Những toan tính chính trị cản trở nỗ lực gỡ nút thắt giữa Israel và Palestine

Những toan tính chính trị của các bên trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas có thể là bước cản cho các nỗ lực ngoại giao quốc tế để 'gỡ nút thắt' Trung Đông.

Sau một thời gian yên ắng, xung đột Gaza mấy ngày qua lại trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế, với những diễn biến xảy ra chóng vánh, leo thang từ tranh chấp cục bộ ở Jerusalem, đến cuộc chiến trên không quy mô lớn ở Gaza. Những diễn biến này cũng làm thay đổi tính toán của các cường quốc khu vực và toàn cầu, vốn đang tìm cách gác lại cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài nhiều năm qua, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Đơn vị pháo binh Israel áp sát biên giới với Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Đơn vị pháo binh Israel áp sát biên giới với Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Séphane Dujarric kêu gọi: “Giao tranh phải dừng lại ngay lập tức. Cuộc chiến đã gây ra những cái chết của người dân vô tội, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng. Chúng tôi tiếp tục tích cực hợp tác với tất cả các bên nhằm hướng tới việc chấm dứt ngay lập tức những xung đột quân sự giữa Israel và Palestine”.

Các hoạt động ngoại giao quốc tế cũng đang được tích cực tiến hành với nhiều giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, nút thắt này được đánh giá là khó gỡ khi nó xảy ra “đúng thời điểm” được cho là mang lại lợi ích chính trị cho các bên trong cuộc xung đột.

Đối với Israel, sau cuộc bầu cử kéo dài 2 năm qua mà không phân thắng bại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không thể thành lập chính phủ và nhường quyền cho nhóm đối lập. Xung đột bùng nổ "đúng lúc" được nhiều chuyên gia nhận định có thể ngăn chặn sự thay đổi chính phủ ở Israel.

Còn với Hamas, tình hình nội bộ Palestine có những vướng mắc chưa hóa giải được và Hamas đang tận dụng thời cơ này để tối ưu hóa cơ hội hiếm hoi trong chính trường Palestine. Với cuộc bầu cử Palestine đang đến gần, phóng rocket vào Israel là nỗ lực của Hamas nhằm đạt được ưu thế hơn so với Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine.

Trong khi đó, so với sự năng nổ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, chính quyền đương nhiệm tại Mỹ chưa có "phản ứng thái quá đáng kể" nào. Bảo lưu quyền tự vệ của Israel, ngày 17/5, Mỹ lần thứ 3 phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cuộc xung đột... được cho là “bật đèn xanh” để Israel tiếp tục các hoạt động.

Theo một số chuyên gia, Mỹ thường cho Israel một "thời gian xác định" ban đầu để đáp trả các cuộc tấn công, "cho đến khi đạt được một số mục tiêu, trong đó có việc phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas”. Hiện cũng có nhiều thông tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua thương vụ bán vũ khí trị giá 735 triệu USD cho Israel đầu tháng này.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng Israel và Hamas đều hiểu một cuộc chiến tranh Gaza lần thứ tư sẽ có hậu quả như thế nào. Tình trạng bất ổn cũng có thể châm ngòi cho những trận chiến lớn hơn, kéo chính quyền Mỹ lún sâu hơn vào cuộc xung đột ngay cả sau khi cơn địa chấn mới nhất này hạ nhiệt - điều mà chính quyền Mỹ luôn muốn tránh.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Mỹ đang nỗ lực tìm cách chấm dứt xung đột: “Mọi tuyên bố chúng tôi đưa ra đều với mục tiêu giảm bạo lực và chấm dứt xung đột. Mỹ đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi để thực hiện mục tiêu này”.

Mặc dù cả Israel và Hamas đều khẳng định tiếp tục hành động quân sự, nhưng có nhiều nhận định những hoạt động mạnh mẽ mấy ngày qua là điều mà các bên đang cố gắng đạt được mục tiêu, trước khi đi đến một thỏa thuận đình chiến. Tuy nhiên, hình ảnh các tòa nhà cao tầng tại Gaza bị máy bay phá hủy, người dân Israel ở khu vực biên giới thấp thỏm với các tiếng còi báo động hay cuộc khủng hoảng điện nước tại Gaza đang là lời kêu gọi khẩn cấp đối với cộng đồng quốc tế, cần sớm đưa ra giải pháp để hạ nhiệt căng thẳng./.

Phạm Hà/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhung-toan-tinh-chinh-tri-can-tro-no-luc-go-nut-that-giua-israel-va-palestine-858707.vov