Những trang hồi ký của một thầy giáo làng ra trận và trở về

Hồi ký 'Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng' của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm như một món quà tinh thần ý nghĩa, giúp bạn đọc hiểu hơn về người thầy giáo, người chiến sĩ trên chiến trường với nhiệm vụ bảo vệ đất nước và cả nhiệm vụ trồng người.

Những năm 1965 – 1968, thầy giáo làng Đinh Đức Lâm (thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đã xếp bút nghiên, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò để lên đường ra trận khi đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân đổ bộ vào miền Nam và cho không quân ném bom đánh phá miền Bắc.

Đêm ngày 21/7/1969, sau một trận đánh phối hợp với đơn vị bạn, ông bị lạc. Sau đó, ông phát hiện ra chiến sĩ Lê Văn Thụ, quê Thái Bình cũng đang bị lạc như mình, thế nhưng gay go nhất là chiến sĩ Thụ bị đạn bắn gãy chân, không thể đi được. Thầy giáo Lâm đã cõng đồng đội, tìm cách vượt qua vòng vây của thám báo Mỹ trở về đơn vị.

Những trang nhật ký của nhà giáo Đinh Đức Lâm đi qua thời khói lửa cùng đất nước

Những trang nhật ký của nhà giáo Đinh Đức Lâm đi qua thời khói lửa cùng đất nước

Họ đã bị lạc tới 3 đêm liền trong khu rừng đầy thám báo Mỹ và những ổ phục kích của địch. Cuối cùng, nhờ dũng cảm và mưu trí, 2 người đã tìm thấy đồng đội và trở về đơn vị an toàn; và đây cũng chính là cái thứ cảm xúc, để bây giờ nhà văn Đặng Vương Hưng đặt tên cho tác phẩm “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” trên cơ sở tập nhật ký của thầy giáo Lâm.

Tác phẩm xúc động, thấm đẫm tình người này vừa được Nhà xuất bản Thanh niên, Câu lạc bộ Trái tim những người lính, Tạp chí Môi trường và Đô thị cho ra mắt đúng dịp kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” được tác giả - thầy giáo Đinh Đức Lâm ghi chép từ ngày 21/7/1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3/3/1973. Đó chính là một ngày vui, khi gia đình ông bất ngờ nhận được tin người anh trai cả là Đinh Đắc Khâm không hy sinh như giấy báo tử của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng ngày 3/2/1972 thông báo và chính quyền địa phương cũng đã trang trọng làm lễ truy điệu.

Nhà văn Đặng Vương Hưng - người biên soạn chia sẻ với báo chí về cuốn sách

Hơn 50 năm trước, khi viết những dòng chữ đầu tiên trong sổ tay nhật ký ở chiến trường miền Đông Nam bộ, người thầy giáo trẻ không thể ngờ được những trang sổ tay đã cũ nát với những dòng chữ đã nhòe mờ sau nửa thế kỷ, nay đã trở thành tài sản tinh thần của con cháu và cũng sẽ là một tài sản quý cho cả cộng đồng và xã hội.

Với một phần tư thế kỷ cống hiến trong nghề giáo dục, thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm đã dạy dỗ hàng vạn học sinh. Nhiều người đã trưởng thành là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ… Nhiều học sinh cũ của ông đã trở thành cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan, hoặc là doanh nhân thành đạt… Nhà giáo Đinh Đức Lâm cũng giáo dục con cháu rất thành công. Vợ chồng ông tự hào, vì sinh được 3 người con, nay họ đều đã trưởng thành và là niềm tự hào của quê hương.

Chiến tranh nhìn từ góc độ một thầy giáo làng từng xếp bút nghiên ra trận

“Điểm khác biệt và hấp dẫn nữa của tác phẩm này là cho dù nó nằm trong tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” song trong khi tác giả của các tác phẩm trong tủ sách đều đã hy sinh như những người anh hùng, tác giả của cuốn “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” đã sống và trở về để hôm nay chúng ta có điều kiện được chứng kiến trọn vẹn cuốn sách” - nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-trang-hoi-ky-cua-mot-thay-giao-lang-ra-tran-va-tro-ve-147852.html