn Nguyễn Phan Hách, nguyên Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nhận định: "Trình Văn Vũ còn sống, chắc chắn sẽ thành một nhà văn. Trong những năm tháng bom đạn ác liệt ấy, anh đã làm thơ, viết tiểu thuyết. Những trang viết dở dang. Nhưng không cần. Chính đời anh đã là một trang thơ huyền thoại của cuộc chiến đấu hiện thực thời đại".

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/nhung-trang-nhat-ky-dam-chat-van-chuong-cua-mot-liet-si-2493210/