Những tờ báo trong ngục tù

Đối với nhiều cựu tù Phú Quốc trong thời gian đất nước còn chiến tranh, những điều đáng nhớ nhất trong cuộc đời không phải là đòn roi tra tấn khốc liệt của kẻ thù, mà là những gì các bạn tù đã cùng nhau làm, tận dụng hết tất cả những vật dụng trong điều kiện vô cùng thiếu thốn của các nhà tù nổi tiếng là 'địa ngục trần gian' như Phú Quốc, Côn Đảo, Hỏa Lò… Một trong số đó là kỷ niệm làm báo tuyên truyền trong ngục tù.

Tờ Lao tù tạp chí, của chi bộ Đảng nhà tù Hỏa Lò xuất bản.

Tờ Lao tù tạp chí, của chi bộ Đảng nhà tù Hỏa Lò xuất bản.

Tại trưng bày “Lửa Thanh xuân” do Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện hồi tháng 3-2019, rất nhiều khách tham quan đã dừng chân rất lâu trước những hiện vật, tư liệu kể về quá trình làm báo trong tù. Mực in làm từ thuốc, giấy được lọc từ bìa các tông… bất kỳ cái gì có thể viết ra và viết lên đều được tận dụng để làm báo. Trong tù, báo chí, sách vở là vô cùng hiếm, và đây lại là những công cụ hữu hiệu nhất để các đồng chí, đồng đội trong tù giữ vững niềm tin cho nhau, giữ vững ý chí lạc quan, hướng về Đảng, về Cách mạng và giữ vững lý tưởng chiến đấu vì Tổ quốc của mình.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Châu Văn Mẫn, cựu tù Côn Đảo kể lại về những ngày tháng làm báo trong tù: “Hưởng ứng phong trào làm báo, phòng 9, trại 6B ra tạp chí đầu tiên mang tên “Xây dựng”, tôi được các đồng chí trưng dụng viết bài. Đó là tạp chí thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt, được anh em đón nhận nhiệt tình. Giấy viết được làm từ hộp các tông của bệnh xá ngâm nước lạnh, rã ra thành nhiều tờ, mực được làm từ glycerin nấu với than pin giã nhuyễn …”

Trong nhà tù Hỏa Lò, các tù nhân chính trị cũng đã có những tháng ngày làm báo với mọi thứ vật dụng có trong tay, bằng sự sáng tạo không thể tưởng tượng được giữa hoàn cảnh khắc nghiệt và khó khăn vô cùng của ngục tù. Trưng bày “Thắp lửa niềm tin” tháng 1-2020 cũng do Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện đã cho thấy nhiều thực tế hơn chung quanh những tờ báo thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của các tù binh Côn Đảo, Hỏa Lò, Phú Quốc…

Trong hồi ký “Âm thanh cuộc đời”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận kể lại: “Tờ “Xuân tù” của trại L ra đời, có minh họa màu sắc xanh đỏ rất vui mắt, màu đỏ lấy từ thuốc đỏ, màu vàng lấy từ thuốc ký ninh, màu xanh từ thuốc quinobleu của nhà thuốc. Anh em trong trại chuyền tay nhau đọc. Ai không biết chữ thì ngồi nghe. Anh Đối trước khi vào tù là loại mít đặc “cán cuốc”, địch tra tấn dã man, anh cắn lưỡi không khai. Nay anh cũng giác ngộ, tâm sự với tôi: TInh thần cao chưa đủ, phải có văn hóa cao mới làm cách mạng được”.

Tù Côn Đảo những năm 30 đã có tờ “Ý kiến chung”, do các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn (tù chính trị nhà tù Côn Đảo năm 1931-1936) viết bài. Những năm 70, các tù nhân chính trị Côn Đảo có tờ nội san “Xây dựng” ra định kỳ hằng tháng, có các số đặc biệt nhân các ngày 1-5, 19-8, 2-9 và 20-12. Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Châu Văn Mẫn cho biết, số đầu tiên được một cuốn khoảng 60 trang, luân chuyển đến phòng thứ 10 thì nhàu nhũn. Những số sau Ban biên tập cố gắng cho ra hai cuốn, rồi ba cuốn để anh em chuyền tay nhau đọc. Để cất giấu, ban biên tập cuộn chặt nội san vào túi nilin, rồi chôn dưới gầm phòng giam.

Không chỉ vậy, các tù nhân trong nhà tù Côn Đảo còn nghe giấu được radio rồi chép lại cho nhau đọc. Cựu tù Côn Đảo Bùi Văn Toản kể lại: “Chúng tôi nghe radio bằng dây ê-cút-tơ gắn vào tai, tới một giờ sáng. Nghe xong thì gói kín radio lại, ngụy trang để giấu đi. Cho đến năm 1975, trại 6B không bị lạc hậu với tình hình cũng nhờ tin tức trên đài. Tôi còn nhớ, đêm 20-1, tôi nghe bản tin cuối cùng là tin giải phóng Phước Long”.

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ tại các nhà tù, các đồng chí tù chính trị đã vượt khó khăn, nguy hiểm để mang niềm tin tới đồng đội, tới các bạn tù của mình qua các loại báo chí, tài liệu… để tuyên truyền cách mạng. Những ấn phẩm tự tạo trong ngục tù như vật đã khơi dậy niềm tin, động viên tinh thần và đã trở thành các loại vũ khí hiệu quả để đấu tranh.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/43102202-nhung-to-bao-trong-nguc-tu.html