Những trải nghiệm 'nhớ đời' của giáo viên từng dạy trẻ tự kỷ

Giữa giờ học trẻ có thể hét lên, đập đầu vào tường đến chảy máu hay lao vào cắn bạn, tát cô… Đây là những trải nhiệm 'không thể quên' của những giáo viên từng chăm sóc và dạy dỗ trẻ tự kỷ.

Cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương (28 tuổi) đã chọn Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn để gắn bó. Ảnh: A.Kiều

Bị học sinh tát đến ù tai

Câu chuyện cô giáo dùng dây cột đứa trẻ 4 tuổi vào cửa sổ ở Trực Ninh, Nam Định làm tôi nhớ đến trải nghiệm của mình vào 8 năm về trước. Khi đó tôi đang làm thêm tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) với công việc là chăm sóc trẻ ăn bán trú và hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý, dạy dỗ học sinh.

Hằng ngày làm đủ thứ việc không tên, từ phân chia đồ ăn, bảo ban bọn trẻ ăn cho hết suất, dọn vệ sinh phòng học, dỗ trẻ ngủ trưa, dạy trẻ học bài… Nhưng đó chưa phải là tất cả. Lớp mà tôi phụ trách có một học sinh bị rối loạn phổ tự kỷ.

Cả tôi và cô chủ nhiệm của lớp đều không được đào tạo và có kỹ năng chăm sóc trẻ bị rối loạn cảm xúc, nhưng bắt buộc phải làm quen với việc trong lớp học của mình có một học sinh đặc biệt và luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng biến với những tình huống mà em tạo ra.

Có lần vào giờ học sinh ngủ trưa, trong khi các bạn đang say giấc, em bật dậy la hét. Thế là cả lớp cũng bật dậy, có trẻ vì giật mình, có em sợ hãi khóc nức nở. Nghe tiếng ồn ào, giám thị của trường đến kiểm tra và nhắc nhở giáo viên rồi rời đi. Chẳng biết giải thích thế nào, cô trò cùng khóc.

Lần khác, cô trò đang ngồi cùng nhau trong giờ học, đột nhiên em tát mạnh vào mặt tôi, ù hết bên tai. Vì quá bất ngờ và đau, tôi đã khóc luôn tại chỗ…

Đó chỉ là một vài tình huống mà giáo viên có thể gặp phải khi trong lớp có trẻ đặc biệt.

Vụ bé trai 4 tuổi bị cột vào cửa sổ gây tranh cãi trong dư luận những ngày qua.

Cần sự sẻ chia của xã hội

Với cô Đoàn Thị Nhật Phương (công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), nhiều năm trôi qua nhưng cô chưa thể quên được tai nạn mà mình gặp phải khi dạy học sinh đặc biệt. Sự việc đã khiến cô rơi nhiều nước mắt.

“Có một lần trong giờ ngủ trưa của trẻ bán trú, một trẻ tự kỷ không ngủ mà đi qua đi lại trong phòng. Lúc này một trẻ bị down đã lấy thanh phách của thầy giáo dạy nhạc để trên bàn đánh vào tay và đùi của trẻ tự kỷ.

Lúc đó tôi đang ăn trưa dưới nhà ăn. Đến chiều, tôi trả cháu cho phụ huynh mà hoàn toàn không hay biết về sự việc đã xảy ra lúc trưa. Khi về, phụ huynh thấy cháu có vết bầm trên tay và trên đùi, nên đã chụp hình và đăng lên mạng xã hội với nội dung giáo viên chúng tôi đã bạo hành trẻ, giáo viên chúng tôi không có lương tâm.

Rất nhiều người không hiểu sự việc cũng dùng những lời lẽ cay nghiệt để chửi bới tôi.

Khi biết sự việc tôi đã hoảng loạn và sợ hãi. Sợ mọi người sẽ nghĩ mình là người đánh trẻ. Sợ nó sẽ để lại vết nhơ trong sự nghiệp, mọi tâm huyết của mình sẽ trở về con số không. Tôi chỉ biết khóc”- cô Phương nhớ lại.

May mắn sau này cô được “giải oan”, nhưng cô Phương cũng rút ra cho mình nhiều bài học nhớ đời: Bất cứ giờ học, giờ ra chơi, ăn, ngủ... thì trẻ cũng phải luôn trong tầm mắt của mình.

Cô giáo dạy trẻ đặc biệt cần sự kiên trì và tình yêu thương. Ảnh: Ngọc Trang.

Theo cô Đinh Thị Phú Hiền (Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Mồ côi - Tàn tật TP. Việt Trì, Phú Thọ) – người có 18 năm dạy học sinh khuyết tật, ngoài tình yêu đủ lớn và sự kiên nhẫn, thầy cô dạy trẻ khuyết tật, hay lớp học có trẻ hòa nhập cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để ứng xử trong những tình huống đặc biệt mà trẻ tạo ra.

Bởi nếu chỉ chăm sóc vài chục đứa trẻ bình thường cũng đã rất vất vả, chưa nói đến việc phải trông thêm trẻ tăng động, không kiểm soát được hành vi của mình.

Vì lẽ đó cô rất cảm thông với hai cô giáo ở Nam Định trong vụ việc bé trai 4 tuổi bị cột vào cửa sổ và mong xã hội cũng có cái nhìn chia sẻ.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/nhung-trai-nghiem-nho-doi-cua-giao-vien-tung-day-tre-tu-ky-644745.ldo