Những tổn thất lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây tổn thất cho thương mại song phương giữa hai nước này đồng thời làm xáo trộn dòng chảy thương mại toàn cầu.

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang gây tổn thất cho thương mại song phương giữa hai nước này đồng thời làm chuyển hướng các dòng chảy thương mại trên toàn cầu. Ảnh: The Star

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang gây tổn thất cho thương mại song phương giữa hai nước này đồng thời làm chuyển hướng các dòng chảy thương mại trên toàn cầu. Ảnh: The Star

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5-5 đe dọa tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, đe dọa làm đảo chiều những tiến triển rõ ràng đã đạt được nhiều tháng trong đàm phán thương mại.

Ông cho biết vào ngày 10-5, Mỹ sẽ tăng thuế từ mức 10% lên 25% nhắm vào 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc đồng thời cảnh báo sẽ sớm áp thuế đối với 325 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm chưa bị đánh thuế.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức khai màn vào tháng 7 năm ngoái khi Washington ra đòn áp thuế nhằm vào 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm. Sau đó, Mỹ gia tăng áp lực với thêm hai đợt áp thuế nhằm vào 16 tỉ đô la và 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc lần lượt được thực hiện vào tháng 8 và tháng 9. Trung Quốc cũng đánh thuế trả đũa hàng hóa Mỹ sau mỗi đợt áp thuế của nước này.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã gây thiệt hại đáng kể cho hoạt động xuất khẩu giữa hai hai nước này cũng như thương mại toàn cầu.

Số liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy trong tháng 3 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ giảm 47% so với tháng 6-2018, một tháng trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra.

Giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc trong tháng 3 cũng giảm 17% so với tháng 6 năm ngoái.
Tính tổng cộng, trong quí 1-2019, nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc giảm gần 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng gần 1/10. Nếu tính theo giá trị đồng đô la Mỹ, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc giảm 25 tỉ đô la trong quí 1, tương đương 0,5% giá trị thương mại toàn cầu.

Bên cạnh tác động của chiến tranh thương mại, nhu cầu trong nước suy giảm do cuộc vận động chống các rủi ro tài chính của Bắc Kinh cũng góp phần khiến nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc suy giảm trong quí vừa qua.

Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc suy giảm chủ yếu ở hai nhóm hàng hóa thực phẩm và nguyên liệu thô, theo tổ chức tư vấn kinh tế Oxford Economics (Anh). Ngoài ra, các công ty Mỹ hoạt động trong các lĩnh vực khác bao gồm hãng máy móc và động cơ nông nghiệp Caterpillar và hãng smartphone Apple, cũng chứng kiến doanh thu yếu ớt ở Trung Quốc.

Trong số các mặt hàng mà Trung Quốc bán sang Mỹ, máy móc và thiết bị điện là nhóm hàng hóa bị tác động nặng nề nhất.

Hầu hết các nhà phân tích đều ghi nhân cho đến nay, thiệt hại trực tiếp của Mỹ do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, tương đương khoảng 0,1-0,2% GDP của Mỹ, trong khi đó, con số thiệt hại này ở Trung Quốc vào khoảng 0,3-0,6% GDP. Mức thiệt hại sẽ còn tăng cao nếu Mỹ tăng thuế với hàng hóa Trung Quôc vào ngày 10-5 tới.

MỸ TĂNG NHẬP KHẨU LỐP TỪ VIỆT NAM LÊN MỨC 141,7%

Trong quí 1-2019, nhập khẩu đồ gỗ từ Trung Quốc của Mỹ giảm 13,5% giá trị nhưng từ Việt Nam và Đài Loan lại lần lượt tăng lượt 37,2% và 19,2%.

Nhập khẩu tủ lạnh từ Trung Quốc của Mỹ Quốc giảm 24,1% nhưng Hàn Quốc và Mexico chứng kiến mức xuất khẩu tủ lạnh sang Mỹ tăng 32% cho mỗi nước.

Mức ước tính thiệt hại trên chưa tính đến các tác động gián tiếp từ chiến tranh thương mại bao gồm các thay đổi về quyết định đầu tư và chi tiêu của các công ty và người tiêu dùng cũng như các biện pháp chính sách ở Mỹ và Trung Quốc. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm hoãn thắt chặt chính sách tiền tệ, thậm chí cân nhắc giảm lãi suất đồng đô la Mỹ trong năm nay một phần là để ứng phó với diễn biến bất lợi từ bên ngoài.

Chiến tranh thương mại leo thang khiến Trung Quốc cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại, thúc đẩy cho vay trong nước lên đến mức kỷ lục 5.810 tỉ nhân dân tệ (862,8 tỉ đô la Mỹ) trong quí 1-2019. Các biện pháp cắt giảm thuế của Trung Quốc cũng giúp bơm thêm 2.000 tỉ nhân dân tệ vào nền kinh tế, trong khi đó, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được phép phát hành các trái phiếu đặc biệt để huy động 2.150 tỉ nhân dân tệ, phục vụ các dự án hạ tầng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng gây biến động cho dòng chảy thương mại xuyên biên giới. Công ty dữ liệu thương mại Panjiva cho biết dòng chảy nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đang thay đổi.

Phân tích của ngân hàng DBS (Đức) cho thấy các chuỗi cung ứng máy móc, thiết bị điện phục vụ cho các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ ở châu Á, đặc biệt ở các nền kinh tế Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines và Đài Loan đang gánh mức rủi ro lớn nhất.

Một nghiên cứu của tổ chức Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế (Anh) cho biết khoảng 165 tỉ đô la giá trị thương mại toàn cầu bị mất mát hoặc chuyển hướng để tránh các đòn thuế trong cuộc chiến tranh thương mại này.

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288584/nhung-ton-that-lon-tu-cuoc-chien-thuong-mai-my--trung.html