Những trạm thu phí đặt sai vị trí 'bủa vây' Hà Nội

Không làm dự án BOT ở Hà Nội hoặc trên chính những tuyến đường đặt trạm thu phí, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư đang đặt trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, đường hướng tâm vốn là đường Nhà nước. Ngoài ảnh hưởng đến giao thông, người đi và đến Hà Nội đang phải trả phí cho các tuyến đường mà mình không sử dụng.

Là đường Nhà nước nhưng từ năm 2009, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (cửa ngõ phía Tây bắc Hà Nội) bị đặt để thu phí hoàn vốn cho dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Dự án do Cty Cổ phần BOT Viettracimex 8 thực hiện. Theo hợp đồng BOT được ký giữa Tổng Cục đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư - Cty Cổ phần BOT Viettracimex 8, với giá trị hợp đồng làm đường tránh Vĩnh Yên 531 tỷ đồng, từ 1/9/2009, Cty Viettracimex 8 được đặt trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên trong vòng 16 năm 10 tháng. Ảnh: Như Ý

Là đường Nhà nước nhưng từ năm 2009, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (cửa ngõ phía Tây bắc Hà Nội) bị đặt để thu phí hoàn vốn cho dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Dự án do Cty Cổ phần BOT Viettracimex 8 thực hiện. Theo hợp đồng BOT được ký giữa Tổng Cục đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư - Cty Cổ phần BOT Viettracimex 8, với giá trị hợp đồng làm đường tránh Vĩnh Yên 531 tỷ đồng, từ 1/9/2009, Cty Viettracimex 8 được đặt trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên trong vòng 16 năm 10 tháng. Ảnh: Như Ý

Đến nay, nhà đầu tư đã thu được hơn 8 năm. Với lý do đường làm một nơi, trạm thu phí một nẻo, nhiều năm qua người dân và chính quyền thành phố đã nhiều lần có kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT di dời trạm ra khỏi Hà Nội. Tuy nhiên hiện trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn tồn tại và thường xuyên gây ùn tắc vào những ngày lễ tết. Ảnh: Anh Trọng

Quốc lộ 5 (của ngõ phía Bắc) là tuyến đường được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước và đã đi vào hoạt động hàng chục năm nay. Tuy nhiên, năm 2015, sau khi tuyến cao tốc BOT Hà Nội - Hải Phòng thông xe, tuyến đường này được Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam – VIDIFI (chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) tiếp quản và lập 2 trạm thu phí (trạm số 1 tại Văn Lâm - Hưng Yên, trạm 2 tại Hải Phòng) để thu phí hoàn vốn dự án. Theo đó, mức phí VIDIFI đang thu tại cả hai trạm này là 40.000 đồng/lượt ô tô dưới 12 chỗ và 180.000 đồng/lượt với xe tải lớn. So với mức phí 10.000 đồng/lượt được trạm nhà nước thu trước đó, các trạm thu phí BOT của VIDIFI đã thu cao vượt gấp 4 lần.

Cho rằng mức phí quá cao và phương tiện không đi đường cao tốc nhưng vẫn phải trả phí BOT để VIDIFI hoàn vốn đường cao tốc, vào đầu tháng 9 vừa qua, trạm thu phí số 1 QL5 liên tục xảy ra tình trạng nhiều lái xe dùng tiền lẻ với mện giá 200 đồng và 500 đồng, mua vé qua trạm. Tình trạng trên đã gây ùn tắc kéo dài và người dân tập trung đông tại trạm thu phí.

Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (cửa ngõ phía Nam) vốn là đường nhà nước, nhưng từ năm 2015, Bộ GTVT đã phê duyệt cho Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng. Theo tiến độ, đến cuối năm 2018 dự án được thi công xong, nhưng từ cuối năm 2015, nhà đầu tư đã lập trạm thu phí (thu sớm 2 năm), với mức phí 45.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ ngồi.

Do bị người dân phản ứng đường chưa xong đã thu phí với mức "chặt chém", tiếp sau đó, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam thanh tra, phát hiện nhà đầu tư thu được khoảng 1,7 tỷ đồng ngày, nhưng chỉ báo 1,2 tỷ. Trước sự việc này, Tổng Cục đã yêu cầu nhà đầu tư chấn chỉnh, có biện pháp thu phí hợp lý. Đến đầu năm 2018, nhà đầu tư trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã giảm 25% phí. Ảnh: A.Trọng

Tin Anh Trọng- Ảnh Như Ý

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-tram-thu-phi-dat-sai-vi-tri-bua-vay-ha-noi-1215928.tpo